Việt Nam Thời Báo

Phi chính trị hóa quân đội: Vì sao bộ trưởng quốc phòng Mỹ không mặc quân phục? *

Không xuất hiện với những bộ quân phục, không bao giờ có quân hàm gắn với tên, các bộ trưởng quốc phòng Mỹ đều là người từ giới dân sự vì quy định không bổ nhiệm quân nhân còn phục vụ của nước này. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, trái, và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh sau khi ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ tại Hà Nội. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter ngày 1/6 ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Có thể dễ dàng nhận ra, trong khi các đại diện quốc phòng của Việt Nam đều là các vị tướng, bộ trưởng quốc phòng Mỹ lại là người dân sự.

Vị trí ông chủ Lầu Năm Góc do tổng thống chọn với sự tư vấn và đồng ý của thượng viện. Theo luật pháp Mỹ, quân nhân đang phục vụ không thể trở thành ông chủ Lầu Năm Góc. Khi quốc hội Mỹ ra luật An ninh Quốc gia năm 1947 và tạo ra vị trí bộ trưởng quốc phòng, quốc hội quy định bộ trưởng phải được chỉ định từ giới dân sự.

Quân nhân về hưu chỉ được đảm đương chức vụ này trong vòng 7 năm kể từ khi họ giải ngũ. Ngoại lệ duy nhất từ trước đến nay là tướng George Marshall năm 1950, trong thời Chiến tranh Lạnh. Quyết định bổ nhiệm ông Marshall của tổng thống Harry Truman đã phải nhận được sự thông qua đặc biệt từ quốc hội.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh (phải) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn bắt tay trên cầu Hồ Kiều trên biên giới Việt-Trung. Ảnh: NLĐ

Trong số 25 người từng đứng đầu Lầu Năm Góc, có 7 người chưa từng mặc áo lính, bao gồm cả bộ trưởng đương nhiệm Ashton Carter. Khá ít bộ trưởng quốc phòng Mỹ từng phục vụ có quân hàm tướng như nhiều người đồng nhiệm ở các nước khác. Cựu bộ trưởng Chuck Hagel, từng tham chiến tại Việt Nam, chỉ giữ cấp bậc trung sĩ khi còn tại ngũ.

Không chỉ có Mỹ, bộ trưởng quốc phòng các nước đồng minh như Anh, Nhật hay Australia cũng thường là người dân sự chứ không thuộc giới nhà binh. Trong khi đó, tại các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam, bộ trưởng quốc phòng thường là quân nhân.

Tại Nga, ông Sergei Borisovich Ivanov năm 2001 là người dân sự đầu tiên được giữ vị trí này dưới thời Boris Yeltsin cho đến năm 2007. Người kế nhiệm Anatoliy Serdyukov cũng là người dân sự khi chỉ phục vụ trong quân đội năm 1984 -1985, sau đó chuyển sang kinh doanh. Năm 2012, Tổng thống Nga Vladimir Putin quay trở lại dùng người nhà binh khi thay thế Serdyukov bằng Đại tướng Sergey Shoigu.

Nguồn cơn

Quy định không chọn người nhà binh của Mỹ tuân thủ theo học thuyết Quyền kiểm soát quân đội của dân sự. Theo học thuyết này, trách nhiệm ra quyết định mang tính chiến lược của một quốc gia phải nằm trong tay các nhà lãnh đạo chính trị dân sự, chứ không phải là nhân viên quân đội chuyên nghiệp. Thậm chí, vũ khí hạt nhân ở Mỹ cũng thuộc sở hữu của cơ quan dân sự là Bộ Năng lượng Mỹ, chứ không phải Bộ Quốc phòng.

Những người giúp sức cho bộ trưởng quốc phòng như thứ trưởng và các thứ trưởng đặc trách cũng đều là người giới dân sự. Sĩ quan quân đội cấp cao đóng vai trò cố vấn cho bộ trưởng được gọi là tham mưu trưởng, chứ không phải là chỉ huy. Chỉ các lãnh đạo phụ trách lực lượng chiến đấu mới là chỉ huy và chỉ có bộ trưởng mới có quyền ra lệnh cho họ.

Có một số ý kiến phản đối quy định và cho rằng bộ trưởng quốc phòng cần phải là người nhà binh để nắm rõ việc quân sự và có uy với binh lính dưới quyền. Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2001 đã đăng tải một bài viết lý giải tầm quan trọng của quy định chỉ dùng người dân sự. Bài viết dẫn chỉ ra rằng trước khi có quy định thì một số tướng lĩnh đã có âm mưu chống đối chính phủ, với dẫn chứng là tướng James Wilkinson.

Wilkinson phục vụ trong quân đội năm 1800 – 1812, từng chiến đấu trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Ông đã cấu kết với phó tổng thống thời bấy giờ là Aaron Burr với mưu đồ lập ra một quốc gia riêng biệt, liên minh với Tây Ban Nha. Ông làm gián điệp cho Tây Ban Nha và được trả 4.000 USD/năm.

Vụ bê bối này củng cố niềm tin trong quân đội Mỹ rằng quân nhân không nên tham gia vào chính trị. Họ phải tuân theo lệnh của tổng thống và mong muốn của Quốc hội, bất kể người cầm quyền là ai.

Với một quốc gia đa đảng thì lòng trung thành là yếu tố hết sức quan trọng. Sau cuộc nội chiến 1861 – 1865 giữa chính phủ Liên bang và các tiểu bang phía nam Mỹ, giới nhà binh cảm thấy cần phải tránh xa chính trị. Nhiều tướng lính thậm chí từ chối bỏ phiếu, cho rằng việc bầu cử sẽ ảnh hưởng đến cách làm việc của họ.

Ngày nay, lính tráng ở tất cả cấp bậc đều được khuyến khích bỏ phiếu. Tuy nhiên, một khi họ bỏ phiếu xong thì họ phải tuân thủ đúng theo mệnh lệnh của các lãnh đạo dân sự, kể cả khi lãnh đạo đó không thuộc đảng họ ủng hộ.

Theo Vnexpress


* VNTB đặt lại hình ảnh

* VNTB đặt lại tựa đề
* Tựa đề gốc: Vì sao bộ trưởng quốc phòng Mỹ không mặc quân phục?

Tin bài liên quan:

VNTB – Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc hội đàm tại Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VOA – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam phát biểu gì t​ại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo