Tác giả: Marina Mai
Hùng Hà chuyển ngữ
2-9-2017
Năm nay Đại sứ quán hủy bỏ buổi tiếp tân nhân ngày Quốc khánh 02.09.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã mang lại sự bất tín.
BERLIN taz | Đức D. đứng trong quán ăn nhanh của ông ta ở Lichtenberg và chờ khách. “Tôi rất vui khi cảnh sát đã bắt được một tên gián điệp, kẻ dường như đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, người này nói với TAZ và bốc giá cho vào chảo. “Mật vụ Việt Nam chả có nhiệm vụ gì ở Đức. Chúng phải cút đi. Chúng chỉ gây hại cho những người Việt Nam đơn giản như chúng tôi ở Bá-linh“.
Người kinh doanh quán ăn nhanh đã ngoại ngũ tuần và đáng ra không phải là một nhân vật với những tuyên bố cứng rắn về chính trị. Công việc bên chiếc chảo là gánh nặng với ông ta. Ông ta dùng thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình để xem truyền hình, ở bên gia đình và trong một hội đoàn ở Bá-linh. Nhưng rồi vụ bắt cóc cựu chính trị gia Hà Nội Trịnh Xuân Thanh đã làm chao đảo chân trời của ông. Nói đúng hơn là: Những cuộc tranh luận sau đó.
Mới ba tuần trước đó, người đàn ông đã từng đến Đông Đức vào năm 1988 để làm khách thợ còn chưa chắc chắn rằng, dường như mật vụ Việt Nam có thể có lý khi bắt cóc một người đang ở Đức, kẻ phải bị trừng phạt ở Việt Nam. Dù sao thì kẻ bị bắt cóc cũng bị cáo buộc vì một tội trạng về kinh tế lên đến hàng trăm triệu. Đức D. nói với TAZ hồi đầu tháng Tám: “Việt Nam phải tiến hành chống tham nhũng. Việt Nam nên làm gì nếu nước Đức không cho dẫn độ người này?“
Nhưng từ lúc đó, đã có điều gì đó thay đổi. Một nghi can đã ngồi tù: Một di dân người Việt Nam sinh sống ở Tiệp và làm một việc bẩn thỉu cho mật vụ. Khác với những kẻ được che chở khác từ Hà Nội, người này không hề có quyền miễn trừ ngoại giao, cũng không thể bỏ trốn về Việt Nam. Người này nằm dưới quyền phán quyết của Tư pháp Đức. Và một nhân viên của Sở Di trú và Tị nạn Liên bang, kẻ nhiệt tình quảng cáo cho Việt Nam trên các mạng xã hội và biện minh cho những vi phạm nhân quyền ở đó, đã bị chủ lao động sa thải.
Và: Đại sứ quán Việt Nam rút khỏi cộng đồng người di dân. Vào ngày thứ Bảy hôm nay, ngày 02.09, là ngày Quốc khánh Việt Nam. Thường là, bên cạnh những yếu nhân của Đức còn có những người di dân có cống hiến được mời đến buổi lễ ở Đại sứ quán. Năm nay không có tiệc tùng gì. Đại sứ quán có nhiều việc bận bịu quá chăng?
NHỮNG HÌNH ẢNH KHÓ CHỊU
Từ hơn mười năm nay, Đại sứ quán Việt Nam đã dệt nên một mạng lưới để kết nối những người di dân và lợi dụng họ hoạt động mật vụ. Trước đây nó đã là những hình ảnh khá khó chịu được gửi từ các nhóm di dân về Hà Nội: Những thuyền nhân biểu tình ở Bá-linh chống đối chính sách ở Việt Nam. Điều này phải được thay đổi. Tuyệt đại bộ phận của mạng lưới này là các hội đồng hương mà Đại sứ quán đã đỡ đẻ trong việc thành lập. Như là hội đồng hương Hải Phòng, hội đồng hương Hà Tĩnh, vân vân.
Những hội đồng hương này chăm chút những hoạt động hội đoàn năng động qua việc liên lạc với tỉnh nhà của họ. Khi một chính trị gia hay một đại diện kinh tế đến Bá-linh là có một cuộc gặp gỡ với đồng hương của họ tại một nhà hàng trong Trung tâm Đồng Xuân ở Lichtenberg, chợ châu Á lớn nhất ở Bá-linh. Họ ăn uống cùng nhau. Có những bài diễn văn về sự gắn kết giữa “quê hương“ và “Việt kiều yêu nước“ – một danh hiệu chính thống dành cho những người Việt Nam hải ngoại trung thành với chế độ (dịch từng từ: những người Việt Nam ở nước ngoài yêu quê hương). Và dĩ nhiên là có những khoản tài trợ được quyên góp, những di dân bị ép phải đầu tư ở Việt Nam. Việt kiều yêu nước cũng thích nhận được những giấy phép nhập cảng.
Nhưng từ ba tuần nay không còn những cuộc gặp gỡ như vậy nữa, một thông dịch viên Việt ngữ kể cho TAZ. “Yên tĩnh một cách bất bình thường.“
LANG THANG TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Đương nhiên, những Việt kiều yêu nước phải thể hiện mình. Như Dũng (tên được thay đổi), một thông dịch viên, đã quan sát trong những năm vừa qua những hoạt động nổi bật của Việt kiều yêu nước trên những mạng xã hội. “Trong số đó là những bà mẹ đơn thân làm thợ Nails ở Lichtenberg. Tôi nghĩ rằng, một người phụ nữ như vậy lẽ ra không có thời gian để ngồi suốt ngày trên mạng. Nhưng có thể là người này đã được trả tiền cho việc đó, y như những blogger ở Trung quốc”, anh ta phỏng đoán.
Rất nhiều người trong số những phụ nữ này, như Dũng quan sát, sẽ bắn rất rát vào những phát biểu dù nhỏ nhất mang tính chỉ trích chính quyền trên mạng. “Một trong những người phụ nữ này thậm chí đã đăng một cái gì đó về một cuộc biểu tình của những người Việt Nam yêu nước vào thứ hai tuần trước ở Bá-linh. Bà ta còn minh họa bản tin bằng những hình ảnh cũ từ hơn hai năm trước”. Một phát ngôn viên của cảnh sát đã xác nhận với TAZ về nghi vấn của Dũng: Không hề có cuộc biểu tình này.
Nhưng mà, theo Dũng, từ ba tuần nay những tuyên truyền viên này không còn làm trò nhảm này nữa. “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy giờ đây người ta chỉ trích chính quyền Hà Nội một cách oang oang và giàu trí tưởng tượng đến vậy, những người mà trước đây vốn chẳng có tí chính trị gì”. Những người như ông chủ quán ăn nhanh Đức D. ở Lichtenberg. Và Dũng tự hỏi: “Có phải chúng ta đang trải nghiệm sự giải thoát của những người Việt Nam ở Bá-linh khỏi những mạng lưới được đan kết một cách tinh vi của Hà Nội?”
(Tiếng Dân)