Vừa nhìn thấy vòi rồng từ tàu Trung Quốc đang chạy song song cách tàu cá khoảng 30m chĩa thẳng sang, ngư dân Bùi Tấn Đoàn (sinh 1992), ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn thấy mình bay lên không trung. Tuy may mắn đưa tay chụp được đống dây gần đó nên không văng xuống biển, thế nhưng khi rơi lại xuống boong và bị va đập, chân trái anh Đoàn đã bị gãy.
Ngư dân Đoàn với thương tích ở chân trái
Ngư dân cầu xin vẫn không ăn thua
Chiều ngày 13.6, trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ của mình nằm sâu trong thôn Châu Thuận Biển, cố nén đau đớn, ngư dân Đoàn kể: Cùng 12 ngư dân khác, tôi theo tàu cá mang số hiệu QNg 95193 Ts, do ông Phạm Trung Kiên (sinh 1973), ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn làm chủ, kiêm thuyền trưởng xuất bến Tịnh Kỳ, T.p Quảng Ngãi ra Trường Sa đánh bắt vào ngày 29.5.
Tuy nhiên do lượng hải sản đánh bắt được tại Trường Sa không bao nhiêu nên tàu QNg 95193 Ts chạy ra Hoàng Sa để hoạt động. Vừa mới khai thác được 1 ngày thì vào khoảng 6 giờ 30, ngày 7.6, khi đang neo tàu nghỉ ngơi gần sát đảo Bom Bay, biển Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc sơn màu trắng, sọc đỏ ập tới cách khoảng 70m, rồi sử dụng vòi rồng xịt thẳng vào làm sụp bay phần che mát phía trên ca bin.
Dù lúc này thuyền trưởng Kiên đã tăng tốc bỏ chạy, thế nhưng tàu Trung Quốc vẫn rượt theo và chạy áp sát gần hơn, đồng thời tiếp tục dùng vòi rồng xịt thẳng vào ca bin làm nứt, vỡ cửa kính phía trước và gỗ bên hông. Theo đó nước tràn chảy ồ ạt vào buồng lái và khoang tàu.
Lo sợ trước sự việc tàu cá sẽ bị chìm nên 6-7 anh em trên tàu cá liền chạy ra phía mũi và dùng tay ra hiệu xin đừng xịt nước nữa. Không chỉ phớt lờ sự van xin của ngư dân trên tàu cá, vòi rồng trên tàu Trung Quốc lập tức đổi hướng và chĩa thẳng sang vị trí của nhóm ngư dân này.
Vừa nhìn thấy vòi rồng hướng thẳng đến phía mình, ngư dân Đoàn thấy mình bị bắn lên không trung, còn số anh em đang đứng cùng phía sau thì bay văng tứ tung.
Việc đi lại của anh Đoàn hiện phải dựa vào người thân
Tiếp tục bám Hoàng Sa
Tuy may mắn đưa tay chụp và nắm lấy được đống dây ở gần đó nên không bị bay xuống biển. Thế nhưng khi rơi lại xuống boong và va đập, chân trái anh Đoàn đã bị gãy.
Anh Đoàn nhớ lại: Khi vừa rơi lại xuống boong tôi chỉ thấy cả thân mình tê nhức nên cố bám vào mạn và lết vào đến phía trong ca bin, thì mới thấy chân trái đau nhói rồi phù nề. Còn ngư dân Cao Xuân Lý (sinh 1973), ở Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ thì nằm bất tỉnh và đang được anh em cấp cứu.
Về phía tàu Trung Quốc, sau khi xịt vào nhóm ngư dân tuy đã tắt vòi rồng nhưng vẫn tiếp tục chạy theo tàu cá khoảng gần 10 phút nữa rồi mới bỏ đi. Sau khi được các thuyền viên đi cùng bó nẹp tạm, ngày 9.6 thuyền trưởng Kiên đã liên lạc và đã gửi được 2 ngư dân Đoàn, Lý cho tàu cá ở cùng xã mang số hiệu QNg 90369 Ts, do ông Nguyễn Văn Cu (sinh 1973) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng chở về, rồi tiếp tục ở lại đánh bắt.
Theo lời ngư dân Đoàn, thì các thuyền viên khác cũng bị thương tích vì vòi rồng của tàu Trung Quốc, nhưng nhẹ hơn nên ở lại. Đến khoảng 2 giờ, ngày 12.6, tàu ông Cu cập bến Tịnh Kỳ, ngư dân Đoàn đã được gia đình chuyển thẳng ra Đà Nẵng để kiểm tra và bó bột, rồi chiều cùng ngày đưa về nhà tịnh dưỡng, với kết quả chẩn đoán của Bện viện Quân y 17 tại T.p Đà Nẵng, anh Đoàn bị gãy xương mắc cá trong cổ chân và xương mác. Dự kiến khoảng 1 ngày sau, ngư dân Đoàn sẽ ra kiểm tra lại.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên báo Dân Việt, thì vào ngày 12.6, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã có văn bản báo cáo cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND Quảng Ngãi và Vùng 3 Hải quân; Vùng Cảnh sát biển 2 với nội dung: 2 ngư dân Đoàn và Lý đã bị thương trong quá trình hành nghề trên biển bị lực lượng chức năng Trung Quốc dùng vòi rồng phun.
Dân Việt