Nina Teggarty * CTV Danlambao lược dịch – Tại Việt Nam, việc bắt giữ blogger nổi tiếng “Mẹ Nấm” đã làm nổi bật hình ảnh các nữ blogger và các phụ nữ hoạt động nhân quyền, thách thức chế độ cộng sản đang mỗi ngày một phát triển.
Chỉ là vấn đề thời gian. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh biết rằng rồi một ngày công an sẽ đến gõ cửa. Người viết blog về chính trị 37 tuổi với bút danh Mẹ Nấm đã công khai lên án nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Đây là một công việc đầy rủi ro và hình phạt nặng sẽ dành cho những người dám chỉ trích nhà nước độc đảng CSVN.
Những blogger nữ ngày một gia tăng này đối diện với nguy cơ bị sách nhiễu, bắt giữ, và trừng phạt vì thách đố chế độ về các vấn đề tham nhũng và lạm dụng quyền lực của công an. Photo by AP/Chitose Suzuki
Sau một thập niên viết blog, Quỳnh đã bị bắt vào đầu tháng Mười. Một người bạn của gia đình nói với Phụ nữ & Girls Hub rằng đứa con gái 8 tuổi của Quỳnh là Nấm đã “rất, rất dũng cảm” khi bé âm thầm nhìn mẹ của bé bị còng tay và dẫn đi. Trước khi bị bắt đi, Quỳnh viết vội lời nhắn cuối cùng cho con gái mình: “Nấm: con phải giỏi, nghe lời bà, đừng trêu chọc em. Mẹ yêu hai con rất nhiều.”
Không ai nghe được tin tức gì từ người blogger nổi tiếng từ đó đến giờ.
Phương tiện truyền thông của nhà nước cáo buộc Quỳnh đã dùng mạng truyền thông xã hội để chỉ trích nhà cầm quyền. Họ trích dẫn một tài liệu của cô chia sẻ trên Facebook, liệt kê hàng chục người đã bị chết trong đồn công an. Truyền thông nhà nước cáo buộc cô đã “gây phương hại đến an ninh quốc gia.” Quỳnh bị bắt giam theo Điều 88 của Bộ luật hình sự, với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” và án tù tối đa là 20 năm.
Nếu bị kết tội, Quỳnh sẽ là một trong khoảng 200 tù nhân chính trị ở Việt Nam bị giam cầm vì những hoạt động trên mạng.
“Việt Nam là một trong những quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới về việc bỏ tù các blogger,” Robert Hardh, giám đốc điều hành của Civil Rights Defenders phát biểu.
Blogger ở Việt Nam sử dụng internet để phá vỡ sự kiểm soát truyền thông của nhà nước, phơi bày những vấn đề vốn gây ra nhiều tranh cãi, điển hình là vụ thải hóa chất độc hại bởi công ty gang thép Đài Loan – Formosa vào tháng Tư đã tàn phá ngành công nghiệp đánh bắt cá ở bốn tỉnh. Bên cạnh đó là các vấn đề vi phạm nhân quyền như cướp đất, phân biệt đối xử, sự tàn bạo của công an đã dẫn đến sự phát triển của phong trào dân chủ ngầm tại Việt Nam.
Theo báo cáo vào tháng Năm của Tổ chức Những người Bảo vệ dân quyền, nhiều phụ nữ đã tham gia phong trào và họ phải đối diện với sự giám sát, giam giữ tùy tiện, bị tấn công về thể xác cũng như tấn công trên mạng internet, truy tố hình sự và bỏ tù.
Vào năm 2008, blogger Thanh Phạm Nghiên đã bị kết án bốn năm tù giam theo Điều 88.
“Đó là những năm khủng khiếp đối với tôi”, cô nói. Người phụ nữ 39 tuổi này cho biết cô cảm thấy bị “tấn công về tinh thần” khi cô bị giam giữ vì cô đã bị tách biệt với các tù nhân khác. Mặc dù vậy, Nghiên chưa bao giờ từ bỏ việc viết blog. “Chúng tôi không muốn im tiếng, chúng tôi muốn thay đổi đất nước của chúng tôi,” Nghiên nói.
Khi người bạn thân của cô là Quỳnh bị bắt vào đầu tháng này, Phạm Thanh Nghiên đã nhận được hàng chục cú gọi điện thoại thù địch. “Họ đã đe dọa tôi nhằm mục đích ngăn chặn hoạt động của tôi, nếu không (họ nói) tôi sẽ là người tù kế tiếp,” Nghiên nói.
Là một blogger nổi tiếng ở Việt Nam, Nghiên đã quen với những hành vi doạ nạt như vậy. “Mỗi ngày thức dậy, tôi phải đối mặt với những khó khăn và sách nhiễu của nhà cầm quyền,” cô nói, công an đã tấn công cô nhiều lần và thường xuyên đe dọa sẽ bắt cô trở lại nhà tù.
Việc đàn áp các blogger và các nhà hoạt động phụ nữ đã tạo sự chú ý của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), và tổ chức này vào năm ngoái đã kêu gọi chính phủ Việt Nam “điều tra các cáo buộc sách nhiễu, giam giữ tùy tiện và đối xử tệ hại đối với những người phụ nữ hoạt động nhân quyền.”
Sách nhiễu các nhà hoạt động nữ đôi khi có thể biến thành bạo lực dựa vào cơ sở giới tính. Nhiều blogger đã nói với Phụ nữ & Girls Hub rằng các quan chức nhà nước đã buộc các phụ nữ phải cởi quần áo và người vận động nhân quyền Nguyễn Hoàng Vi đã viết trên blog của cô về việc cô đã bị tấn công tình dục ở Tp. Hồ Chí Minh vào năm 2012. Bài viết trên blog mô tả việc cô đã bị đưa đến đồn công an, khám xét thân thể và chỗ kín của cô. “Điều khủng khiếp là họ mang máy quay phim để ghi lại sự kiện này. Mục tiêu của họ là để làm nhục tôi,” cô viết trong blog của mình.
Vào những ngày này, Hoàng Vi, 29 tuổi, cho biết cô thường xuyên bị “theo dõi, quấy rối và đàn áo bằng bạo lực.” Ba đứa con của cô thường bị cuốn vào những cuộc đàn áp này. Cô nhớ lại vào năm ngoái, trong khi trên đường đi mua sắm với con gái mình, cô đã bị chặn bởi công an thường phục. Không còn lối thoát nào khác, cô đã tọa kháng ngay giữa đường với con gái của cô trong 3 giờ.
Các nhà hoạt động và các blogger phụ nữ đã cống hiến cuộc đời mình cho phong trào cải cách xã hội, nhưng họ không luôn luôn được sự ủng hộ của những người khác, bao gồm cả từ chính gia đình của họ. Việt Nam là một xã hội gia trưởng, những người mẹ được mong đợi là cho ra đời những đứa con trai để kế thừa và rất ít phụ nữ được tham chính. Trong bối cảnh của sự bất bình đẳng giới tính, những người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, lên tiếng nói thường bị lên án. Hoàng Vi nói rằng nhiều người không được hỗ trợ bởi gia đình của họ. “Tệ hơn nữa,” cô nói, “một số người chỉ trích các blogger chính trị phái nữ đã không chăm sóc gia đình tốt và đã dành thời gian để viết các bài viết vô nghĩa.”
Tuy nhiên, các blogger và các nhà vận động hiểu rằng nếu muốn thay đổi xã hội, họ phải hy sinh và chịu đựng gian khổ.
“Chúng tôi đã chấp nhận cuộc sống này, chúng tôi phải tiến lên phía trước, chúng tôi phải làm một cái gì đó hữu ích cho dân chủ. Vì vậy, mỗi ngày chúng tôi phải vượt qua cảm giác sợ hãi của chúng tôi”, Phạm Thanh Nghiên nói.
Nguồn: https://www.newsdeeply.com/womenandgirls/female-bloggers-vietnam-risk-arrest-challenging-regime/
Lược dịch: