Việt Nam Thời Báo

RFA – Hoa Kỳ chỉ ra thực trạng nhân quyền đáng ngại tại Việt Nam!

Hôm 11/03/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2019, trong đó liệt kê một số vi phạm của chính quyền về việc bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị, và một số vấn đề về tự do ngôn luận, tự do báo chí…

Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, báo cáo nhân quyền Việt Nam 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không nhắc đến trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng, cộng tác viên của VOA Tiếng Việt và là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, bị bắt vào tháng 11/2019 với báo cuộc “tuyên truyền chống nhà nước.

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hằng năm công bố báo cáo toàn diện về tình trạng nhân quyền trên toàn thế giới. Trong báo cáo nhân quyền được đích thân Bộ trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo công bố vào sáng ngày 11 tháng 3, Hoa Kỳ tiếp tục chỉ trích thành tích nhân quyền yếu kém của Việt Nam trong năm 2019 trên một loạt lĩnh vực.

Vào chiều cùng ngày, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao vì Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Robert Destro, cùng với Phó Trợ lý Scott Busby chủ trì cuộc họp báo tại Tòa nhà Truyền thông Quốc gia ở Washington DC giải thích thêm về lý do chính phủ Hoa Kỳ thực hiện báo cáo nhân quyền hàng năm. Phóng viên RFA có mặt và ghi nhận.

Ông Scott Busby, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao vì Dân chủ, Nhân quyền và Lao Động AFP

Ông Robert Destro trình bày lại tại cuộc họp báo cam kết của Hoa Kỳ cũng như yêu cầu bức thiết của việc tôn trọng nhân quyền:

“Cam kết của chính phủ Hoa Kỳ trong việc tôn trọng quyền con người phản ánh các giá trị cốt lõi của người Mỹ và nguyên tắc toàn cầu. Chúng tôi cũng nhận biết được rằng, thực chất các nhà hoạt động quốc tế là những nhân tố nổi bật của nhân quyền. Trong báo cáo này, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền, cũng như mục đích thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh của chính phủ Hoa Kỳ với các nước trên thế giới.”

Trong bối cảnh quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục được cải thiện, hoạt động nhân quyền trong nước vẫn không có tiến triển. Phóng viên RFA nêu câu hỏi về tiến triển của việc thực thi quyền con người ở Việt Nam và làm thế nào để chính phủ Hoa Kỳ, trên phương diện ngoại giao, có thể cân bằng mối quan hệ kinh tế và nhân quyền với Việt Nam.

Trả lời câu hỏi này, ông Scott Busby cho biết đối thoại nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra hàng năm. Vào năm 2019, ông đã đến Việt Nam tham gia cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 23 tại Hà Nội. Hai phía thảo luận một loạt các vấn đề về nhân quyền khác nhau. Ông Scott Busby ghi nhận Việt Nam có tiến bộ trong một số lĩnh vực, như quyền cho người khuyết tật và tôn trọng quyền của cộng đồng LGBT… Bên cạnh đó theo ông Scott Busby, Việt Nam cũng có cải thiện trong việc sửa đổi bộ luật lao động và tín ngưỡng tôn giáo.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực về tình hình nhân quyền ở Việt Nam mà ông Scott Busby cho là đáng lo ngại:

Chúng tôi cảm thấy rằng nhiều điều luật của Việt Nam vẫn còn rất mơ hồ và thường được áp dụng một cách tùy tiện. Đó là một trong những mấu chốt mà chúng tôi đã đưa ra trong cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam vừa rồi.–Ông Scott Busby

“Chúng tôi còn lo ngại về việc Việt Nam vẫn còn xu hướng bắt giữ người muốn tự do bày tỏ ý kiến của mình như chỉ trích chính phủ. Chúng tôi có nêu ra những lo ngại đó trong cuộc đối thoại vừa rồi, trong đó bao gồm việc kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do cho những tù nhân chính trị. Chính phủ Việt Nam phần lớn vẫn tuyên bố rằng những trường hợp này đã vi phạm những điều luật của Việt Nam, vì vậy chính phủ nước này đã lấy lý do đó để kết án họ; chúng tôi không đồng ý với việc này. Chúng tôi cảm thấy rằng nhiều điều luật của Việt Nam vẫn còn rất mơ hồ và thường được áp dụng một cách tùy tiện. Đó là một trong những mấu chốt mà chúng tôi đã đưa ra trong cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam vừa rồi.”

Phóng viên RFA tiếp tục hỏi ông Scott Busby về sự phản hồi của chính phủ Việt Nam trước những lo ngại của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về những vấn đề này, ông cho biết:

Về kết quả của chuyến thăm của tôi đến Việt Nam vừa rồi cho cuộc đối thoại này, chúng tôi đã thành công trong việc (yêu cầu) trả tự do cho một nhà hoạt động chính trị có bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam rất được dư luận quan tâm; tôi đã đến gặp cô ấy trong trại giam. Hiện tại, cô này đã an toàn ở Hoa Kỳ. Chúng tôi lấy làm tiếc về việc cô ấy phải rời khỏi đất nước của mình để được tự do, nhưng chúng tôi cảm thấy an tâm vì giờ đây cô ấy thật sự đã được tự do.”

Nhà hoạt động mà ông Scott Busby nhắc đến là bà Trần Thị Nga. Bà là tù nhân chính trị mới nhất tại Việt Nam đến được Hoa Kỳ nhờ sự vận động của chính phủ Mỹ như trình bày vừa rồi của ông Scott Busby.

Có thể kể thêm tên một số cựu tù nhân chính trị Việt Nam được phía Hoa Kỳ vận động trả tự do như bà Trần Thị Nga là  blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải… Những người này sau khi đến được Hoa Kỳ tiếp tục tham gia lên tiếng trình bày thực tế đàn áp các tiếng nói đối lập, bỏ tù, sách nhiễu giới đấu tranh tại Việt Nam với chính giới Mỹ mỗi khi có dịp. Đặc biệt mỗi khi các tổ chức, đại diện cộng đồng Việt Nam  tiếp xúc với các vị dân cử Mỹ tại thủ đô Washington DC.

 

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-points-out-the-concerning-human-rights-situation-in-vietnam-03122020121735.html?fbclid=IwAR0fHnh8yo1udHFRyRZzOrwyKjckaJ6rFODJizYcWdskVRxL9cqoRltQWI8

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam Công Bố Báo Cáo về Nhân Quyền tại Việt Nam Năm 2022-2023 và Kết Quả Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023

Do Van Tien

RFA – Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải: “Việt Nam đàn áp tự do truyền thông khốc

Phan Thanh Hung

RFA – TPHCM: Công an bắt giữ Trần Khắc Đức – thành viên của “Tập hợp dân chủ đa nguyên”

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo