Khi nhìn về mối quan hệ giữa con người và loài vật, dù ở bất kì khía cạnh sinh học, văn hóa, kinh tế, lịch sử hay xã hội… gì đi nữa, thì điều dễ dàng nhận thấy nhất là khối lượng máu mà con vật đã cống nạp cho con người đủ loang thành sông thành suối, có khi hơn cả đại dương. Là bội số của những lần con người đổ máu vì con vật.
Từ thuở hồng hoang, con người đã săn bắt, chăm bẵm con vật rồi thực hiện những nghi lễ thờ phụng, tế thần và tạo nên đám rước lễ hội. Dù được xem là phần chính của những sự kiện linh thiêng và vinh quang đó nhưng kết cục của con vật luôn là cái chết. Con vật gục xuống trong đau đớn, cuồng nộ, thân thể bê bết máu, còn đám đông hân hoan bôi máu chúng lên tóc lên mình, xẻ thịt lột da, ăn tươi nuốt sống chúng và múa may quay cuồng cầu may cầu phúc. Lông mao lông vũ, da và đầu của chúng được đặt lên những bệ thờ chót vót.
Lễ hội đua bò Bảy Núi, An Giang. Ảnh: DIỄM TRANG |
Con người có thương xót chúng không? Có thấy mặc cảm tội lỗi không? Hẳn nhiên là có. Nhưng bộ óc cao nhã và khôn khéo của giống loài đã giúp họ soạn thảo những áng văn tế hoặc những liệu pháp hùng biện nhằm xoa dịu con vật bị thánh hóa trước khi thẳng tay hạ sát chúng, thậm chí khi chúng chỉ còn là một linh hồn. James George Frazer – một nhà nghiên cứu văn hóa nguyên thủy, trong công trình nổi tiếng Cành vàng – đã lý giải rất tỉ mỉ nguyên cớ khiến các tộc người Tungouse, Ainos, Zunis… quyết tâm tước đoạt mạng sống của những con cú, con cừu, con rắn, con rùa, con gấu, con hươu… Nỗi khao khát được chạm vào dòng máu cuồn cuộn chưa kịp đông lại của con vật được gầy dựng trên tư tưởng: việc làm ấy sẽ giúp đỡ cho việc duy trì sự sống, tăng cường khả năng kết nối của loài người với giới tự nhiên, tái thiết tuổi thanh xuân hoặc lấy lòng thần linh nhằm mưu cầu mùa màng, sức khỏe… Chịu ơn và ý thức về phẩm giá của con vật đã hy sinh, những kẻ đồ tể hồn nhiên khóc than cực kỳ vật vã và hết sức thật lòng. Họ cũng chẳng mảy may ngờ vực về hành trình tái sinh của con vật vừa trút hơi thở sau cùng.
Không chỉ là vật phẩm lý tưởng được trọng dụng trong lễ nghi, những động vật hoang dã như sư tử, hổ, voi, gấu, tê giác, lợn lòi… còn được dùng để mua vui cho tầng lớp quý tộc và thị dân thuở xưa. Những bức phù điêu ở Pompeii, Thebes, Rome… là “vi bằng” sống động cho việc con vật muốn tồn tại không còn cách nào khác là cắn xé nát tan con còn lại. Thế rồi, năng lực sáng tạo không ngừng của con người còn nâng cấp sàn đấu lên một bậc: để cho mãnh thú đấu với người, hòng tạo cảm giác mạnh mẽ, kịch tính và thương tâm nhất có thể. Các hoàng đế La Mã cho xây đấu trường Colosseum với sức chứa năm vạn chỗ những năm 80 đầu công nguyên, phần lớn để phục vụ cho nhu cầu khát máu mà không cần nhúng tay hành động của đại chúng.
Cứ ngỡ theo thời gian, những nghi lễ hay thú tiêu khiển liên quan đến loài vật chỉ còn là tàn tích. Nhưng không, nó trở thành di sản văn hóa, được nâng niu và phát huy, thậm chí mang lại các “cú hích kinh tế” ấn tượng (thu hút khách du lịch, cá cược, đẩy cao giá thịt…). Có những người lặn lội hàng ngàn dặm đến Madrid chỉ để xem các đấu sĩ áo choàng đỏ gắt, cố tình tảng lờ những khẩu hiệu, những cuộc biểu tình kêu gọi dừng việc sát hại bò tót của người yêu động vật trước giờ khai mạc. Những năm 50 của thế kỷ 20, bức ảnh võ sư người Nhật Oyama Masutatsu tay không hạ gục được con bò hung tợn được tung hô như một biểu tượng của sức mạnh và lòng dũng cảm của con người. Danh tiếng của Oyama nổi như cồn nhờ thành tích đánh bại 47 con bò mộng hung dữ. Nhưng chính ông cũng suýt mất mạng tại Mexico vì bị một con bò húc từ sau lưng và kéo lê cả một chặng dài. Từ lâu lắm rồi, giác đấu không còn là một trò vui mang tính văn nghệ. Nó trở thành một nghề nhắm đến thanh danh, tài lộc, dĩ nhiên bao gồm cả đam mê.
Sẽ là khập khiễng khi so sánh một cuộc thú chọi thú hay thú chọi người với một trận quyền anh. Bởi, sự khác biệt đơn giản nằm ở chỗ hai đối thủ của trận quyền anh đều còn lý trí để xử lý các tình huống nguy hiểm hay dừng trận đấu lại nếu như họ muốn, còn bộ não của con vật không đủ sức chuyên chở những quan điểm phức tạp cũng như chưa sẵn sàng phục dịch lòng nhân ái bất ngờ trỗi dậy của người xem. Chính con người cũng khó lòng đọc vị hoặc trở tay trước con vật đang bị kích thích cao độ hoặc bị dồn ép đến đường cùng. Kỳ lạ là, càng thấu hiểu nguyên lý đó thì đấu sĩ càng dấn thân một cách ngoan cường và nghiệt ngã. Thế trận dã man, rùng rợn bao nhiêu thì đám đông đang bừng bừng khí thế kia được thỏa mãn sự hiếu kỳ và cả hiếu chiến cao độ bấy nhiêu. Họ – trong một phút giây nào đó – được thụ hưởng cảm giác của một chiến binh hùng mạnh, vượt thoát khỏi những ranh giới ứng xử thông thường dù chỉ là mộng tưởng. Giữa thanh la não bạt hò reo, những ý niệm về đạo đức, lương tri hay nghiệp báo trở nên lạc lõng và rúm ró. Cứ thế, thứ khoái cảm từ máu và sự chết chóc được tín ngưỡng dân gian và những truyền thống xa xưa cấp phép lẫn bảo hộ được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cho đến khi có thể phóng vào vũ trụ những chuyến tàu dò tìm sự sống thay cho lời cầu nguyện thần linh, con người vẫn không quên giữ gìn “giềng mối” với tổ tiên một cách tận tụy và cổ sơ như vậy.
Ở Việt Nam, không chỉ ở những lễ hội mang tính chất đối kháng cao như chọi trâu Đồ Sơn mà ngay cả những cuộc đấu “hiền lành” như đua bò An Giang cũng tiềm ẩn không ít nguy hiểm. Trong lễ hội đua bò Bảy Núi vào tháng du lịch An Giang vừa qua (ngày 5, 6-2017), công bằng mà nói, phần đầu cuộc đấu vô cùng đặc sắc. Chưa có một cuộc thi nào mà thí sinh lên tuyên thệ với áo sờn quần ngắn và đôi chân lấm lem bùn đất. Chưa có một cuộc thi nào mà trọng tài lẫn nhiếp ảnh gia, phóng viên phải băng ruộng lội sình tung tóe. Chưa có một cuộc thi nào mà các “nhân vật chính” – những chú bò đáng yêu – vô tư đến mức sẵn sàng bỏ cuộc chẳng vì lý do gì. Những chú bò hộc tốc trên đường đua gợi nhớ đến cảnh người Cao Mên cưỡi bò chạy băng băng qua những cánh đồng thốt nốt thuở xưa mà nhà văn An Giang Nguyễn Chánh Sắt đã phản ánh trong tiểu thuyết nổi tiếng Nghĩa hiệp kỳ duyên. Nó còn đánh dấu tài lực và sự hiện diện của các dân tộc Chăm, Khmer trên đất An Giang từ thuở ban sơ. Tuy nhiên, niềm háo hức của du khách đã xẹp xuống đến mức cùng cực khi chứng kiến một nài bò té lăn ra khỏi đôi bò của mình, bị đôi bò phía sau sấn tới giẫm đạp, bị ách bò làm cho đổ máu lỗ đầu. Người nài đua cùng tốt bụng đã chủ động rời đôi bò của mình, ẵm đối thủ vào bờ. Phải đến mấy phút sau, nhân viên y tế mới đi vào, không đồng phục, không băng ca cứu thương và loay hoay sơ cứu. Cuộc đua vẫn tiếp diễn. Không biết còn mấy ai băn khoăn về số phận của người nài bò tội nghiệp khi rời trường đấu. Một thực tế rõ ràng là, khi việc thiết kế đường đua, thể thức đua sao cho khoa học và vấn đề bảo hiểm cho người đua lẫn du khách vẫn chưa đâu vào đâu thì lễ hội đã được quảng bá và phô diễn rầm rộ rồi. Vậy thì lỗi của truyền thống lễ nghi, lỗi của nhà tổ chức, lỗi của người tham gia hay lỗi ở con vật?
Chúng ta đang nhập tâm đến mức thừa thãi và sặc mùi thực dụng khi muốn ngưỡng vọng về quá khứ, từ chiếc bánh chưng sống sít trĩu nặng vài tấn, những mâm lễ vật kĩu kịt “đầu năm đi vay cuối năm đi trả”, những lần hăng say giẫm đạp lên nhau cướp ấn đền thờ cho đến các cuộc chọi trâu, chém lợn.
Chẳng phải thời kỳ hiến tế và mua vui bằng máu đã qua lâu lắm rồi sao?
The Saigontimes