Putin và con thuyền nước Nga

Trần Thế Kỷ

(VNTB) – Liệu người Nga còn chịu đựng được bao lâu? Liệu “Putin Đại đế” còn “cương” được bao lâu? Con thuyền nước Nga do Putin lèo lái sẽ tới bến bờ nào?
Ngày 9-8-1999, Vladimir Putin, một gương mặt còn khá xa lạ với người Nga lúc ấy, được tổng thống Boris Yeltsin trao chức Quyền thủ tướng. Một tuần sau Putin được Viện Duma Quốc gia Nga phê chuẩn là Thủ tướng. Trước thềm năm mới 2000, Boris Yeltsin từ chức và ngày 26-3-2000, Putin được bầu làm tổng thống nước Nga.
Lúc Putin lên nắm quyền, nước Nga đang trong cảnh nợ nần. Gần hai năm trước xảy ra việc phá giá đồng Rúp, nước Nga còn phải đối mặt với những kẻ chủ trương ly khai, một số thành phố lớn, kể cả Matxcơva, bị tấn công khủng bố.
Và Putin, bằng sự quyết đoán, đã nhanh chóng thu phục lòng tin của người Nga bằng việc bình định Chechnya và từng bước đưa kinh tế Nga đi vào ổn định.
Nhiều người Nga cho rằng trong thời kỳ cầm quyền của Putin, đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể, nền kinh tế đất nước có sự phát triển rõ rệt, vị thế quốc tế của Nga không ngừng được nâng cao. Nước Nga của Putin không còn là nước Nga ốm yếu thời Yeltsin mà là một siêu cường được thế giới kiêng nể.
Putin cũng rất biết tranh thủ tình cảm (đồng nghĩa với tranh thủ lá phiếu) của những kẻ còn nặng lòng với quá khứ Xô Viết bằng cách sử dụng phần nhạc trong quốc ca Liên Xô làm quốc thiều của Liên bang Nga, lấy ngày Cách mạng tháng Mười làm ngày Hòa hợp dân tộc, giữ nguyên hiện trạng thi hài Lênin…
Thế nhưng trong mắt những người không mấy thiện cảm với Putin, chỉ số cao về lòng dân mà Putin đạt được là do ông ta phát triển các chương trình xã hội để dành tình cảm của dân hơn là đầu tư vào nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào bán dầu mỏ và khí đốt. Cái gọi là tài năng, uy tín của Putin được tạo nên nhờ giá dầu tăng vọt (từ 12 USD/thùng thời Yeltsin lên 140 USD/thùng vào tháng 7-2008) chứ không xuất phát từ hiệu quả của các chính sách do Putin tiến hành. Putin cũng bỏ lỡ cơ hội giá dầu cao để hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Hạ tầng cơ sở ít được đầu tư. Nga vẫn bị nhiều lệ thuộc vào việc xuất khẩu dầu và các loại khoáng sản khác.
Lĩnh vực được xem là kém thành công nhất của Putin chính là cuộc chiến chống tham nhũng. Tham nhũng tràn lan ở nhiều cấp độ. Có những vụ dính dáng đến nhiều quan chức trong Bộ Nội vụ, cơ quan An ninh Liên bang lẫn Văn phòng tổng thống. Putin càng hô hào chống tham nhũng thì tham nhũng càng gia tăng. Chính quyền cũng chưa giảm bớt được sự lũng đoạn của các trùm tài phiệt vốn có quan hệ mật thiết với nhiều quan chức cao cấp.
Người dân Nga không mấy hài lòng với tình hình an ninh, trật tự và cho rằng cần chấn hưng đạo đức. Nga đứng thứ 3 sau Nam Phi và Colombia về số lượng tội phạm. Chủ nghĩa dân tộc được cho là nguyên nhân gây ra nhiều vụ đánh đập, giết chóc người nước ngoài mà thủ phạm vẫn được chính quyền dung túng hoặc xử rất nhẹ. Nhà tài chính Mỹ George Soros cho rằng với Putin, chủ nghĩa dân tộc thay cho chủ nghĩa cộng sản trong vai trò ý thức hệ. Có lẽ vì thế mà các nước phương Tây và Đông Âu luôn cố giữ một khoảng cách với Nga mà họ xem là hậu thân của Liên Xô, nghĩa là trong mắt họ nước Nga vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng. Thực là Chiến tranh Lạnh đã được thay bằng Hòa bình Lạnh!
Nhìn từ xa, Putin có dáng dấp của một vị tổng thống mạnh mẽ để giúp nước Nga phục hồi uy tín đại cường. Nhưng chính sách của ông ta bị đối lập lên án là hoài vọng thời Stalin. Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) nhận định nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin có khuynh hướng đi về chế độ độc tài : Chính quyền đàn áp đối lập đủ cách, thủ tiêu các nhà báo dám nói lên sự thật, các kênh truyền hình quốc gia phải nằm dưới sự kiểm soát gắt gao của chính phủ để tô vẽ cho hình ảnh của Putin vốn được cho là không ưa các cuộc tranh luận cởi mở về hoạt động của chính quyền.
Mặt khác, có nhiều bất mãn về chênh lệch giàu nghèo không ngừng gia tăng; khoảng cách thu nhập của 10% số người giàu nhất với 10% số người nghèo nhất còn cao hơn thời Yeltsin.
Việc chiếm lấy vùng Crimée từ tay Ukraine đã nâng cao uy tín chưa từng thấy cho Putin đối với người Nga. Trong mắt đa số nhân dân Nga lúc này, ông trở thành anh hùng dân tộc, nhà yêu nước vĩ đại. Nhưng thành tích trên của Putin lại đưa nước Nga vào tình cảnh khốn khó. Cấm vận ngặt nghèo của Phương Tây khiến đời sống dân Nga trở nên chật vật, thiếu thốn.
Liệu người Nga còn chịu đựng được bao lâu? Liệu “Putin Đại đế” còn “cương” được bao lâu?

Con thuyền nước Nga do Putin lèo lái sẽ tới bến bờ nào?
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)