Việc những cơ quan công quyền sử dụng ngân sách vung tay quá trán đến mức hết cả tiền trả lương và thanh toán các khoản nợ như ở một số địa phương đã bộc lộ thêm những góc khuất trong chi tiêu ngân sách.
Tuần rồi, vietnamnet.vn ngày 3-12 đưa tin hiện UBND thành phố Cà Mau thâm hụt ngân sách, nợ khoảng 300 tỉ đồng và nhiều khoản nợ không có nguồn để chi trả, thậm chí cơ quan này không còn đủ tiền để trả lương cho công nhân viên chức.
Điều thiếu vắng và cần phải làm ngay là phải minh bạch hóa tối đa chi tiêu ngân sách ở tất cả các cấp. Ảnh: TLTBKTSG |
Trước đó, trên tienphong.vn (ngày 30-11), lãnh đạo Thành ủy Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, kinh phí chỉ còn đủ trả lương và tiền điện nước đến hết tháng 11, sau đó chưa biết lấy tiền đâu trả lương. Kinh phí hoạt động đã thiếu mấy tháng nay. Bên cạnh đó, thành ủy còn nợ nhiều tỉ đồng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng đã cử cán bộ xem xét nợ và việc chi tiêu thời gian qua của Thành ủy Bạc Liêu.
Qua trường hợp ở Cà Mau và Bạc Liêu, điều phải nói trước tiên là công tác giám sát tài chính của nhiều cơ quan công quyền là yếu kém. Trên thực tế, hầu như không có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm ngoài chính người trong cuộc là các cơ quan công quyền đó, có lẽ vì không ai tự ghè đá vào chân mình.
Do đó, trên thực tế, một số cơ quan công quyền đã biến thành những “lỗ đen” về chi tiêu ngân sách và chẳng ai biết điều gì đang xảy ra trong đó, trừ những người có trách nhiệm của các cơ quan này, bất chấp sự tồn tại của hàng rừng thủ tục và quy trình về chi tiêu ngân sách cũng như hàng loạt cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, chuyện chi tiêu ngân sách ở một số địa phương thời gian qua còn làm bộc lộ thái độ xem thường kỷ luật ngân sách, ở chỗ mặc dù biết rằng đã có nợ đọng từ các năm trước chuyển sang nhưng việc chi tiêu vẫn cứ được đẩy mạnh để rồi không những nợ đọng chưa được giải quyết mà còn phát sinh thêm nợ mới.
Nghĩ đi nghĩ lại thì chỉ thấy có hai lý do có thể giải thích cho tình trạng này. Thứ nhất, những người trong cuộc đã và đang ý thức rất rõ là họ tiêu tiền của người khác nên chẳng việc gì phải chi tiêu theo kiểu vun vén như từ túi tiền của bản thân. Mà để hợp thức hóa những khoản chi tiêu sao cho “đúng quy trình” thì cũng không khó đối với họ.
Thứ hai, họ cho rằng những cơ quan như của họ không thể bị cho phá sản hay đóng cửa hoặc “phạt vạ” như với doanh nghiệp tư nhân, nên kiểu gì thì những khoản nợ đọng cũng sẽ được ngân sách cứu giúp. Nếu đúng vậy, thì chừng nào Việt Nam chưa khống chế được hai loại rủi ro đạo đức này (tiêu tiền của người khác, và quá quan trọng để bị cho đóng cửa) thì chừng đó ngân sách sẽ còn bị áp lực bội chi ngày càng tăng.
Nhìn rộng ra trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như mọi nước đều có những vấn đề và những rủi ro liên quan đến chi tiêu công như vậy. Điều khác biệt ở một số nước có chính sách tài khóa lành mạnh là chi tiêu ngân sách được minh bạch, gắn với trách nhiệm giải trình và theo dõi của dư luận. Thêm nữa, kỷ luật chi tiêu được chế tài rõ ràng, nếu vi phạm thì cứ chiếu theo luật mà xử lý.
Khi việc chi tiêu được minh bạch thì người có quyền lập và thực hiện chi tiêu sẽ không còn tự ý “vẽ” ra các khoản chi và muốn chi bao nhiêu thì chi. Họ sẽ trở nên có trách nhiệm hơn với việc chi tiêu như là từ tiền túi của mình, nếu không muốn bị chất vấn, bị phê phán trên các phương tiện thông tin đại chúng để rồi bị mất chức.
Nếu kỷ luật chi tiêu được chế tài và xử lý nghiêm chỉnh thì thậm chí chính quyền phải tạm thời ngưng hoạt động nếu để thâm hụt ngân sách đến mức độ không còn tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên – chuyện xảy ra ở Mỹ hồi mấy năm trước. Nhưng ở Việt Nam thì đến việc đóng cửa, cho phá sản doanh nghiệp nhà nước đã là cả một câu chuyện dài chưa có hồi kết, nói chi đến các cơ quan công quyền.
Và nếu kỷ luật chi tiêu được chế tài và xử lý nghiêm thì sẽ khó có chuyện mấy tỉ đồng bốc hơi đi đâu mà không ai biết trong cả một thời gian dài, cho đến khi phải bàn giao sang nhiệm kỳ mới thì mới lộ tẩy.
Những cá nhân và cơ quan liên đới đến chuyện này chắc chắn sẽ bị những hình phạt thích đáng của pháp luật ở các nước khác chứ không có chuyện cảnh cáo rồi… hòa như ở Việt Nam.
Nói tóm lại, chuyện lạm chi ngân sách và gia tăng nợ công sẽ khó hy vọng một bước chuyển biến tích cực ở Việt Nam nếu các giải pháp chỉ tập trung vào bổ sung và hoàn thiện các quy trình hay kêu gọi nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên đới.
Điều thiếu vắng và cần phải làm ngay là phải minh bạch hóa tối đa chi tiêu ngân sách ở tất cả các cấp (và cũng qua đây công luận sẽ thấy rõ cơ quan nào, tổ chức nào xứng đáng được hưởng bầu sữa ngân sách, và cơ quan nào, tổ chức nào là ăn bám, vô dụng), giảm thiểu các “lỗ đen” mặc nhiên được thừa nhận cho đến nay, và thay những biện pháp chế tài có như không (như cảnh cáo, phê bình…) bằng những chế tài mang tính trừng phạt mạnh và nghiêm khắc vào các cá nhân và tổ chức vi phạm.
Theo TBKTSG