Sau khi nghỉ công tác từ giữa 2006, ông ít khi phát biểu trước đại chúng. Cuộc hội thảo trở thành dịp xuất hiện ý nghĩa bởi trong 40 năm TP.HCM xây dựng và phát triển, ông từng gắn bó 14 năm tại đây.
Trong hàng trăm khách mời của hội thảo “TP.HCM: 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” do Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ VN TP.HCM tổ chức hôm nay nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là khách mời đặc biệt.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự hội thảo |
Sau khi nghỉ công tác từ giữa 2006, ít khi ông xuất hiện trước đại chúng. Cuộc hội thảo trở thành dịp xuất hiện ý nghĩa bởi trong 40 năm TP.HCM xây dựng và phát triển, ông đã gắn bó 14 năm tại đây.
Đó là giai đoạn TP.HCM sau giải phóng đi vào xây dựng, tái thiết, trải nghiệm tiên phong về cải cách, đổi mới, thậm chí cả những “xé rào” và thời kỳ công tác tại đây trở thành thực tiễn quý giá trước khi ông ra TƯ công tác trong Chính phủ những năm đầu thời kỳ đổi mới.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thú nhận rằng ông đã phải suy nghĩ rất nhiều về việc chuẩn bị nội dung khi được mời phát biểu. Có lẽ cái khó với ông đó là phải định lượng “nói gì” về một chặng đường lịch sử quá dài với thực tiễn trải nghiệm ngồn ngộn nhưng chỉ có ít phút diễn thuyết.
Nguyên Thủ tướng nhắc lại thời điểm 1975, đảng bộ TP.HCM bắt sự nghiệp xây dựng CNXH trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, quá khứ đã để lại cho toàn thành phố những hậu quả nặng nề về nhiều mặt. Đáng kể nhất là tình trạng nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu, thiếu điện ngưng hoạt động, nạn thất nghiệp, thiếu việc làm nghiêm trọng, các tệ nạn xã hội, nền kinh tế chủ yếu dựa vào viện trợ bên ngoài nên yếu kém què quặt, hơn 700 ngàn ha đất nằm trong vùng vành đai trắng bị hoang hóa, trong khi vết thương 30 năm chiến tranh còn ngổn ngang…
Ông nói khi đó, thành phố phải đương đầu với thử thách mới vô cùng nghiệt ngã, cùng chiến tranh biên giới Tây Nam gây tổn thất, những biến động từ Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, cho đến các cuộc cải tạo công thương nghiệp trong nước gây ra tác động mạnh đến sản xuất, ảnh hưởng tâm tư và tình cảm của người dân…
Một hình ảnh khiến ông nhớ đó là đồng bào phải ăn cơm với bo bo, bột mì, khoai sắn. Cộng với khó khăn về lao động giảm sút số lượng, chất lượng, công nhân xí nghiệp quốc doanh phải nghỉ vì thiếu nguyên liệu vật tư.
Bà Ngô Thị Huệ – phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đến dự hội thảo
|
Ông cũng nhớ thời đó thành phố phải “chạy ăn” từng bữa cho 3,5 triệu người. Lúc sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng kể lại câu chuyện vui, trong thời gian ông làm chủ tịch thành phố, khi đến ĐBSCL để chạy lương thực thực phẩm cho dân, lãnh đạo địa phương còn đặt biệt danh cho Chủ tịch TP.HCM là “Chủ tịch gạo, Chủ tịch heo”….
Đỉnh điểm của sự khủng khoảng kinh tế và đời sống ở TP.HCM tập trung vào năm 1979-1980 kéo theo hệ lụy sự khủng hoảng lòng tin của quần chúng, phát sinh hiện tượng, công nhân viên chức bỏ cơ quan, làn sóng di tản.
“Đó cũng là những năm tháng từ trong văn phòng thường trực Thành ủy ở Trương Định quận 3 cũng như khi đi xuống các cơ quan xí nghiệp nhà máy công trường, các vị lãnh đạo Thành ủy đã hiệu triệu giai cấp công nhân, nhân dân lao động, viên chức nhà nước phải “tự cứu lấy mình” với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” nhằm thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, duy ý chí, tìm ra biện pháp xác đáng giải quyết vấn đề kinh tế xã hội bức xúc phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
‘Tháo gỡ, cởi trói’
Đại hội đảng bộ TP.HCM lần 9 và 10 vào mùa hè 1979 và 1980 mở đầu điểm đột phá theo hướng nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo cơ sở, phát huy mọi khả năng sản xuất. Theo nguyên Thủ tướng, bắt đầu từ đó là một khí thế mới, một phong trào cách mạng quần chúng khơi dậy nhân lên.
Ông nhớ thời kỳ đó chứng kiến sự xuất hiện hàng loạt mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến như công ty bột giặt miền Nam, xí nghiệp thuốc lá, dệt Thành Công, Phong Phú…. Các tầng lớp nỗ lực tìm tòi hướng suy nghĩ mới, phát triển mô hình mới, thực hiện phương châm nhà nước, nhân dân cùng làm, trung ương, địa phương, cơ sở cùng làm, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi xuất hiện ngày càng nhiều, được phổ biến, nhân rộng nhanh chóng…
“Thời điểm đó không khí rất sôi động, còn đói nghèo nhưng tinh thần rất tốt, vượt qua khó khăn, thử thách” – nguyên Thủ tướng kể lại.
Đầu thập niên 80, Thành ủy TP.HCM đã mở rộng chỉ đạo nhằm kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất kinh tế nhờ đó sản xuất ra nhiều sản phẩm. Xã hội đỡ căng thẳng.
Do liên tục khơi dậy liên tục các phong trào cách mạng của quần chúng, thông qua những điển hình tiên tiến xuất hiện trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, từ cơ sở, đảng bộ TP.HCM đã tìm tòi, phát hiện ra được mô mô hình mới cải tạo XHCN gắn liền với việc tổ chức lại sản xuất, việc thực hiện các đòn bẩy kinh tế như 3 lợi ích, các quan hệ hàng hóa, tiền tệ, mua bán theo giá thị trường, mở ra một sức mạnh thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, hàng hóa ngày càng dồi dào, xác định cơ cấu kinh tế hợp lý tổ chức lại sản xuất liên kết giữa công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất và lưu thông, liên kết các thành phần kinh tế của các khu vực.
Nhìn lại một thập niên đầu sau giải phóng, nguyên Thủ tướng nhắc lại lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gọi đó là thời kỳ “tháo gỡ, cởi trói”.
“TPHCM cùng các tỉnh ở miền Nam đóng góp rất quan trọng để có Đại hội 6 – Đại hội của đổi mới. Đó là đóng góp to lớn của TP.HCM trong 10 năm đầu vào đường lối đổi mới” – ông nói.
Với 3 thập niên phát triển kế tiếp, nguyên Thủ tướng tự hào TP.HCM đã phát triển hội nhập thành công, trở thành động lực phát triển chung cho cả nước, vùng trọng điểm kinh tế đặc biệt, có vai trò, vị trí quan trọng, đóng góp trên 20% GDP cả nước.
Một trong những thế mạnh của TP.HCM mà ông nhấn mạnh đó là “năng động, sáng tạo”. Sau 40 năm, TPHCM có đủ thế và lực để tiếp tục phát huy vai trò vị trí to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Xuân Linh
(Theo Vietnamnet)
(Theo Vietnamnet)