Việt Nam Thời Báo

Ông cử, bà thạc thất nghiệp tăng: Công chức ”đắt như vàng” *

Từ trường hợp ngoại lệ này sẽ dẫn tới những ngoại lệ khác rồi thì lại xin xỏ, xin tăng biên chế, lại thêm cửa chạy chức.

TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề lo ngại trước báo cáo tỉ lệ thất nghiệp ở bậc cao đẳng, đại học ngày càng tăng cao.


Nhìn vào báo cáo của Bộ TB&LĐXH, thống kê trong quý III/2015, có tới 117.300 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp, tăng 24.100 người so với quý 2 và 225.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, ông Tiến giải thích đây là “số liệu chụp ảnh”.

Theo ông, số liệu này được so sánh với số liệu thống kê cùng thời điểm từ năm ngoái, vì thế có thể tỉ lệ tăng hay giảm còn do cộng dồn từ năm trước. 

Nhưng ông Tiến khẳng định, con số trên chưa phản ánh hết được toàn diện bức tranh thị trường lao động hiện nay. Bởi thống kê còn phụ thuộc vào thời điểm, khái niệm và cả cách tính.

Theo ông, khái niệm thế nào sẽ cho ra số liệu thống kê như thế ấy. Mà trước đó ông cũng như nhiều chuyên gia đã bày tỏ những lo ngại về cách tính của Việt Nam. Ông không ngần ngại gọi thẳng là thống kê “thất nghiệp theo kiểu của Việt Nam”.

Ví dụ, thứ nhất, tại thời điểm thống kê người lao động không có việc làm. Không có thu nhập. Thứ hai, những người thất nghiệp phải là những người đã được xác nhận là tích cực đăng ký tìm việc làm nhưng không có việc.

Với những người ra trường nhưng họ đi du lịch, không tham gia vào thị trường lao động, không tham gia vào các hoạt động kinh tế như vậy sẽ không được gọi là thất nghiệp.

Thất nghiệp theo quán tính

Trước tình trạng người có bằng cấp, trình độ lại thất nghiệp cao hơn người không được đào tạo, TS Mạc Văn Tiến nói rằng điều này không hề ngạc nhiên mà thực tế nó xảy ra theo quán tính từ nhiều năm trước.

“Tôi muốn nói tới hội chứng học làm quan. Đua nhau học đại học, cao đẳng, sau 3-4 năm đào tạo năm nay là năm họ ra trường do đó tỉ lệ thất nghiệp cũng vì thế mà tăng lên”

Ông Tiến lấy ví dụ với ngành kế toán. Sinh viên năm thứ 3 của năm ngoái sẽ ra trường trong năm nay vì thế tỉ lệ không có việc làm tự nhiên tăng lên. Tương tự, sinh viên năm thứ 3 của năm nay sang năm cũng ra trường và tỉ lệ thất nghiệp cũng lại tiếp tục tăng lên. Cứ như vậy, thất nghiệp sẽ theo quán tính tăng dần theo năm.

Ông Tiến chỉ thẳng ở đây có tình trạng “thất nghiệp cơ cấu”, tức là cái người ta cần không đào tạo, cái mình có lại không đáp ứng được yêu cầu. Vì thế mới có câu chuyện ồ ạt đào tạo, ồ ạt ra trường và người người thất nghiệp.

Điều này cũng cho thấy khả năng dự báo cung – cầu không tốt. Nhà trường chỉ biết đào tạo theo những gì trường có mà thiếu hẳn sự liên kết thông tin giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp…

Ông Tiến cảnh báo, nếu không kịp thời thay đổi sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường. Cụ thể là, sự lãng phí nguồn nhân lực và thứ hai là mất thị trường lao động.

“Tôi lấy ví dụ, ở lĩnh vực du lịch. Hiện các tour du lịch từ Thái, Lào sang Việt Nam họ đều mang theo hướng dẫn viên có thể dẫn xuyên tour. Vì sao họ làm được, vì hướng dẫn viên của họ có khả năng nói cả tiếng Thái và tiếng Việt. Trong khi đó, tại Việt Nam Khánh Hòa vừa rồi cũng phải luống cuống trở tay không kịp khi khánh Trung Quốc đổ sang quá đông. Hướng dẫn viên chỉ có 10 người biết tiếng Trung. Về lâu dài và trong đứng trước bối cảnh hội nhập rõ ràng du lịch Việt Nam sẽ mất dần lượng khác và có khả năng mất luôn cả thị trường du lịch cả trong và ngoài nước”, vị chuyên gia cho biết.

Từ lĩnh vực du lịch, ông Tiến nói đây cũng là tương lai của những ngành nghề, lĩnh vực khác. Ông lo ngại, ngoài lĩnh vực du lịch thì ngay cả thị trường lao động khác như xe ôm, trà đá, giúp việc cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

“Ngay ở Sài Gòn rất nhiều gia đình tuyển dụng osin của Philippines. Một phần vì dịch vụ chuyên nghiệp, kỹ năng tốt, phần khác còn do tính trung thực, thật thà mà giúp việc người Việt không có được. Đã có những gia đình sẵn sàng giao cả chìa khóa gia đình mình cho giúp việc, trong khi với những giúp việc của Việt Nam thì không ai dám tin tưởng làm việc này vì những tính siêu xấu như gian dối, ăn cắp, ăn trộm”, ông Tiến nói.

Vị chuyên gia nói thẳng sự chuẩn bị lúc này cũng là quá muộn nhưng không vì thế mà không thay đổi.

Vị chuyên gia kết luận, Việt Nam cần thay đổi tư duy, tâm lý lấy bằng cấp ra để làm quan mà cần sử dụng bằng cấp để khẳng định giá trị của bản thân mình.

Quan trọng nhất là phải khẳng định kỹ năng nghề nghiệp. Mà kỹ năng ở đây lại được kiểm chứng qua từng chất lượng sản phẩm.

Học để làm quan, học vào công chức

Tâm lý chạy đua học để làm quan, học để lấy bằng không chỉ khiến vị chuyên gia lo ngại tỉ lệ thất nghiệp còn tiếp tục tăng mà còn là gánh nặng cho nền hành chính, công vụ hiện nay.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xu hướng chung ai cũng muốn được vào công chức, vào để tìm kiếm chỗ ngồi yên ổn, không lo bị xáo động, vào vì tâm lý muốn tím cơ hội kiếm chác.

Vì thế, ông Tiến nói, người ta sẵn sàng bỏ ra 300 triệu chạy vào một vị trí mà có thể nhìn thấy trước sẽ kiếm được 350 triệu, tức là phải có lãi.

“Tôi vừa đọc báo chiều nay thấy nói về Quảng Bình 10 năm không tìm thấy tiêu cực, chạy chức… Đây là điều phi tự nhiên, phi thực tế trong bối cảnh hiện nay. Đây gần như là kịch bản mà ông Trần Trọng Dực Chủ nhiệm UBKT thành ủy Hà Nội đã nêu trước đó. Dù biết rõ có chạy chức 100 triệu, ai cũng phải thừa nhận chạy chức, chạy quyền là có nhưng kiểm tra lại không phát hiện ra ai. Nói vậy để thấy, cơ chế minh bạch là rất quan trọng trong đánh giá chất lượng công chức cũng như nền hành chính, công vụ hiện nay” – ông Tiến thẳng thắn.

Ông cử, bà thạc thất nghiệp tăng: Công chức ”đắt như vàng”

Ông cho biết, càng khó khăn người ta sẽ càng cố tìm cách vào được nền hành chính, công vụ. Khi chất lượng nền công vụ chưa được nâng lên, tiêu cực, tham nhũng, chạy chức chạy quyền còn tồn tại như hiện nay thì đây sẽ là cửa cho tham nhũng lộng hành. Chưa kể, cố chui vào công chức cũng có nghĩa bộ máy biên chế sẽ ngày càng phình to. 

“Dù Chính phủ và cả Bộ nội vụ đã đưa ra quy định không tăng thêm biên chế. Nhưng vẫn thấy được những trường hợp ngoại lệ ở những cấp Bộ, ngành. Từ trường hợp ngoại lệ này sẽ dẫn tới những ngoại lệ khác rồi thì lại xin xỏ, tăng biên chế, lại thêm cửa chạy chức”, ông Tiến cho hay.  


Không đặc cách, GS Ngô Bảo Châu cũng trượt

Theo vị chuyên gia, sự suy thoái của nền kinh tế cũng là nguyên hân khiến doanh nghiệp phá sản, nhiều lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, ông Tiến liên tục nhấn mạnh ở đây là vai trò điều hành thiếu sự uyển chuyển giữa cung và cầu. Cách điều hành còn quá cứng nhắc, do đó khi kinh tế suy thoái thì điều hành lập tức bị lúng túng, không theo kịp hoặc không thể hội nhập được.

Tình trạng này thực tế ở nước nào cũng có, tuy nhiên ở Việt Nam nó nghiêm trọng hơn do thiếu hẳn những thông tin dự báo về thị trường lao động.

Vì thế, ông Tiến nói rằng mới có hiện tượng tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài vẫn trượt công chức, trong khi tỉ lệ thất nghiệp trong nước tăng nhưng vẫn không tuyển dụng được người tài.

Ông lấy ví dụ từ câu chuyện của giáo sư Ngô Bảo Châu, ông cho rằng nếu xét theo tiêu chuẩn của Việt Nam thì rõ ràng GS Châu sẽ bị trượt ngay. Nhưng vì thấy như vậy cũng quá bất hợp lý do họ đã được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có những đóng góp, được thế giới ghi nhận vậy mà Việt Nam lại không ghi nhận thì cũng là quá lạ. Vì thế mới có câu chuyện đặc cách xét thẳng để phong giáo sư.


Theo báo Đất Việt

Tin bài liên quan:

VNTB – Sinh viên sư phạm dễ có việc làm nếu nhiều tiền

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Rửa lỗ tai mà vẫn còn ngứa

Phan Thanh Hung

“Giáo dục Việt Nam hiện nay như đang đào tạo Voi, Hổ, Bò tót…”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo