Thông qua với số phiếu áp đảo
Nghị viện Châu Âu, vào ngày 12/2/2020, chính thức phê chuẩn thông qua hai Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) được Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) ký kết hồi cuối tháng 6 năm 2019.
Kết quả thông qua của Nghị viện Châu Âu với số phiếu áp đảo, mặc dù trong suốt thời gian hơn 7 tháng kể từ khi EVFTA và EVIPA được ký kết, nhiều Dân biểu ở Âu Châu cùng 68 tổ chức phi chính phủ quốc tế kêu gọi Nghị viện Châu Âu không phê chuẩn thông qua vì tình trạng nhân quyền và quyền lao động tại Việt Nam vẫn còn đáng lo ngại.
Phía EU mô tả Hiệp định vừa được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn là một trong những thỏa thuận thương mại tham vọng nhất mà khối này đạt được với một nước đang phát triển. Theo đó, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng khỏang một tháng, sau khi hai bên thông báo cho nhau việc hoàn tất các thủ tục pháp lý và khoảng 99% thuế hàng xuất khẩu của cả hai phía sẽ được cắt giảm.
Truyền thông trong nước, trong cùng ngày 12/2 dẫn lời của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định rằng việc bỏ phiếu thông qua của Nghị viện Châu Âu cho hai Hiệp định EVFTA và EVIPA giúp Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Luật sư Vũ Đức Khanh, ngay sau khi Nghị viện Châu Âu thông báo thông qua hai Hiệp định EVFTA và EVIPA, lên tiếng rằng thông qua Đài RFA, ông gửi lời chúc mừng đến Chính phủ và người dân Việt Nam. Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh chia sẻ quan điểm của ông:
“Việc thông qua này mang tính lịch sử vì đây là một tiến trình để đối tác hai bên có những cơ sở pháp lý làm việc với nhau trong tương lai. Có một điểm rất quan trọng đối với Việt Nam vì Việt Nam đã chấp nhận một cuộc chơi mới trên chính trường của quốc tế và tôi cũng nhấn mạnh rằng hai hiệp định này sẽ giúp đỡ cho người dân Việt Nam cải thiện đời sống một cách rất là tốt đẹp.”
Lạc quan cho kinh tế và nhân quyền Việt Nam?
Từ Na-Uy, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, qua ứng dụng messenger chuyển đến RFA nhận định của ông về việc Nghị viện Châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA:
“Trong dài hạn thì hiệp định này không chỉ thuần túy về kinh tế mà nó còn có ý nghĩa địa chính trị. Nó giúp cho Việt Nam gắn bo,́ gần gũi hơn với Châu Âu và thế giới phương Tây nói chung, từ làm ăn kinh tế tới trao đổi giáo dục, văn hóa tư tưởng và sau đó là các hợp tác chính trị, an ninh, quốc phòng. Có thể nói là nó sẽ thúc đẩy quá trình Tây hóa lần thứ hai sau cuộc Tây hóa bị chấm dứt ở miền Nam sau 1975 đến nay. Hiệp định giúp cân bằng mối quan hệ của Việt Nam giữa hai thế giới văn hóa Phương Tây và Trung Quốc cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực.”
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh tuy nhiên trong ngắn hạn trước mắt năm nay và vài năm tới, hiệp định vẫn sẽ có ảnh hưởng khiêm tốn, với lý giải:
“Bởi vì doanh nghiệp hai bên cần phải tìm hiểu lẫn nhau rồi doanh nghiệp trong nước muốn xuất khẩu chẳng hạn phải tìm hiểu các quy định, tiêu chuẩn của EU để xuất khẩu hàng hóa. Còn các doanh nghiệp EU cũng phải đến và làm quen với môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Quá trình tiếp xúc tìm hiểu này phải mất ít nhất vài năm.”
Trong khi đó, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, từ Sài Gòn cho rằng song song với thông tin về Hiệp định EVFTA được Nghị viện Châu Âu thông qua thì đồng thời Hoa Kỳ cũng cho biết đã thu hẹp danh sách các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam để giảm ngưỡng kích hoạt các cuộc điều tra, tức là Việt Nam không còn được hưởng sự ưu đãi về thuế nữa. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già đánh giá theo quan điểm cá nhân của ông:
“Tôi nghĩ hai thông tin vừa nêu là những tin bất lợi cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trong năm 2020. Những bất lợi này xuất phát từ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã ngăn cản và tôi cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô kể cả vi mô không có gam màu sáng trong năm 2020, đặc biệt đang ở trong dịch bệnh virus corona.”
Nhận xét về tác động lâu dài của Hiệp định EVFTA đối với nền kinh tế của Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già bày tỏ ông không thấy dấu hiệu lạc quan hay tích cực nào:
“Thú thật là tôi không tin tưởng lắm vào ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Thương mại EU, ông Bernd Lange. Ông nói rằng lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi được một quốc gia. Nếu so lại Việt Nam kể từ khi tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây 14 năm thì những cái mất của Việt Nam có vẻ lớn hơn rất nhiều so với những cái được.”
Về khía cạnh nhân quyền ở Việt Nam, Luật sư Vũ Đức Khanh nói rằng theo ông thì không nên quá bi quan trong thời gian sắp tới với dẫn chứng:
“Đúng ngay ngày Âu Châu mở cửa cho Việt Nam và đồng thời đóng cửa đối với Campuchia. Họ nói đóng của Camuchia tại vì nước này không tôn trọng nhân quyền. Đối với Việt Nam, họ nói rằng tình trạng nhân quyền của Việt Nam tuy không phải giống như họ mong muốn, nhưng đã có một số những cải thiện nhất định và trong hai hiệp định vừa mới thông qua là cho phép người dân Việt Nam, người lao động Việt Nam có quyền thành lập công đoàn độc lập.”
Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Luật sư Vũ Đức Khanh lập luận rằng mặc dù trong thực tiễn Chính quyền Hà Nội được cho là tận dụng những kẻ hở trong các vấn đề mang tính cách chiến lược của quốc tế nhằm đảm bảo quyền lợi lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuy nhiên Luật sư Vũ Đức Khanh khẳng định thông qua hai Hiệp định EVFTA và EVIPA thì:
“Tôi nghĩ rằng gười dân Việt Nam cần phải sáng suốt là bằng cách nào chúng ta có thể lợi dụng được hiệp ước này để tạo được không gian chính trị, xã hội được rộng mở hơn và để cho Nhà nước Việt Nam tôn trọng những quyền cơ bản của người dân nhiều hơn.”
Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu và tích cực tham gia các hội thảo liên quan công đoàn độc lập tại Việt Nam có nhận định rằng nhìn chung về tình hình người lao động và quyền lợi của họ phần nào sẽ được “khởi sắc” hơn sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
“Trước hết chúng ta có thể tin tưởng một điều rằng Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, trong đó có Châu Âu về việc cải thiện và thay đổi vấn đề về lao động, trong đó có công đoàn độc lập. Thế thì đương nhiên trong quá trình thực thi như thế nào thì phải xem xét xem là khả năng chế tài và áp chế những quy định, tức là buộc Việt Nam phải tuân thủ đúng theo cam kết với EU như thế nào thì lúc đó mới có thể nói thêm tiếp được.”
Mặc dù vậy, Đài RFA ghi nhận cũng có những ý kiến trái chiều từ giới đấu tranh dân chủ tại Việt Nam rằng EVFTA có thông qua hay không thì tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn tồi tệ như chưa bao giờ có một cải thiện nào hết. Cựu tù nhân nhân quyền-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già đưa ra minh chứng:
“Những việc làm của Hà Nội trước đây như thả tự do cho người này hay cho đi tị nạn chính trị người kia rồi cho được ngưng thi hành án để chữa bệnh như ông Ngô Hào vừa rồi…Đó chỉ là những phần nổi bề ngoài không mang giá trị cốt lõi của vấn đề nhân quyền được cải thiện. Xin phép nhắc lại là nhân quyền, tự do dân chủ…tất cả các giá trị đó đều phải xoay quanh kinh tế thị trường, là quan trọng nhất. Không có kinh tế thị trường, mà chỉ có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thì không bao giờ có được nhân quyền, không bao giờ có được tự do dân chủ.”
Một trường hợp điển hình của tình trạng nhân quyền ở Việt Nam liên quan Hiệp định EVFTA và EVIPA là Nhà báo độc lập-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị bắt giữ sau hai ngày ông gửi thư ngỏ video kêu gọi Nghị viện Châu Âu không thông qua hai hiệp định này.