VNECONOMY
Kế hoạch tài chính 2016 – 2020 có lẽ là văn bản hiếm hoi của Chính phủ mà hai chữ vượt trần được gắn với nợ công.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp thứ 46 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
“Nợ công 5 năm tới tăng theo tốc độ như vừa rồi là chết”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về kế hoạch tài chính 2016 – 2020, chiều 7/3.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày định hướng kế hoạch vay và trả nợ công giai đoạn 2016 – 2020 là tiếp tục kiểm soát các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, tỷ lệ bội chi bình quân giai đoạn khoảng 4% GDP, giảm mức cấp bảo lãnh Chính phủ còn khoảng 50% so với hiện hành.
Theo đó, tổng nhu cầu vay cho ngân sách nhà nước (chưa bao gồm vay về cho vay lại) giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 2.265 nghìn tỷ đồng, bình quân 450 nghìn tỷ đồng/năm, năm 2020 khoảng 540 nghìn tỷ đồng là rất khó thực hiện.
Theo Bộ trưởng, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP nằm trong giới hạn cho phép, nợ công cao nhất ở mức 64,5% GDP vào năm 2016, nợ Chính phủ cao nhất ở mức 52,2% GDP vào năm 2016 và nợ nước ngoài của quốc gia cao nhất ở mức 47,7% GDP vào năm 2020.
Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách (bao gồm cả trả nợ gốc và lãi) vượt ngưỡng cho phép (25%) trong các năm 2019 (25,9%) và 2020 (25,8%). Nếu tính cả vay đảo nợ, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước vượt ngưỡng cho phép trog các năm 2018- 2020, trong đó cao nhất vào năm 2019 (29,4%).
Ngoài ra, trường hợp bội chi ngân sách nhà nước tăng so với mức báo cáo trên, hoặc trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra và không điều chỉnh giảm bội chi tương ứng thì nợ công sẽ vượt trần, đặc biệt trong trường hợp phát sinh rủi ro về giá dầu, tỷ giá.., Chính phủ dự báo.
Những năm gần đây, nợ công luôn nóng bỏng tạ nghị trường. Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vào cuối năm 2015, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nợ công của Việt Nam tăng rất nhanh, bình quân 5 năm khoảng 20% mỗi năm, từ khoảng 1,3 triệu tỷ năm 2011 lên dự kiến 2,7 triệu tỷ năm 2015.
Tuy nhiên, Chính phủ vẫn luôn khẳng định nợ công vẫn trong mức an toàn và kế hoạch tài chính 2016 – 2020 có lẽ là văn bản hiếm hoi của Chính phủ mà hai chữ vượt trần được gắn với nợ công.
Nhưng nỗi lo không chỉ ở chặng đường phía trước.
Như VnEconomy đã thông tin, ngay sau báo cáo của Bộ trưởng Dũng sáng 7/3, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã cảnh báo việc dư nợ Chính phủ đã vượt trần, lên đến 50,3% GDP (giới hạn cho phép là 50% GDP).
Và Chính phủ dự định sẽ trình Quốc hội quyết định nâng trần dư nợ Chính phủ lên 55% GDP.
Con số này khiến Chủ tịch Quốc hội rất băn khoăn, bởi theo ông 5% GDP là rất lớn chứ không phải nhỏ.
“Nợ công 5 năm tới tăng theo tốc độ như vừa rồi là chết, nợ nần 5 năm tới xu hướng phải tốt đẹp lên chứ năm 2015 Quốc hội thảo luận về nợ công đã rất căng thẳng, giờ tính thế này đã chắc chưa?”, Chủ tịch Quốc hội lo ngại.
Dù sau đó, cả Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đều giải trình thêm, song Chủ tịch Quốc hội cũng chưa yên tâm về nhiều vấn đề trong kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020.
Ông đã đề nghị đưa hai báo cáo này ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá 13, dành quyền quyết định cho Quốc hội khoá 14 để có thời gian chuẩn bị kỹ hơn.
Nguyên Vũ