Vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Cộng đã tấn công các chiến sỹ công binh của hải quân VN trên một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của VN, trong đó có đảo Gạc Ma. Gọi là trận chiến thì không đúng, bởi trong sự kiện đó, chỉ có một bên nổ súng, bên kia thì không. Hành động có súng mà không được bắn, có thể ví như tự bó giáo quy hàng…
Cuộc chiến tranh VN đã lùi vào quá khứ 40 năm. Trận chiến Gạc Ma cũng diễn ra 27 năm rồi. Giữa lúc cuộc chiến VN cần có những nghiên cứu khoa học bảo đảm tính khách quan, để trả lời những câu hỏi cần đặt ra, là làm cách nào để tiến hành cuộc hòa giải Dân Tộc tốt nhất, hay ta có nên đánh Mỹ không? Có cách nào tránh được cuộc chiến đó không? v.v… Trong bối cảnh đó, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại hai sự kiện diễn ra những trận chiến tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những điểm giống và khác nhau. Có thể bằng vào những phân tích, đánh giá khách quan trung thực về sự kiện hai cuộc chiến đó, một số vấn đề nóng bỏng, day dứt mấy mươi năm nay có cái nhìn đúng với bản chất của sự việc, và lý giải được nhiều câu hỏi lớn.
Cuộc chiến Hoàng Sa
Diễn ra vào ngày 19 tháng giêng năm 1974.
Những người trấn giữ đảo: hải quân thuộc quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH) – người Việt Nam.
Hải quân VNCH chiến đấu bảo vệ chủ quyền, lãnh hải của Tổ Quốc VN, chống lại kẻ xâm lăng, là giặc bành trướng Trung cộng (Cộng sản Trung Quốc).
Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu hạ lệnh cho lực lượng hải quân VNCH không khoan nhượng, chủ động khai hỏa trước, nếu giặc Trung Cộng bộc lộ âm mưu xâm lược rõ ràng, ngoan cố không chịu lui ra khỏi bờ cõi đảo.
Quân lực VNCH anh dũng chiến đấu, mưu trí, quyết tâm, dù biết chắc sẽ hy sinh vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, dù biết tình hình VNCH bất lợi lớn trên cục diện mọi mặt.
Chung cuộc, 74 chiến sỹ VNCH hy sinh anh dũng. Họ chết mà không hề hổ thẹn với Tổ Quốc, với núi sông, với truyền thống đánh giặc của cha ông. Tất cả những góc khuất về những hy sinh anh dũng của họ càng ngày càng được những người đang sống có nghĩa vụ làm sáng tỏ.
Trận chiến Gạc Ma
Diễn ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988.
Lực lượng trấn giữ đảo: chiến sỹ công binh, thuộc lực lượng hải quân Nhân Dân VN.
Hải quân Nhân Dân VN giữ đảo, chống lại sự xâm chiếm của kẻ thù, là giặc bành trướng Trung cộng (Cộng sản Trung Quốc).
Lực lượng hải quân Nhân Dân VN được lệnh không được nổ súng. Chỉ được phép “Kịch liệt phản đối” bằng ngực, bằng cả thân mình như là bia đỡ đạn!
Lực lượng hải quân Nhân Dân VN anh dũng chuyền tay nhau lá cờ đỏ sao vàng. Người này ngã, người kia giành lại cờ từ tay đồng đội giương cao, cho đến khi lại gục ngã dưới làn đạn kẻ thù.
Chung cuộc, 64 chiến sỹ hải quân Nhân Dân VN hy sinh.
Qua hai trận chiến trên, ta rút ra nhận xét gì?
Sự giống nhau:
Thứ nhất, nhiệm vụ của họ, hải quân VNCH và hải quân Nhân Dân VN như nhau: Bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc trên biển đảo.
Thứ nhì, Hy sinh bởi hòn tên mũi đạn của cùng một kẻ thù: Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng).
Sự khác nhau:
Thứ nhất: VNCH có vị tư lệnh tối cao can trường, có sự quyết đoán của một nhà quân sự, chỉ huy kịp thời, sát sao. Họ được phép nổ súng. Thậm chí là được lệnh tự cho mình quyền đánh phủ đầu kẻ thù.
Lực lượng hải quân Nhân Dân VN có một người tư lệnh tối cao hèn yếu, nhu nhược, vì đã lệnh cho bộ đội không được nổ súng.
Thứ nhì: Các chiến binh VNCH hy sinh oanh liệt.
Các chiến sỹ hải quân Nhân Dân VN chết thảm dưới lằn đạn của kẻ địch.
Trong bất kỳ cuộc chiến nào, người lính cũng có nhiệm vụ và có quyền sử dụng vũ khí để chiến đấu chống lại quân địch, (trừ khi họ xin hàng đối phương.)
Họ không bị bắt buộc phải tự sát khi thua, ngay cả khi rơi vào tay đối phương, họ có thể hàng địch, để bảo toàn mạng sống.
Ở trận chiến Hoàng Sa, người lính VNCH bị thua do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nhưng khi thua họ cũng không xin hàng, mà đã chiến đấu đến cùng…
Các chiến sỹ công binh trong trận chiến Gạc Ma đã không được phép nổ súng (có thể coi là hành động gây hận thiên thu cho một người lính). Nhưng họ cũng không được phép hàng địch. Họ buộc phải lấy thân thể ra làm bia đỡ đạn đến người cuối cùng. Không biết họ bị buộc phải hành động như vậy để chứng minh điều gì? Có phải họ bị buộc trở thành những anh hùng rơm không? Tính mạng không giữ được. Đảo cũng không giữ được, lại kiên quyết giữ cho bằng được lá cờ, trong khi lá cờ chỉ là một biểu tượng, mà cuối cùng cờ cũng có giữ được đâu, vì bị giết, bị bắt sạch trơn rồi!
Ngày nay, sau 40 năm sự kiện Hoàng Sa, 27 năm sự kiện Gạc Ma, gần một năm sự kiện dàn khoan HD 981 và biết bao sự kiện bắn giết ngư dân VN của bọn bá quyền Trung Quốc, đảo Gạc Ma đang được biến thành một tàu sân bay không thể đánh chìm. Hệ lụy từ trận thua 27 năm về trước của hải quân nhân dân VN giờ thấy nhãn tiền. Hậu quả chưa dừng lại ở đó. Đây mới chỉ là động thái, là bước đi ban đầu vô cùng nguy hiểm của giặc bành trướng Bắc Kinh. 27 Năm về trước, những chiến binh bị buộc giữ đảo bằng tay không. Nay đảo bị biến thành sân bay, thành căn cứ quân sự lợi hại của kẻ thù, thì nhà cầm quyền không có động thái gì, mà nếu có thì lại chỉ là vũ khí võ mồm “Kiên quyết phản đối” – cái vũ khí hệt nỏ thần đã bị nhái, hết linh nghiệm. Từ giữ đảo bằng tay không đến “kiên quyết phản đối” là chuỗi dài của tư duy nô lệ.
Ngày nay, chúng ta không cần phải nêu lên niềm vui của nhân dân thế giới, mừng vui khôn tả chứng kiến sự sụp đổ thảm thương của chủ nghĩa cộng sản xảy ra 25 năm về trước, hay niềm hân hoan đón rước tư bản đế quốc của nhân dân VN vào đầu tư cho VN hy vọng cất cánh thế nào. Chúng ta chỉ cần điểm qua những gì người dân VN đang được hưởng, có bao nhiêu phần trăm thuộc về cái gọi là “phát huy nội lực”, bao nhiêu phần trăm là do sack đô la của tư bản đế quốc chảy vào lãnh thổ VN, và có phần trăm nào cho cái gọi là “dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng”, hay “đảng ta là người chủ trương khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới (!?)”… Chúng ta chỉ cần nghiêm túc nhìn nhận những nước trong khu vực là đồng minh của Mỹ, hay ít ra cũng là những nước không xác định Mỹ là kẻ thù, thì họ đã phát triển thế nào. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và gần hơn là Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Brunei, Inđô, đều là những nước có nền kinh tế phát triển, có nền giáo dục tiên tiến, có xã hội thịnh vượng, văn minh bội lần hơn ta.
Đánh Mỹ đã trở thành lịch sử; để những ngày tháng này có nhiều kẻ đang mừng vui kỷ niệm “Chiến thắng vang dội Buôn Mê Thuột mở màn cho đại thắng mùa xuân…”.
Và cũng để cho Nhân Dân phải tiếc nuối và xót xa tưởng niệm những ngày Hoàng Sa, Gạc Ma…
Theo Anh Ba Sàm