VOA
04.04.2016
Một toán các nhà báo nghiên cứu các tài liệu bị tiết lộ của một tổ hợp luật Panama đã công bố một số điều phát hiện được về những thỏa thuận tài chánh ở nước ngoài của những người giàu có, nổi tiếng và có những liên hệ chính trị.
Một nguồn tin vô danh cung cấp 11,5 triệu tài liệu của tổ hợp luật Panama Mossack Fonseca cho Tổ chức Nhà báo Điều tra Quốc tế -ICIJ, có trụ sở tại Washington.
Ông Ramon Fonseca, một trong những người sáng lập tổ hợp luật này, nói với Thông tấn xã Pháp là việc tiết lộ tin tức cho các nhà báo là “một tội phạm, một tội nghiêm trọng.”
Ông Fonseca nói tiếp “Quyền riêng tư là một nhân quyền căn bản đã càng ngày càng bị xói mòn trong thế giới hiện đại. Mỗi người đều có quyền riêng tư, dù người đó là vua hay ăn mày.”
Gởi tiền vào những tài khoản ở nước ngoài không nhất thiết là bất hợp pháp, và có thể sử dụng để trốn thuế một cách hợp pháp hay tạo sự dễ dàng cho những thỏa thuận kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên phúc trình cho biết “những tài liệu này cho thấy những ngân hàng, các tổ hợp luật và những người có dính líu đến việc giao dịch ở nước ngoài khác, thường không tuân thủ những đòi hỏi pháp lý nhằm đảm bảo là các khách hàng không liên hệ đến những tổ chức tội phạm, trốn thuế hay tham nhũng chính trị.”
Tổ chức nhà báo quốc tế, cùng với nhật báo Đức Sueddeutsche Zeitung và hơn 100 tổ chức báo chí khác, cho biết đã có những kết luận từ những tài liệu bị tiết lộ cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin và các người cộng tác đã chuyển 2 tỉ đô la vào những tài khoản ở nước ngoài trong khoảng thời gian gần 40 năm, “có liên hệ đến những người hay những công ty dính líu đến ông Putin” từ năm 1977 cho đến cuối năm 2015.
Trong số những người có tên trong ‘hồ sơ Panama’ có Thủ tướng Iceland và Pakistan, Tổng thống Ukraine và Argentina, và Quốc vương Ả Rập Xê-út.
Tuần trước, điện Kremlin không trả lời những câu hỏi của các nhà báo về những vụ chuyển tiền này, và công khai chỉ trích Tổ chức Nhà báo Điều tra Quốc tế là đã thực hiện “một tấn công tin tức” sai lạc nhắm vào nhà lãnh đạo Nga và những người thân cận.
Nhật báo Sueddeutsche Zeitung, có trụ sở tại Munich, ngày hôm qua cho biết đã nhận được các tài liệu này cách đây hơn một năm. Tờ báo nói thêm là con số các dữ liệu nhận được nhiều hơn vài lần những điện văn ngoại giao của Mỹ bị Wikileaks tiết lộ vào năm 2011, và những tài liệu tình báo mật được Edward Snowden tiết lộ cho các nhà báo trong năm 2013.
Sở thuế Australia ngày hôm nay cho Thông tấn xã Reuters biết là đang điều tra hơn 800 khách hàng giàu có của tổ hợp luật Panama về việc những người này có thể trốn thuế.
Cùng với những liên hệ với ông Putin, Tổ chức Quốc tế các Nhà báo Điều tra cho biết thêm là có những tài liệu:
-Tiết lộ về những tài khoản của 140 chính trị gia và công chức trên toàn thế giới, trong đó có 12 đương kim và cựu lãnh đạo thế giới. Trong số những người này là Thủ tướng Iceland và Pakistan, tổng thống Ukraine và Argentina, và quốc vương Ả Rập Xê-út.
-Tên của ít nhất 33 người và công ty bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách đen vì có bằng chứng cho thấy những người này có liên hệ đến những hành vi sai trái, như giao dịch với những tay buôn lậu ma túy Mexico, những tổ chức khủng bố như Hezbollah hay những quốc gia cực đoan như Bắc Triều Tiên và Iran.
– Cho biết những ngân hàng lớn đã thành lập các công ty khó khám phá được tại nước ngoài như thế nào. Có hơn 500 ngân hàng và những chi nhánh của các ngân hàng này đã thành lập cho khách hàng hơn 15.000 công ty tại nước ngoài qua Mossack Fonseca.
Tài liệu rò rỉ kết luận rằng cộng sự của ông Putin đã chuyển tới 2 tỉ đôla qua những tài khoản ngân hàng ở nước ngoài trong khoảng thời gian gần 40 năm
Tổ hợp luật Panama này nói với tờ Washington Post là công ty “theo đúng văn bản và tinh thần” của luật tài chánh, thay đổi theo từng quốc gia trên thế giới. Công ty cũng cho biết là gần 40 năm hoạt động công ty chưa hề bị truy tố về những hành vi sai trái nào cả.
Trong một cuộc phỏng vấn với Thông tín viên Michael Lipin của Đài VOA ngày hôm qua, ông Michael Hudson, một biên tập viên kỳ cựu của Tổ chức Nhà báo Điều tra Quốc tế nói “Đây thực sự là một khía cạnh đen tối của nền kinh tế toàn cầu- tiền bạc luân chuyển hầu như không kiểm tra được, không phát hiện được. Bạn không thể nói là trong một trường hợp riêng rẽ nào đó, có người có hành vi sai trái, hay họ che dấu những hành động không đúng. Tuy nhiên việc này nêu lên nhiều nghi vấn về vấn đề minh bạch khi bạn có những chính trị gia chuyển tiền ra nước ngoài và sử dụng những thực thể ở nước ngoài để che dấu những gì họ làm.”
Phúc trình nêu tên quần đảo Virgin Islands thuộc Anh như là một nơi trốn thuế an toàn của những tài khoản nước ngoài được ưa chuộng nhất, với một trong hai công ty trong hồ sơ của Mossack Fonseca được thành lập tại đây. Panama, Bahamas và Seychells có tên kế tiếp trong danh sách.
Phúc trình của Tổ chức Quốc tế các Nhà báo Điều tra cũng đưa ra ánh sáng về vụ mất trộm vàng của Anh năm 1983 được gọi là “tội phạm của thế kỷ.”
Kẻ trộm đã lấy cắp gần 7.000 thanh vàng trong nhà kho Brink’s-Mat ở phi trường Heathrow, London,cùng với tiền mặt và kim cương. Tuy nhiên vàng đã được cho tan chảy và đem bán, và hầu hết số tiền bị mất cắp không thu hồi được.
Phúc trình nói một tài liệu của Mossack Fonsea cho thấy một viên chức tại một công ty tổ hợp luật được thành lập 16 tháng sau vụ trộm này “dường như có liên hệ đến việc quản lý tiền từ vụ đánh cắp nổi tiếng Brink’s-Mat ở London.
Công ty này không sử dụng tiền một cách bất hợp pháp, nhưng có thể là công ty đầu tư tiền bạc qua những tài khoản ngân hàng và bất động sản có nguồn bất hợp pháp.”
Tổ hợp luật phủ nhận đã giúp che giấu tiến trình vụ trộm tại London.