BBC
Cựu Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Lý Tiến Dũng, người từng bị thuyên chuyển vì phản bác Ban Tuyên giáo Trung ương, vừa qua đời ở tuổi 58.
Cáo phó của gia đình cho hay ông qua đời hôm 4/12. Lễ viếng được tổ chức hôm thứ Hai 5/12 và ông sẽ được an táng vào ngày 7/12.
Được biết ông bị bệnh ung thư thận.
Ông Lý Tiến Dũng, sinh năm 1959, từng là đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông từng kinh qua một số vị trí trước khi làm Tổng biên tập báo Đại Đoàn kết của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tháng 10/2008, ông và ông Đăng Ngọc, Phó Tổng biên tập báo này bị kỷ luật thuyên chuyển vì “vi phạm Luật Báo chí”.
Một năm trước đó, Đại Đoàn Kết cho đăng lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối chủ trương dỡ bỏ Hội trường Ba Đình, xây dựng toà nhà Quốc hội mới trên khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Lời giới thiệu của tòa soạn khi ấy viết rằng lá thư của tướng Giáp bị các báo từ chối, nhưng Đại Đoàn Kết quyết định công bố để “giải toả những bức bối từ các vị cán bộ lão thành và nhiều bạn đọc có quan tâm”.
Ban Tuyên giáo Trung ương phê phán Tổng biên tập Lý Tiến Dũng vì cho đăng lá thư trong khi Quốc hội đã biểu quyết thông qua đề án.
Trong nửa đầu năm 2008, Đại Đoàn Kết cũng đăng một số bài báo mà nhiều người cho rằng “lọt lưới kiểm duyệt”.
Ông Lý Tiến Dũng hôm 10/12/2007 gửi thư lên lãnh đạo Đảng về “một số vấn đề không bình thường tại Ban Tuyên giáo Trung ương”. Lá thư này sau được phát tán trên mạng internet.
Lá thư phê phán trực diện ông Hồng Vinh, lúc đó là Phó Ban Tuyên giáo, và cho rằng trong ban này “có quá nhiều người làm không được việc, không được đồng chí và nhân dân ủng hộ”.
Sau lá thư này, ông Dũng đã bị mất chức.
‘Dũng cảm bảo vệ sự thật’
Hôm 5/12, trả lời BBC từ bang California, Mỹ, bà Mai Hiền, cựu Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh xác nhận: “Ông Dũng bị Hồng Vinh, trưởng ban tư tưởng văn hóa Trung ương phê bình. Ông Dũng thẳng thắn phê phán Hồng Vinh trên mạng. Do đó, ông bị bãi chức Tổng biên tập.”
“Nhìn chung, Lý Tiến Dũng là một nhà báo có năng lực, dũng cảm bảo vệ sự thật. Đó là điều hiếm thấy đối với người làm báo trong chế độ toàn trị.”
Bà Mai Hiền cũng kể thêm: “Thời ông Dũng còn đi học ở Học viện Quân sự (trường đào tạo sĩ quan cao cấp), giữa hội trường, khi nghe ông Lê Đức Anh, bộ trưởng Bộ quốc Phòng, nhục mạ ba của Dũng là giáo sư Lý Chánh Trung (chính khách và nhân sỹ yêu nước qua đời tháng 3/2016 ), Dũng đã quát: “Nói láo, ba tôi luôn luôn là một nhà yêu nước”.
Do đó, Dũng đã phải rời quân ngũ, vào làm phóng viên báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh.”
Một trong những đồng nghiệp cùng thời với ông Dũng, nhà báo Hoàng Linh viết trên Facebook: “Lý Tiến Dũng đã ngừng tay viết vì lẽ vô cùng của tự nhiên chứ không vì một sức mạnh nào khác, dù nhiều người muốn ông khuất phục.”
“Trong ký ức của tôi, Lý Tiến Dũng là một nhà báo yêu nước đến tột độ, luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên và luôn đứng về phía người lao động nghèo, người yếu thế trong xã hội và đấu tranh không mệt mỏi cho nữ quyền.”
“Từng là một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, Lý Tiến Dũng hiểu rõ những giá trị mà một nhà báo phải bảo vệ vượt trên quyền lợi của những nhóm lợi ích, nói cách nào đó ông đã đi theo con đường đầy khí khách của người cha lừng lẫy giáo sư, nhà báo Lý Chánh Trung.”
“Nhiều dự báo của Lý Tiến Dũng về sự chệch hướng của các nhóm lợi ích, tập đoàn kinh tế… đã trở thành sự thật, dù khi đăng tải những bài báo đó trên Đại Đoàn Kết, ông đã gặp nhiều phiền toái”.