Ông Lê Quốc Quân trong phiên phúc thẩm hồi năm 2014.
Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân sắp mãn hạn 30 tháng tù về tội ‘Trốn thuế’, gia đình ông cho biết.
11 tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ luật sư và tự do báo chí đã gửi thư kêu gọi chính quyền Việt Nam ngưng các hành động đàn áp đối với ông Quân sau khi ông ra tù.
“Ngày 27/6 là ông Quân mãn hạn và được cho ra tù”, ông Lê Quốc Quyết, em trai ông Quân, nói với BBC hôm 26/6.
“Lần cuối anh em tôi gặp nhau là ngày 7/6 vừa rồi, cách đây gần 20 ngày”.
“Anh Quân vẫn khỏe mạnh và tinh thần tốt.”
Ông Quyết nói chưa được biết kế hoạch sắp tới của ông Quân như thế nào, nhưng cho biết “anh tôi xưa nay vẫn thể hiện tinh thần sẽ không có gì thay đổi.”
Ông cũng cho biết “gia đình càng gần ngày ông được thả thì càng có tâm trạng sốt ruột, muốn anh ra bình yên”.
Cũng theo ông Quyết, “từ ngày về trại cải tạo thì họ vẫn đối xử đúng luật và không có ngược đãi trong quá trình cải tạo.”
“Thế nhưng trong thời gian tạm giam ở Hỏa Lò thì có nhiều cái đối xử không được tốt như hạn chế nước uống và những thứ khác.”
Hôm 25/5, 11 tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ luật sư và tự do báo chí quốc tế, trong đó bao gồm Ấn xá Quốc tế, Tổ chức Mặt trận Điện tử, đã gửi thư kêu gọi chính quyền Việt Nam ngưng ngược đãi, sách nhiễu và bắt giữ trái phép ông Lê Quốc Quân sau khi ông ra tù.
Thư cũng kêu gọi phục hồi giấy phép hành nghề luật sư, đồng thời đền bù những thiệt hại mà ông phải gánh chịu trong thời gian bị cầm tù.
Ông Lê Quốc Quân bị bắt ngày 27/12/2012 vì tội Trốn thuế theo quy định tại Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự.
Đến tháng 10 năm 2013, Tòa án TP Hà Nội tuyên án ông 30 tháng tù và phạt công ty của ông 1,2 tỷ đồng.
Bản án này được tòa phúc thẩm vào tháng Hai năm 2014 giữ nguyên.
Sinh năm 1971, ông Quân từng là Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam và sau đó bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội truy tố về tội Trốn thuế theo quy định tại Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự.
Là tín đồ Công giáo và là người tham gia đấu tranh dân chủ tích cực trước khi bị bắt, ông đã bị cáo buộc trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Luật sư Lê Quốc Quân cũng là tiếng nói bất đồng mạnh mẽ ở Hà Nội và từng bị giam 100 ngày sau khi du học từ Hoa Kỳ về nước.
“Không có cải thiện”
Các hành động xâm phạm nhân quyền khiến Việt Nam không xứng đáng là một thành viên của TPP và Quốc hội Hoa Kỳ có lẽ cần có nỗ lực để loại Việt Nam ra khỏi thỏa thuận này
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tại châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
Trả lời BBC ngày 26/6, Phó Giám đốc tại châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói việc một số tù nhân lương tâm được trả tự do gần đây không có nghĩa rằng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đang được cải thiện.
Ông Phil Robertson cũng cho rằng Hoa Kỳ cần xem xét lại tư cách thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam.
“Các hành động xâm phạm nhân quyền khiến Việt Nam không xứng đáng là một thành viên của TPP và Quốc hội Hoa Kỳ có lẽ cần có nỗ lực để loại Việt Nam ra khỏi thỏa thuận này,” ông nói.
“Một số người trong chính quyền Obama nghĩ nhân quyền tại Việt Nam có cải thiện và chúng tôi hoàn toàn bất đồng với họ.”
“Vẫn còn rất nhiều tù nhân chính trị và các hành động đàn áp những người bất đồng chính kiến.”
“Không chỉ bản thân họ bị tấn công, mà cả gia đình, chủ nhà, chủ lao động của họ cũng bị đe dọa, khiến họ bị cô lập hoàn toàn.”
“Đây là hình thức đàn áp một cách có hệ thống và đã được nhiều chế độ độc tài áp dụng.”
“Cho đến nay chỉ có một số tù nhân chính trị cao cấp được trả tự do, với điều kiện phải sống lưu vong”, ông Phil Robertson nói
“Các nhà bất đồng chính kiến chỉ được cho ra tù nếu họ đồng ý rời bỏ đất nước, gia đình và cuộc sống của mình”.
“Cái chúng tôi muốn là những người này được trả tự do một cách vô điều kiện.”
“Những gì họ làm không thể bị xem là nguy hiểm và hay xúi giục nổi loạn. Họ chỉ báo cáo về tình trạng tham nhũng, lạm quyền và chính phủ cần phải lắng nghe thay vì bịt miệng họ.”
“Việt Nam vẫn là nước có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất trong khu vực và chúng tôi không đồng ý rằng nhân quyền ở nước này đã có bất cứ cải thiện nào.”
“Tất cả những gì họ làm chủ yếu là để đánh bóng vẻ bề ngoài để làm hài lòng Hoa Kỳ nhằm tìm cách đạt được một thỏa thuận về TPP.”
(BBC)