Không thể đổ lỗi cho cơ chế vì chính con người đã tạo dựng nên nó. Cơ chế chỉ là phương tiện. Một khi con người đã tạo dựng nên nó thì vẫn có thể đổi mới, cho phù hợp với các điều kiện thực tế.
Vì sao du khách một đi không trở lại? Ảnh minh họa |
Theo báo chí đưa tin, phát biểu tại Quốc hội ngày 8/6, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh “thở dài tự hỏi, Việt Nam nhiều thứ “nhất thế giới”, khách du lịch vẫn không mặn mà…”
Còn người dân trong nước chắc không chỉ “thở dài” mà còn “nghi nghi hoặc hoặc”. Bởi những con số cho thấy sự tụt giảm của ngành du lịch nước nhà thì đã rõ, ấy vậy mà cũng chỉ mới đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố qua thăm dò có đến 94,09% du khách chấm điểm du lịch VN tốt và cực tốt, chỉ có 0,22% cho là kém!!!(?).
Những thông tin về mức độ cạnh tranh trong làm du lịch của các quốc gia láng giềng cũng khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng. Năm 2014, Lào tiếp 03 triệu khách quốc tế, bằng 50% dân số Lào. Campuchia đón 4,5 triệu khách quốc tế, bằng 30% số dân Campuchia. Riêng Việt Nam ta đón 7, 9 triệu du khách, chỉ bằng 8,7% so với dân số.
Nhiều người sẽ đi tìm câu trả lời từ vấn đề cơ chế. Nhưng liệu có thực sự như vậy, trong ngành du lịch nói riêng, và suy rộng ra trong nhiều lĩnh vực khác?
“Đầu không ngoảnh lại”
Một vài quan sát nhỏ khi đi ra các nước cũng phần nào giúp chúng ta giải đáp vì sao khách “ra đi đầu không ngoảnh lại”.
Ở những nước coi trọng ngành công nghiệp không khói, cả nước làm du lịch, liên kết với nhau. Trên đường cao tốc, quốc lộ khoảng vài chục km lại có một cụm dừng chân, xả hơi, gọi là dừng để toilette, đẹp và sạch sẽ, kèm theo là cụm cửa dịch vụ ăn uống, quà cáp.
Ở Việt Nam, chúng ta đầu tư rất nhiều nhiều đường cao tốc, nhưng lại chưa có sự liên kết với du lịch. Cũng trên quốc lộ, các loại xe chen nhau, chạy bất chấp nguy hiểm làm cho những du khách lần đầu đến Việt Nam kinh hãi. Và còn thêm rất nhiều chuyện bát nháo khác chèo kéo khách du lịch, khiến họ ấn tượng không tốt.
Mới đây, nhận thấy các vấn đề bất cập về các thủ tục cấp vi sa du lịch, Chính phủ đã vào cuộc, và ngành này ít nhiều cũng đã có chuyển biến. Hy vọng ngành du lịch sẽ tiếp tục đột phá vào nhiều khâu khác, tạo nên ấn tượng và sự văn minh ngành công nghiệp không khói.
Nhưng quan trọng không kém là bản thân người Việt ở bất cứ địa danh du lịch nào cũng cần có nếp văn hóa kinh doanh, bán đúng giá, không nói thách, không bán hàng giả, chăm sóc, bảo vệ môi trường, thiên nhiên, tôn tạo để những phong cảnh đẹp trên khắp đất nước ngày càng trở nên đẹp đẽ, văn minh và thân thiện, xứng tầm với các giá trị vốn có.
Tại cơ chế hay tại con người?
Từ những thông tin về du lịch ở nước ta, có ý kiến cho rằng mọi bất cập của xã hội ta, nhất là trong bộ máy công quyền và các doanh nghiệp nhà nước là do cơ chế.
Quả thật, tôi từng nghe nhiều người đổ mọi bất cập, thậm chí là sai lầm khuyết điểm do con người gây ra là tại cơ chế. Nhưng oái oăm là vì sao tại cơ chế mà khi lên chức hay nhận việc không thấy ai từ chối và đề nghị sửa cơ chế rồi mới… nhận?
Người không đổ thừa, thường là người có cách làm được việc từ trong cơ chế ấy đem lợi cho dân, tuy gặp khó khăn, thậm bị chí bị kỷ luật rất nặng như một số gương anh hùng “xé rào” trước đổi mới. Như để cho dân “khoán hộ” ở Vĩnh Phú; “mua cao bán cao” ở An Giang, ở thành phố Hồ Chí Minh mở các “Imex” xuất nhập khẩu để có đô- la, nhập nguyên vật liệu nuôi các xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đang kiệt quệ.
Hoặc “móc ngoặc” các tỉnh đồng bằng lo gạo cho dân thành phố không đói. Hay ở Long An có chủ trương bù giá vào lương v.v… Những người “đi trước thời đại” cách đây hơn một thập kỷ sao giờ vắng bóng để cho cái bất cập của cơ chế “hành hạ” dân ta vậy?
Nếu mổ xẻ kỹ hơn, có thể hiểu cơ chế là cách thức, trình tự tiến hành một công việc nào đó trên cơ sở những quy định chung hay rộng hơn là nền tảng pháp lý. Cùng một công việc, có thể, có nhiều cách thực hiện, và hiệu quả công việc là thước đo mức độ “tốt, xấu” của cơ chế đó. Ví như “cơ chế hành chính một cửa”mà chúng ta đang triển khai để giảm bớt sự “nhũng nhiễu” của các cơ quan công quyền với người dân là một minh chứng.
Rõ ràng, cơ chế không phải là cái có sẵn, nó hình thành và phát triển trong thực tiễn hoạt động. Vì vậy, việc đổ lỗi cho cơ chế chỉ là ngụy biện cho sự yếu kém và thiếu trách nhiệm của người chủ trì. Xét cho cùng, cơ chế chính là thước đo về trình độ chuyên môn của họ.
Không thể đổ lỗi cho cơ chế, vì chính con người đã tạo dựng nên nó. Cơ chế chỉ là phương tiện. Một khi con người đã tạo dựng nên nó thì vẫn có thể đổi mới, cho phù hợp với các điều kiện thực tế.
Thực tế luôn luôn biến động. Một cơ chế “khôn ngoan ” là một cơ chế linh động, đáp ứng được các mục đích và nhu cầu cấp bách của con người và phải được kiểm soát bởi con người. Thực tế đã chỉ rõ, một cơ chế linh động là cơ chế tận dụng được mọi sáng tạo tích cực trong quá trình vận hành.
Rõ ràng, cơ chế do con người đặt ra và chính nó điều chỉnh lại hành vi con người. Câu chuyện thời sự muôn thuở luôn luôn nóng hổi và bức xúc lại được đặt ra: Con người và cơ chế. Cơ chế và con người. Thay đổi để tồn tại, hội nhập và phát triển.
Nhìn lại mình và vượt lên chính mình vì lợi ích của dân tộc và đất nước, đó là những điều kiện then chốt cần phải được làm ngay, đối với VN nói chung, không chỉ riêng đối với ngành du lịch.
Theo Vietnamnet