Việt Nam Thời Báo

Nhìn lại sự việc ở báo Người cao tuổi

Có nhiều người hỏi tôi: Vì sao Bộ Thông tin truyền thông lại xử lý báo Người cao tuổi? Việc ông Kim Quốc Hoa bị dừng điều hành báo đem đến bài học gì? Trả lời câu hỏi này cho có ngọn ngành thì quá khó, tuy nhiên, với tư cách là một bạn đọc của báo Người cao tuổi, rất yêu mến tờ báo thì tôi cũng có thể nói đôi điều về báo và tổng biên tập của nó.


Trước hết, có thể nói vụ việc ở báo Người cao tuổi là một “tai nạn nghề nghiệp”, không ai có thể nói tài nói mạnh được. Người xưa nói: “Sinh nghề tử nghiệp”, hoặc “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ”. Cụ Nguyễn Du thì bảo: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/Xin đừng trách lẫn trời gần đất xa”; đấy là cái nghiệp của nhà báo. Chỉ có điều sau khi sự việc đã xẩy ra rồi, bình tâm lại thì cũng nên “tổng kết kinh nghiệm” dành cho những người đi sau biết mà tránh.

Nghề báo là nghề của chữ nghĩa, và song hành với nó là “tai nạn chữ nghĩa”. Không ít tổng biên tập đã vướng vào “tai nạn chữ nghĩa”, nhẹ thì bị kỷ luật, nặng thì bị miễn nhiệm. Trường hợp của ông Kim Quốc Hoa có lẽ là nặng nhất, bị khởi tố vụ án hình sự.

Nghề báo đã để lại nhiều vụ “tai nạn”. Hồi ông Tôn Đức Thắng mới lên chức chủ tịch nước, báo Hà Tuyên đăng một bài xã luận ở trang nhất. Lúc đó Tổng biên tập đang đi học, ở nhà ông Thư ký tòa soạn viết bài xã luận, trong đó có đoạn “làm theo lời chúc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng..”. Thời ấy người ta còn sắp chữ, công nhân sắp chữ nhầm thành ra “làm theo lời di chúc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng..”. Báo phát hành làm cả tỉnh sôi lên sùng sục. Công an đến rà soát lý lịch của toàn bộ công nhân nhà in. Người biên tập, sắp chữ bị điều tra. Thư ký tòa soạn bị kiểm điểm. Tổng biên tập lúc đó đang đi học cũng bị kiểm điểm trách nhiệm. Tất nhiên, đây chỉ là việc làm vô ý của công nhân sắp chữ nên phần kỷ luật cũng không nặng, nhưng Thư ký tòa soạn thì nhớ đến già. Có nhiều biên tập viên khi sửa bài thích thêm vài câu vào, cho bài hay lên(?!). Và không ít vụ “thêm” câu chữ như thế dẫn đến một tai nạn nghề nghiệp. Hồi làm Tổng biên tập báo Hoàng Liên Sơn ông Bội Đông cho đăng bài “Rừng Pơ-mu chảy máu”. Báo Nhân dân lấy bài này đăng lại, phần cuối thêm vào một câu: Không biết ông Chủ tịch UBND Hoàng Liên Sơn có biết việc này hay không? Đọc câu kết trên báo Nhân dân, ông Chủ tịch UBND Hoàng Liên Sơn nổi đóa, nói lớn: Viết thế này thì tôi làm việc thế nào được? Sau đó thì ông Bội Đông phải về hưu, thôi làm tổng biên tập. Mà ông Bội Đông là ai, ông là cháu của ông Hữu Thọ, lúc đó là Tổng biên tập báo Nhân dân (Vợ ông Hữu Thọ là cô ruột ông Bội Đông). Quan hệ thân thuộc gia đình lúc này không cứu nổi ông Bội Đông.

Trở lại với câu chuyện ở báo Người cao tuổi. Ông Kim Quốc Hoa nhận nhiệm vụ tổng biên tập từ năm 2007. Từ một tờ báo bết bát, ông gây dựng thành tờ báo mạnh mẽ, có tiếng nói trong dư luận. Người cao tuổi trở thành ngọn cờ chống tiêu cực với 2500 bài điều tra vụ việc từ cấp xã, phường đến cấp trung ương. Có những bài làm sôi động dư luận cả nước như loạt bài về đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến hay cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Không ít lần những cán bộ bị phản ánh trên báo phản ứng lại, đòi đưa Tổng biên tập ra tòa, có cả cán bộ chức quyền lớn như Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Nhưng rồi thì lần nào ông Hoa cũng thắng. Điều đó đem lại cho ông niềm tin vững chắc, rằng ông không thể thất bại trong cuộc chiến chữ nghĩa với các đối tượng có sai phạm. Niềm tin của ông là có cơ sở, nhưng ở đời ai đã học hết được chữ ngờ?

Có cộng tác viên gửi cho ông bài báo “Bàn về sao và vạch”. Đây là bài báo hay, nhưng viết quá đà. Đáng lẽ phải stop bớt câu chữ của bài thì qua tay Ban biên tập, bài báo bị đẩy quá đà thêm. Tác giả bài báo sau này có thư gửi Bộ TTTT nói: Báo Người cao tuổi thêm chữ “thị trường” để thành “Bàn về thị trường sao và vạch”, người viết chỉ nói “có trưởng công an phường là đại tá” thì Ban biên tập “sửa” thành “đa số trưởng công an phường là đại tá”. Đây là sai lầm nặng vì trưởng công an phường cao nhất chỉ là trung tá. Việc phong hàm cho công an, quân đội là chủ trương của Ban bí thư, ra nghị quyết rồi chuyển cho Quốc hội thảo luận, cuối cùng Chính phủ ra nghị định để thực hiện. Bài báo vô tình đã “đánh” luôn cả Ban bí thư, Quốc hội, Chính phủ và hai bộ quan trọng là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Vì vậy nếu ông Kim Quốc Hoa bị xử lý thì có gì là lạ?

Tôi rất kính trọng ông Kim Quốc Hoa, ông là một nhà báo dũng cảm, thẳng thắn nhưng tiếc cho ông vì không đủ tỉnh táo khi cầm lái con tầu Người cao tuổi trong cơn bão tố. Mấy năm trước, báo Người cao tuổi đăng một loạt bài về đại tá Trần Văn Vệ. Loạt bài này hay, sau đó báo đưa tin thư bạn đọc gửi đến hoan nghênh và đề nghị cấp trên xử lý ông Vệ. Nhưng ông Trần Văn Vệ… không làm sao hết, vẫn lên thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng. Điều đó cho thấy báo không đủ khả năng “quét” vào lực lượng công an, cho dù là “quét” với tinh thần xây dựng cao nhất, nhằm mục đích làm trong sạch đội ngũ. Nếu thế thì khi nhận được bài “Bàn về sao và vạch” ông ngay lập tức phải biết dừng. Đây là lúc tác giả và bạn đọc cả nước cần đến khả năng biên tập của ông. Nhưng con người trực tính của ông đã làm hại con người nhà báo trong ông, bài báo góp phần làm tràn ly nước, buộc ông phải đối mặt với pháp luật.

Khi chơi cờ gặp thế bí thì cao thủ cũng có khi rối trí đi những nước “gà”. Thanh tra Bộ công bố kết luận thanh tra, báo Người cao tuổi ra liền một lúc 3 bài phản đối. Các phóng viên đã đem số báo này đến Hội báo Xuân phân phát rộng rãi(?). Động thái này lập tức bị Bộ nhắc nhở. Tôi đã đọc cả 3 bài trên Người cao tuổi, hoàn toàn không thấy báo nhận bất cứ một lỗi nhỏ nào, “hùng hồn, đanh thép” kết luận thanh tra làm việc sai luật. Ông Kim Quốc Hoa kính mến, ông phải biết mình là ai chứ? Ông đang là người bị thanh tra, ông không phải là người thanh tra, do đó ông chỉ có thể nhận lỗi, hoặc đổ lỗi cho người khác, hoặc tìm người dưới quyền tình nguyện làm Lê Lai cứu chúa hứng đạn cho ông, để ông có đủ thời gian tìm cách cứu cả một tập thể Tòa soạn và Trung ương Hội Người cao tuổi. Ba bài báo không ký tên ông, ai là người viết thì phải biết cách gàn ông lại, đề xuất phương án khác hiệu quả hơn, đó mới là cấp dưới trí tuệ và trung thành. Chẳng lẽ bên ông hiện nay không có ai đủ trí tuệ và trung thành?

Dù sao, đến lúc này nhiều bạn đọc vẫn nhìn ông là một tổng biên tập dũng cảm, quên mình vì lợi ích của nhân dân. 7 năm gian khổ ở báo Người cao tuổi, ông đã để lại một bài học đắt giá cho nhiều tổng biên tập soi vào khi làm báo, và tôi rất tin, sau khi ông thôi không làm báo nữa thì sẽ có tổng biên tập khác, ở tờ báo khác tiếp tục công việc của ông còn để dở dang…

Thành Phương
(Theo Dân luận)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.