Ỷ Lan
Ỷ Lan : Thưa Bà Saskia Bricmont, bà là thành viên Đảng Xanh tại Quốc hội Châu Âu, và cũng là một trong vài tiếng nói mạnh mẽ cho Nhân quyền nói chung và nhân quyền tại Việt Nam nói riêng. Tin vừa loan tải cho biết ba Nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vừa bị đem ra xét xử, trong số này có ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù, hai người kia mỗi người 11 năm tù. Xin bà cho biết phản ứng của bà trước tin này ?
Saskia Bricmont : Điều này chứng minh tình trạng nhân quyền tại Việt Nam chẳng có chi cải thiện theo hướng chúng ta mong đợi, đó là sự tôn trọng thiết yếu cho nhân quyền, cho các quyền cơ bản, đặc biệt quyền tự do ngôn luận. Ngay từ lúc khởi phát, qua những cuộc thảo luận diễn ra giữa chúng tôi, trước tiên tại Quốc hội Châu Âu rồi với nhà cầm quyền Việt Nam, chúng tôi mong mỏi pháp luật Việt Nam cải thiện, đặc biệt bộ Luật Hình sự – bởi vì Phạm Chí Dũng bị kết án chiếu theo bộ luật này, trong khi ai cũng biết ông Dũng hoạt động cho dân chủ, cho tự do báo chí, cho đa nguyên chính trị, cho một Nhà nước pháp quyền… cho những điều chúng tôi đạt được tại Vương quốc Bỉ, tại Châu Âu, và mong muốn các điều ấy được đối tác Việt Nam thực hiện.
Ỷ Lan : Trường hợp Phạm Chí Dũng mang tính tiêu biểu. Ông ấy gửi một băng Video đến các vị dân biểu Quốc hội Châu Âu yêu cầu hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu – Việt Nam (EVFTA) bao lâu tình trạng nhân quyền tại Việt Nam chưa được cải thiện. Hai ngày sau đó, ông bị bắt. Các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam vô cùng xúc động trước các bản án nặng nề này: 15 năm tù giam cho Phạm Chí Dũng, 11 năm tù cho Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Ông Thuỵ nay đã 70 tuổi. Bà nghĩ sao về án tù này cho Phạm Chí Dũng ?
Saskia Bricmont : Sự kiện ông Dũng bị bắt vì tự do biểu tỏ quan điểm ông, nhằm kêu gọi nhà cầm quyền Châu Âu lấy trách nhiệm mình áp dụng cho nhân quyền tại Việt Nam và sử dụng đòn bẩy EVFTA để thực hiện, là điều không thể chấp nhận theo quan điểm dân chủ. Không thể nào chấp nhận việc bắt giam và tuyên án 15 năm tù cho việc công khai gửi một băng Video kêu gọi như thế. Cho dù bản án có nhẹ hơn đi nữa, theo quan điểm tôi, cũng không thể chấp nhận, vì tôi đã từng bảo vệ trong khuôn khổ thương thảo để tự do ngôn luận và dân chủ được tôn trọng tại Việt Nam.
Chúng ta thấy rõ, chế độ đang minh chứng trái ngược với các điều cam kết. Bằng cách này hay cách khác, nếu chế độ muốn chứng thực, họ phải ngưng ngay kiểu cách bắt bớ tuỳ tiện chiếu theo bộ Luật Hình sự, và họ phải khởi động ngay những cải cách cần thiết. Đây là một trường hợp tiêu biểu hiển nhiên và bổ khuyết, chứng minh rằng nhà cầm quyền Việt Nam không hề muốn thực thi các điều họ cam kết .
Trên quan điểm này, tôi đoàn kết với các nhà hoạt động Việt Nam, chính vì vậy, mà tôi không thể nào hậu thuẫn và tiếp tay cho loại kết án bất chấp như thế nói theo quan điểm dân chủ. Điều này sẽ thức tỉnh những người đồng viện Châu Âu của tôi, cũng là lúc báo động trước sự kiện thực hữu, một cách đánh chuông cấp báo các Dân biểu về hiện trạng các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà báo tại Việt Nam không được ai quan tâm. Chỉ vì tự do biểu đạt thôi mà phải lãnh ngay án tù 15 năm và 3 năm quản chế như tin tôi nhận được… là điều không thể nào chấp nhận. Nhưng bất hạnh thay, đúng như vậy, tôi có cả một đống những người đồng viện thuộc các nhóm chính trị khác nhắm mắt trước hiện trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Tại Việt Nam, các nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự rất thất vọng. Là Dân biểu Quốc hội Châu Âu, bà có thông điệp gì gửi đến họ ? Họ có nên tụ thủ bàng quan chăng ? Cộng đồng quốc tế đã bỏ rơi họ chăng ? Bà muốn tâm sự gì với họ đây ?
Saskia Bricmont : Tôi thông cảm với sự chán chường khi phải đối mặt với những án lệnh dành cho Phạm Chí Dũng. Tôi phải thú nhận tôi có cùng nỗi chán chường trong cuộc đấu tranh tại Quốc hội Châu Âu, khi tôi thấy có một loạt những người đồng viện chẳng liệu kế chủ yếu làm đòn bẩy cải thiện hiện trạng Việt Nam, hay ngay cả gây sức ép lên thể chế Việt Nam.
Nhưng không thể bó tay, phải tiếp tục. Phải tiếp tục vì chúng ta đấu tranh cho công lý, chúng ta đấu tranh cho tự do ngôn luận, chúng ta đấu tranh cho dân chủ… Bản thân tôi, tôi có một số tiện nghi: tôi không đứng đầu tuyến và tôi không là nạn nhân cho những quyết định tuỳ tiện và độc đoán. Tôi có tự do ngôn luận, cho phép tôi biểu đạt tự do quan điểm tôi tại Quốc hội Châu Âu… Tôi có nhiều bạn đồng viện cùng lên tiếng, còn có nhiều tổ chức Phi chính phủ bên cạnh tôi như những đấu sĩ. Như vậy, chúng ta cùng nhau hợp đồng để tiếp tục cuộc đấu tranh, và tôi, tôi cũng sẽ tiếp tục hoạt động, tiếp tục giương cao niềm tin chính trị để mọi người cùng tham gia vận động cho hồ sơ chủ yếu này.
Chúng ta cũng nhìn rõ những hồ sơ khác với các đối tác kinh tế quan trọng khác như Trung quốc, để áp lực cho vấn đề lao động khổ sai, thảm trạng người Uyghurs đang gia tăng. Tôi cũng tin rằng chúng ta cần gia tăng áp lực chính trị lên nhà cầm quyền Việt Nam.
Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Dân biểu Quốc hội Châu Âu Saskia Bricmont.