BBC
Lễ kỷ niệm quốc khánh Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin tổ chức năm nay kém tưng bừng so với các năm trước có lẽ do “căng thẳng ngoại giao sau vụ Trịnh Xuân Thanh”, theo các nguồn tin từ cộng đồng người Việt Nam tại Đức.
Không có người Đức nào có mặt tại lễ kỷ niệm quốc khánh Việt Nam, được tổ chức hôm 31/8/2017.
Trong buổi lễ năm ngoái, khoảng 400 khách Đức và quốc tế có mặt.
“Cho đến ngày 1/9, các doanh nghiệp của người Việt cũng như các hội đoàn và đoàn ngoại giao, và doanh nghiệp của Đức chưa hề nhận được giấy mời tới dự Quốc khánh 2/9 của Việt Nam. Có lẽ việc này diễn ra sau khi có những căng thẳng ngoại giao sau vụ ‘bắt cóc’ ông Trịnh Xuân Thanh,” nhà báo Lê Trung Khoa của thoibao.de nói với BBC.
Cũng theo ông Khoa, ông Reiner Háeloff, Thủ hiến bang Saxony-Anhalt, một bang rất lớn của Đức và “có quan hệ hợp tác rất sâu rộng với Việt Nam” đã có lịch làm việc với ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Đức hôm 18/8.
Tuy nhiên, sau đó ông thủ hiến đã hoãn cuộc gặp này và hiện chưa biết bao giờ mới có lịch mới, ông Khoa nói.
Czech cảnh báo?
Các nguồn tin từ Đức cho hay thời gian qua, an ninh Đức đã liên tiếp hỏi chuyện nhiều người Việt ở Berlin về vụ Trịnh Xuân Thanh và cách thức hoạt động của những nhóm người Việt tại Đức, liên kết bên trong và bên ngoài của họ.
Báo chí Đức gần đây đưa tin về mối liên hệ giữa ông Hồ Ngọc Thắng, người từng làm việc cho Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tỵ nạn (viết tắt là BAMF) với vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Truyền thông Đức thậm chí còn đặt nghi vấn về ‘cuộc sống nhị trùng’ của ông, người mà báo DW coi là ‘ban ngày làm việc cho Đức, ban đêm phục vụ Đảng Cộng sản Việt Nam’.
Tuy nhiên, BAMF hôm 31/8 cho BBC Tiếng Việt biết rằng cho đến thời điểm này, việc điều tra cho thấy “chưa có mối liên hệ trực tiếp nào giữa nhân viên đó với vụ bắt cóc”.
Ông Hồ Ngọc Thắng chính thức bị cho nghỉ việc từ ngày 1/9/2017.
Hôm 1/8, Bộ Ngoại giao Đức triệu Đại sứ Việt Nam tại Berlin lên làm việc, và ngay sau đó một nhân viên của Tòa Đại sứ bị yêu cầu phải ra khỏi Đức trong vòng 48 tiếng.
Cũng liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh, mới đây nhật báo Aktuálně.cz của Czech đưa tin Bộ Ngoại giao nước này đã mời đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Prague tới và thông báo rằng nếu như có nhân viên ngoại giao nào của Tòa Đại sứ có liên quan tới vụ bắt cóc, Czech sẽ trục xuất người đó.
Phía Đức tin là ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc bởi một số người sống hoặc từng sống tại Czech.
Nay, truyền thông Czech cho rằng trong số những người tham gia vụ việc có thể là công an Việt Nam.
Trang domaci.ihned.cz trong bài viết cập nhật lần cuối hôm 29/8 dẫn nguồn tuần báo Respekt và nhật báo Aktualne.cz nói rằng một trong những hướng điều tra tập trung vào khả năng những người này thuộc nhóm công an từng được Czech mời sang hồi hai năm trước để phối hợp phát hiện các hoạt động tội phạm có tổ chức của người Việt, chủ yếu ở Trung tâm Thương mại Sa Pa, thủ đô Prague.
Cảnh sát cũng xem xét khả năng là có một số điệp viên Việt Nam đã có mặt trong nhóm đó từ ban đầu mà phía Czech không biết.
1 comment
Cái tựa bài viết "Quốc khánh VN tại Đức năm nay KÉM vui" của BBC không phản ảnh đúng tâm tư tình cảm và thực tế cuộc sống lao động của người VN tại Đức.
Thực tế đó là: Đa số người Việt ở Đức không nhớ đến ngày 2/9 để mà vui hay buồn.
Ngay cả ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người VN cũng thấy không có gì đăc biệt vui hơn mọi ngày, chứ đừng nói ngày 2/9, đơn giản vì người lớn không đươc nghỉ làm, trẻ em không được nghỉ học, xung quanh không có không khí Tết.
Ngày 2/9 năm nay, có lẽ chỉ có những người "làm ăn" với Sứ quán, hay những ông như Hồ Ngọc Thắng – ban ngày làm việc cho nuớc Đức dân chủ, ban đêm phục vụ Đảng độc tài CSVN – hàng năm được mời đến SQ dự lễ mới là những kẻ "kém vui"! Còn đại đa số người Việt ở Đức, họ thấy nhục nhã và xấu hổ cho nhà cầm quyền VN, cho những ông như Hồ Ngọc Thắng.