Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-12-11
2014-12-11
Việt Nam có thể phải nới trần nợ công vì chính phủ khó tránh việc phát hành thêm trái phiếu hoặc vay nợ để bù phần hụt thu ngân sách 2015. Đây là hệ quả việc giá dầu thế giới tụt xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Dầu giảm 1 USD, ngân sách giảm 1.000 tỷ đồng
Xuất khẩu dầu thô chiếm 11% tổng thu ngân sách của Việt Nam theo dự toán 2014. Hiện nay giá dầu giảm khoảng 1/3 so với hồi trong năm và hôm 10/12 đã rơi xuống giá 61 USD 23 xu một thùng. Tình hình này khiến các chuyên gia của Chính phủ Việt Nam không khỏi lo lắng. Dự toán ngân sách 2015 được xây dựng trên cơ sở giá dầu thô xuất khẩu 100 USD/ thùng, chỉ cần giảm 1 USD/thùng thì ngân sách giảm 1.000 tỷ đồng. Thí dụ giá dầu bình quân năm 2015 là 85 USD/thùng thì ngân sách 2015 hụt thu 20.000 tỷ đồng.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:Câu chuyện dầu thô thế giới hạ giảm, do cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và các nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu OPEC, đã vô tình gây khó cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc bảo đảm nợ công không vượt trần trong năm 2015. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, thành viên Nhóm tư vấn Chính sách cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được báo Đất Việt trích lời, đã dự báo là nợ công có thể tăng thêm 1%-2%. Theo lời chuyên gia này, chắc chắn ngân sách sẽ bị hụt thu từ xuất khẩu dầu thô, ngân sách giảm và ngay lập tức Chính phủ phải tìm cách bù đắp phần thiếu hụt này. TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, chắc chắn việc dầu thô giảm giá sẽ làm tăng áp lực nợ công, Chính phủ sẽ phải phát hành thêm trái phiếu hoặc vay nợ và tìm nguồn thu để bù hụt thu ngân sách.
“Tất nhiên nó có ảnh hưởng tới vấn đề nợ công nếu mà nhà nước Việt Nam không có những nguồn thu khác và rất khó cho nhà nước có những nguồn thu khác trong khi tình hình kinh tế rất là khó khăn, doanh nghiệp chưa phục hồi và phát triển được. Trong trường hợp như vậy giá cả dầu thô trên thế giới sẽ có ảnh hưởng gián tiếp tới vấn đề bội chi ngân sách và vấn đề nợ công của Việt Nam. Việc này không thể nào tránh khỏi được và nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu tính toán để làm sao giữ được mức chi ngân sách thấp hơn, hay tiết kiệm nơi nào để có thể bội chi không quá cao ảnh hưởng nợ công.”
Hình ảnh minh họa. AFP PHOTO.
Trước các thông tin giá dầu giảm liên tục, tại phiên họp chính phủ đầu tháng 12 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ ngành hữu quan tìm biện pháp để có nguồn thu thay thế. Trong bối cảnh như vậy, nhưng tại Diễn đàn Doanh nghiệp VBF 2014 tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam vẫn khẳng định sang năm 2015 nợ công không vượt trần cũng như đảm bảo khả năng trả nợ.
Được biết tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vừa kết thúc cuối tháng 11, Chính phủ báo cáo nợ công tính đến hết năm 2014 sẽ ở mức 63% GDP tổng sản phẩm nội địa và đến cuối năm 2015 nợ công của Chính phủ sẽ ở mức 64%. Với khuynh hướng giá dầu thô xuất khẩu sụt giảm hụt thu ngân sách, nợ công có thể tăng thêm 1%-2% thì khả năng nợ công vượt trần là điều có thể xảy ra. Và để Thủ tướng không bị mất mặt vì nói mà không làm, Chính phủ có thể phải đề xuất Quốc hội nâng trần nợ công. Các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sẵn phương án nâng trần nợ công từ 65% lên 68% và chỉ còn chờ bật đèn xanh.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định:
“Tại sao nợ công có xu hướng tăng, tại vì nguồn thu ngân sách hạn hẹp luôn luôn bội chi ngân sách. Thứ hai mô hình kinh tế không hiệu quả, năng suất chất lượng không có cho nên làm ăn không hiệu quả, do vậy phải vay nợ mà không có khả năng trả. Vấn đề thứ ba, tham nhũng thất thoát lãng phí còn rất lớn góp phần vào xu hướng nợ công tăng cao. Chính phủ vẫn bảo đảm nợ công không vượt trần đó là lời nói còn như thế nào thì để thực tế trả lời.”
Sẽ kích thích tiêu dùng?
Tuy Việt Nam lo lắng về việc hụt thu ngân sách vì giá dầu giảm sâu, nhưng Tổ chức đánh giá quốc tế Fitch Ratings lại cho rằng, giá dầu giảm cũng tương tự giảm thuế và sẽ kích thích tiêu dùng tăng mức sản xuất của nền kinh tế và có thể hỗ trợ chính sách nới lỏng tiền tệ. Việt Nam nhập khẩu xăng dầu khoảng 2% GDP Tổng sản phẩm nội địa, chưa kể các sản phẩm từ dầu như phân bón, chất dẻo, hóa chất…
“Giá dầu giảm một mặt nó làm nguồn thu ngân sách giảm nhưng mặt khác cũng có xu hướng tạo điều kiện tăng thu. Thí dụ đi kèm với dầu đó là sản phẩm chất dẻo, phân bón, hóa chất một số thứ liên quan tới dầu. Cho nên giá giảm cũng ảnh hưởng giá đầu vào sản xuất của Việt Nam. Cùng lúc giá dầu giảm thì các ngành nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt ngành vận chuyển giảm, làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm đi, giá thành giảm lợi nhuận thu được sẽ cao hơn. Ở đây chính là một thách thức nhưng cũng là thời cơ để tạo điều kiện cho nguồn thu cân đối.”PGSTS Ngô Trí Long cũng chia sẻ đánh giá vừa nêu:
Tuy vậy chuyên gia Bùi Kiến Thành có ý kiến khác, ông hàm ý Việt Nam chưa thực sự là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, nên khó thể nói việc giá dầu giảm có thể kích thích tăng sản xuất hay hỗ trợ chính sách nới lỏng tiền tệ. Ông nói:
“Đối với các nước mà việc quản lý giá dầu tiêu dùng hay các sản phẩm phụ của dầu một cách thông thoáng hơn thì là một việc khác. Còn ở Việt Nam mặc dù giá dầu thô thế giới giảm như thế nhưng dầu bán ra cho dân chúng tiêu dùng không giảm tương đồng. Đó là vấn đề quản lý giá cả ở Việt Nam không đi cùng với sự biến động dầu thô trên thế giới. Vì vậy sức lan tỏa từ giá dầu thô hạ xuống đối với kinh tế Việt Nam còn rất hạn chế, bao nhiêu phụ phẩm từ dầu về Việt Nam nó không giảm trực tiếp đối với vấn đề giá dầu thô giảm xuống.”
TS Nguyễn Đức Thành, một trong các chuyên gia tư vấn chính sách của Thủ Tướng Chính phủ khi trả lời báo điện tử Đất Việt đã không loại trừ việc giá dầu rẻ tác động thuận cho nền kinh tế, nhưng theo ông đây là chuyện lâu dài. Trước mắt chính phủ sẽ phải giảm chi tiêu đồng thời tìm nguồn thu bổ sung phần thiếu hụt do giảm thu từ xuất khẩu dầu thô. Chắc chắn việc phát hành trái phiếu hay vay nợ sẽ làm tăng gánh nợ công. TS Thành khuyến cáo rằng, việc điều hành giá cả cũng phải phản ánh được đúng tình hình để các doanh nghiệp có thể hưởng lợi.
RFA