Võ Long Triều (Hoa Kỳ)
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Trước khi rời Hoa Kỳ đi Bắc kinh tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Ngoại trưởng John Kerry phát biểu trong bài diễn văn đọc tại Đại học Washington: “Quan hệ Mỹ-Trung có tầm quan trọng bậc nhứt trong các công việc của thế giới và hai cường quốc sẽ kiến tạo thế kỷ 21”. Đó là quan điểm của giới hữu trách Hoa Kỳ. Quốc gia nầy đã tự hào là cường quốc hùng mạnh nhứt thế giới, từng đứng ra dàn xếp, duy trì an ninh, trật tự trong thế kỷ 20. Ngày nay Trung Quốc đang trỗi dậy, mạnh về kinh tế, phát triển không ngừng về quân sự, trực tiếp cạnh tranh với Mỹ về mọi mặt, cộng thêm chủ trương “bành trướng” muốn làm bá chủ vùng Châu Á trước khi thực hiện “giấc mơ” trở thành bá chủ toàn cầu. Trong bối cảnh đó ông Kerry cho rằng hai quốc gia Trung-Mỹ sẽ kiến tạo thế kỷ 21. Thực tế và tương lai có thể khác với sự dự doán của ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Dư luận cho rằng ông Kerry có nhiệm vụ chuẩn bị chuyến công du của Tổng Thống Barack Obama sẽ đến Bắc Kinh dự Hội Nghị thượng đỉnh APEC. Mặt khác Tổng Thống Obama còn phái cố vấn an ninh tòa Bạch ốc là bà Susan Rice, sang Trung Quốc dọn đường cho cuộc gặp gở tay đôi giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình. Lần nầy ông Obama phải đối mặt với Trung Quốc đang lúc yếu thế về chính trị trong nước. Bà Rice tiết lộ: Ngay cả khi tôi đang quan tâm đến nhiều hồ sơ khác, Tổng thống vẫn yêu cầu tôi phải tới đây, bởi vì ông dành ưu tiên cho mối quan hệ Trung-Mỹ. Bà nói thêm, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ sẽ là một “cột mốc quan trọng cho việc quan hệ song phương của hai nước”. Chuyến đi của bà Rice cho thấy Tổng thống Mỹ xem vùng Châu Á-Thái Bình Dương là quan trọng, và chính sách “xoay trục” của Hoa Kỳ vẫn còn là ưu tiên so với các biến cố ở Âu Châu, Irak, Syria hay Gaza. Chiến thuật “xoay trục” nhằm mục đích ngăn chận sự trỗi dậy hung hăng của Bắc Kinh nên Washington phải tìm cách cân bằng lực lượng quân sự và chính trị trong vùng. Chính quyền Obama đặt Châu Á-Thái Bình Dương là điểm tựa của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ trong tương lai. Vì vậy Trung Quốc rất bất bình phản đối chủ trương đó là mối đe dọa trực tiếp đối với chính họ.
Trở lại ý kiến của Ngoại trưởng Kerry, vấn đề đặt ra là những ai sẽ kiến tạo thế kỷ 21? Hiện tại, Hội nghị thượng đỉnh APEC cho thấy không phải chỉ có Hoa Kỳ và Trung Quốc mới có khả năng kiến tạo trật tự thế giới mới, thực tế vấn đề phức tạp hơn nhiều. Trước tiên là Nhật Bản một cường quốc đứng hàng thứ ba. Cách đây khá lâu Thủ tướng Nhật ông Shinzo Abe đã công khai tuyên bố: “Nhật Bản sẽ cân bằng lực lượng quân sự đối với Trung Quốc trong hai năm”. Ngoài ra ông Abe đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp, cho phép quân đội Nhật hành động quân sự để bảo vệ đồng minh và các nước bạn nào bị tấn công, dù chiến trường diễn ra ở các nước khác ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Trong điều kiện đó Nhật vẫn là một cường quốc đáng kể trong việc kiến tạo thế kỷ 21.
Ngoài ra Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngang ngược hành động ở Âu Châu với chủ trương bành trướng, bất chấp chủ quyền của láng giềng. Nga đã sát nhập Crimée, và đang ủng hộ phe miền Đông Ukraine thân Nga ly khai đòi sát nhập. Âu Châu bất lực, Hoa Kỳ không can thiệp. Hai ông Tập Cận Bình và Putin rất thân thiện, chia sẻ cùng một ý hướng bành trướng và họ sắp gặp nhau lần thứ 10 kể từ tháng Ba năm ngoái. Những sự kiện trên chứng minh Nga cũng là một cường quốc có khả năng ảnh hưởng đến việc kiến tạo thế kỷ 21. Đó là chưa kể cường quốc Ấn Độ đang công khai thách thức Trung Quốc bằng cách hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông. Trước mắt đã có thêm ba quốc gia có khả năng xen vào sự kiến tạo thế giới, đó là Nhật bản, Nga và Ấn Độ.
Nhật, Ấn là hai cường quốc đồng minh với Hoa Kỳ. Trung Quốc và Nga tạm thời đồng thuận vì quyền lợi và cùng một lý tưởng trong thời gian còn cộng sản Liên-Sô. Nhưng có gì bảo đảm một khi quyền lợi quốc gia buộc đồng minh phải tan rã hay phản bội bạn bè như trong quá khứ Trung Quốc và Liên-Sô đánh nhau ở biên giới, Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa? Cho nên thế kỷ 21 còn dài, tương lai khó đoán trật tự thế giới sẽ do những ai kiến tạo trong hòa bình hay chiến tranh. Cũng có thể là chiến tranh lạnh như sau đệ nhị thế chiến.
Thử nhìn lại Diễn đàn kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương. Nội vấn đề kinh tế thôi, đã có sự kình chống công khai, nói chi đến chính trị và quân sự. Một bên là “Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” (TPP) do Mỹ thành lập, có Nhật Bản mà không có Trung Quốc. Một bên là Trung Quốc đề nghị thành lập “Khu vực tự do mậu dịch Châu Á Thái Bình Dương” (FTAAP) đối chọi với TPP của Mỹ.
Bà Susan Rice khẳng định: Ưu tiên hàng đầu của chuyến công du Châu Á của Tổng thống Obama là các cuộc thương lượng về hiệp định TPP. Bằng cớ là trong dịp nầy nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã quy tụ các vị nguyên thủ của 11 quốc gia đến đại sứ quán Mỹ và hối thúc họ vượt qua điều ông gọi là những “khúc mắc” còn lại.
Về mặt chính trị và quân sự thì vấn đề càng có nhiều vướng mắc bởi những liên minh chính trị có mục đích bao vây, và bởi sự cân bằng lực lượng quân sự có mục đích đe dọa và kềm hãm, khi Mỹ chủ trương chuyển 60% quân lực Hoa Kỳ về Châu Á Thái Bình Dương. Trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình cố sức thực hiện “giấc mơ Trung Quốc” làm bá chủ toàn cầu trước năm 2030. Người ta thấy trong hai năm qua Bắc Kinh trở nên hung hăng hơn và đang thực hiện một đường lối quyết liệt hơn nhiều ở Biển Đông và biển Hoa Nam. Các nỗ lực của ASEAN và Hoa Kỳ nhằm kiến tạo một bộ quy tắc ứng xử trong vùng biển có tranh chấp đều bị vô hiệu trước quyết tâm chiếm đoạt vùng “lưỡi bò” do Trung Quốc ngang ngược đề ra.
Ngày 8/11/2014, tham dự lễ kỷ niện 25 năm bức tường Bá Linh sụp đổ, nói về cuộc khủng hoảng ở Âu Châu, cựu Tổng thống Liên-Sô Gorbachev cảnh báo rằng, sự căng thẳng giữa Nga và phương Tây, nếu các quốc gia chấm dứt sự đối thoại là bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới. Cũng trong một cách nhìn thế cuộc tương tự, nếu hai khối thế lực Tàu-Nga và Mỹ-Nhật đối chọi nhau mà không va chạm bằng vũ lực thì chắc chắn sẽ biến thành chiến tranh lạnh trong từng vùng Châu Á, Châu Âu hay là toàn cầu như trong thế kỷ 20 giữa cộng sản và tư bản.