Tôn Phi
(VNTB) – Khi chất xám được xem là yếu tố thúc đẩy tiềm lực quốc gia thì Việt Nam ngày hôm nay, lại đang rơi vào tình trạng “tị nạn giáo dục”, một cụm từ nhằm thay thế cho chảy máu chất xám cũng như phản ánh sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục trong nước.
Điều này bắt nguồn từ việc sử dụng không đúng nguồn ngân sách (20% GDP) cho giáo dục và cách thức triển khai nền giáo dục bị bó chặt vào cơ chế, khiến cho mỗi góc cạnh nền giáo dục đều nảy sinh vấn đề cản trở đối tượng giáo dục trong tiếp cận tính nhân bản, khoa học.
Một trong các giải pháp để cứu vãn nền giáo dục được đặt ra từ trước nay là quốc tế hóa giáo dục Việt Nam. Một trong số đó chính là quốc tế hóa chuẩn giáo sư (GS), tiến sĩ (TS), nguồn cội của quản lý và đào tạo giáo dục hiện nay.
Yêu cầu cấp thiết
GS Nguyễn Đăng Hưng, nhà khai sinh môn cơ học phá hủy ở đại học Liege (Bỉ), chia sẻ: “Ở nhiều nước EU, các luận án TS phải có mặt ít nhất một GS quốc tế trong hội đồng chấm luận án. Nếu người chấm luận án đó không về nước được thì cũng phải thẩm định được bằng cách gửi luận văn qua internet để họ thẩm định rồi gởi nội dung thẩm định về. Và ít nhất cũng phải có hai giáo sư tham gia hội đồng chấm luận án, tuy nhiên thì họ phải là những người không xuất phát từ trường của nghiên cứu sinh để có thể bảo đảm tính khách quan. Đồng thời, luận án đó phải được công bố trước và sau khi trình để mọi người cho ý kiến. Như vậy, hễ có quay cóp thì sẽ phát hiện nhanh chóng. Chúng ta cũng cần quốc tế hoá hội đồng tuyển chọn GS. Không cần phải ở cấp Bộ, cấp các trường Đại học vẫn có thể trực tiếp tuyển chọn GS. Vấn đề là phải công khai quá trình tuyển chọn. Hồ sơ các ứng viên phải được công bố và việc xếp hạng các ứng viên phải dành cho cơ sở bao gồm những nhà chuyên môn của lĩnh vực tuyển chọn. Hội đồng tuyển chọn cũng phải có mặt những nhà khoa học được quốc tế công nhận. Dĩ nhiên là tiêu chuẩn tuyển chọn phải thật khách quan và minh bạch.”
Trong khi, chế độ đào tạo Ths, TS, và chế độ xét duyệt, công nhận chức danh GS, PGS của Việt Nam lại đi ngược lại, hy sinh chuẩn quốc tế để đổi lấy số lượng, dẫn đến quy trình này luôn được tiến hành khép kín (nội bộ) và bị chi phối bởi cách học thay vì nghiên cứu. Chưa kể nạn tiêu cực trong việc chấm luận án TS hay thông qua nhanh công trình nghiên cứu để đề bạt lên hàm PGS, GS. Một Ths dạy chuyên ngành Lịch sử thế giới cận hiện đại có thể bảo vệ luận án với đề tài Lịch sử Việt Nam trung cận đại. Tương tự, việc nâng từ TS lên GS cũng không quan trọng hóa tính về điểm khoa học dựa trên ấn phẩm quốc tế, mà chỉ dựa vào ấn phẩm nội địa, và điều này áp dụng cho các ngành nghiên cứu ứng dụng, xã hội – nhân văn, kỹ thuật. Trong khi đó, các hội đồng để xét duyệt đề tài của những Ths, TS lại tỏ ra dễ dãi khi thông qua nhanh đề tài nếu đảm bảo một sự bôi trơn đúng mức, và ít nhiều có sự nể nang yếu tố ‘cử đi học’, riêng hội đồng xét duyệt nâng hàm PGS, GS lại chịu sự chi phối bởi các ủy viên hội đồng, cũng là các thành phần lãnh đạo các trường trong nước, số ủy viên xét duyệt học hàm cũng chỉ chủ yếu thông qua thống kê số bài báo công bố, số sách của ứng viên là tác giả, số tiến sĩ và thạc sĩ họ đã hướng dẫn sao cho “đủ” điều kiện chứ chưa đi sâu vào chất lượng. Tất cả tạo nên sự cảm tính thô sơ trong vấn đề xét duyệt hàm TS, GS, PGS tại Việt Nam, khiến quy trình này thiếu khách quan, thiếu căn cứ khoa học, thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng mưu lợi ich riêng cho từng nhóm thay vì phục vụ sự nghiệp chung.
Hiện tượng ban phát học hàm diễn ra phổ biến. Hướng mới đề tài gần như không có, dẫn đến sự trùng lắp về nội dung, nạn gian dối (bịa số liệu, sao chép luận án) ngày càng phổ biến, năng lực nghiên cứu (ISI – cơ sở dữ liệu chứa những thông tin cơ bản về các công trình khoa học có phản biện quốc tế) kém. Ví như năm 2013, luận án của TS Hoàng Xuân Quế, phó viện trưởng Viện Tài chính – Ngân hàng thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân bị phát hiện là sao chép 30% dung lượng luận án của TS Mai Thanh Quế – Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng đào tạo, Học viện Ngân hàng, hay GS Đàm Khải Hoàn phải thốt lên “bằng Tiến sĩ Y khoa giá 200 triệu”. Hiện tượng đặc cách GS, buộc TS, GS, PGS phải có chức vụ trước khi được giao đề tài khoa học cấp… nhà nước, thậm chí cấp bộ là quy định ngầm.
Ngay cả đối với các công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các ấn phẩm quốc tế cũng rơi vào xu hướng tác giả Việt Nam “đứng ké” (không chủ nhiệm đề tài). Chưa kể, số người đi theo con đường học thuật vắng, trong khi lại có xu hướng đầu quân làm quản lý các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan các cấp ngành.
Tất cả, làm các chức danh GS, PGS hay các danh vị khác tại Việt Nam “mất giá thảm hại” trên quốc tế.
Đã có một chiến lược KH-CN 2011-2020 nêu rõ mục tiêu tăng số lượng công bố quốc tế từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước trung bình 15-20%/năm, trong đó mục tiêu thứ năm ghi rõ đến năm 2020 hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới. Nhưng đó là trên phương diện văn bản, còn rất nhiều việc để làm, nhiều thứ để khắc phục trước khi tiệm cận chuẩn quốc tế trong việc nâng cao chất lượng phong hàm tại Việt Nam.
Chấn chỉnh từ hội đồng chức danh GS, PGS
Ở EU, thậm chí ngay các chức danh trong trường cũng được bỏ phiếu chứ không phải chỉ định. Cứ sau mỗi nhiệm kỳ, hội đồng các giáo sư chính thức sẽ bầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng… Hội đồng gồm đại diện các giáo sư, giảng viên, công nhân viên và sinh viên sẽ bầu ra hội đồng quản trị của trường, cơ quan quyền lực cao nhất do hiệu trưởng làm chủ tịch. Tất cả từ dưới lên, bầu cử nghiêm túc, bỏ phiếu kín để chọn ra lãnh đạo một cách rất dân chủ. Trong hội đồng quản trị luôn có mặt một thành viên chính phủ tham gia với tư cách một thanh tra, không tham gia quyết định nhưng có nhiệm vụ nói lên ý kiến của chính phủ về những phán quyết hệ trọng, chẳng hạn về ngân sách hằng năm của trường mà nhà nước bao cấp 90%. Ngoài ra quyền tự do học thuật tại đại học là phải tuyệt đối tôn trọng. Sự bổ nhiệm các thành viên luôn dựa theo sự chọn lựa của hội đồng chuyên gia quốc tế tham dự. Các GS, PGS có quyền soạn giáo trình riêng cho mình để giảng dạy môn đó. Bộ Giáo dục chỉ ban bố chương trình khung cho từng ngành, áp dụng cho tất cả các trường. Trường có quyền đề đạt các ngành mới, các môn dạy mới nhưng phải tôn trọng khung thời gian tối thiểu cho phép.
GS Ngô Bảo Châu, người đoạt giải thưởng toán học danh giá nhất hành tinh năm 2010 phát biểu về việc phong hàm giáo sư ở Việt Nam: “Gần đây, Hội đồng chức danh chỉ công nhận chức danh giáo sư, còn việc bổ nhiệm do các trường thực hiện. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó còn phức tạp, các trường vẫn không thực sự được bổ nhiệm giáo sư. Không bổ nhiệm được một ‘ông tướng’ thì không thể tự chủ khoa học được”.
Thiếu tự chủ khoa học từ trong việc bổ nhiệm kiểu giao phó, thêm vào đó, từ sau Nghị định 21/CP (1995) đến nay về việc thành lập Hội đồng Học hàm Nhà nước và Quyết định số 200/TTg cho đến Quyết định 03/VBHN-BGDĐT về quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS, bãi bỏ nhiều quy định nội địa hóa tiêu chuẩn nhưng cho đến nay, vấn đề định nghĩa chức danh GS, PGS dù được xác định không phải chức danh nhà nước nhưng rõ ràng, quy định vẫn bị bó buộc cơ chế “xin cho – cấp phát” làm ranh giới giữa chức vụ và nghiên cứu khoa học chưa được xác định rõ ràng.
Một vấn đề khác nữa là Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước chưa được phát huy đúng mức, ví như Hội đồng được Thủ tướng giao trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Thế nhưng, từ bấy lâu nay, Hội đồng rất hiếm hoi trong việc mạnh tay thu hồi hoặc hủy bỏ công nhận chức danh giáo sư của những cá nhân vi phạm về đạo đức khoa học…
Ngay cả áp dụng chuẩn quốc tế đối với giáo sư ở Việt Nam sẽ gặp những trở ngại ngay từ chính Hội đồng này. Lí do đơn giản là “con gà tức nhau tiếng gáy”. Nếu chuẩn mới được ban hành, thì các thành viên của Hội đồng sẽ phải nhường ghế cho các học giả quốc tế trở về từ trời tây, một điều không dễ có khi chiếc ghế đó gắn liền với nhiều đặc quyền đặc lợi.
Vào tháng 6/2014, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2014 – 2019, thì sự minh bạch thông qua cân đối giới tính, vị trí các thành viên trong các ngành vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Thành tích quốc tế về khoa học nghiên cứu của 28 Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước còn khá mỏng, ưu ái cho các chức vụ quản lý hơn là nghiên cứu, đảng viên hơn là không đảng viên, tư cách khoa học của của các thành viên trong hội đồng do đó là sự hoài nghi.
Nhiệm kỳ mới 5 năm lại bắt đầu (2014-2019), Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước sẽ làm gì để thúc đẩy nền giáo dục, học thuật Việt Nam đi lên, làm tiền đề cho sự phát triển khoa học, công nghệ trong nước? Đó vẫn là câu hỏi lớn, nhưng dù sao, những chuyển biến gần đây trong việc đưa các tiêu chuẩn quốc tế vào xét duyệt học hàm TS, GS, PGS tại Việt Nam cũng là một tia sáng hiếm hoi, đầy hy vọng trong việc đưa các học hàm, học vị trở thành chức vụ khoa học thay vì quản lý như hiện nay.
Chấn chỉnh nền học thuật quốc gia từ hội đồng chức danh GS, PGS và nâng chuẩn hàm xét nhận TS, GS, PGS là mệnh lệnh của thời đại.