J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nhận được tin anh Trần Quang Thành từ trần, tôi chợt thấy bần thần. Anh đã đã qua đời tại bệnh viện của thành phố Leed, Vương Quốc Anh lúc 12.15 ngày 19 tháng 11 năm 2020.
Hèn chi mấy tuần nay không thấy anh gọi điện nữa.
Vài tháng trước, anh vẫn gọi điện nói chuyện, chỉ biết anh dạo này yếu hơn xưa và mắt mũi không còn nhìn rõ được như trước nữa nên khó chủ động gọi điện thoại.
Vậy mà hôm nay nhận được tin anh đã ra đi ở nước Anh xa xôi, tôi bỗng thẫy hẫng hụt và thương anh, một kiếp con người, một nạn nhân cộng sản.
Năm 2011, tôi có chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên khi được mời tham dự cuộc Hội ngộ Giáo dân do Diễn Đàn Giáo dân tổ chức tại California. Lần đầu tiên đến Hoa Kỳ, tôi chẳng có ai là người thân hay họ hàng gần để thăm viếng. Mấy ngày hội nghị xong, đang chưa có kế hoạch đi đâu thì được mời tham dự trong cuộc Gặp mặt Dân chủ tháng 6 năm 2011 tại Emmitsburg, Maryland, Hoa Kỳ.
Đêm ấy, sau chuyến bay từ California lên đến Whasington D.C cũng đã 11 giờ đêm. Một người bạn đón tôi tại phi trường và chạy một mạch về Maryland trong đêm. Nơi đến là một trường đại học Công giáo, Mount St. Mary’s University Emmitsburg Maryland. Lần đầu tiên, tôi đến nơi ký túc xá của một trường Đại học ở nước Mỹ. Mọi cái đều khá lạ.
Từ ngôi trường rộng mênh mông liền với khu rừng phía sau, những căn nhà ký túc xá của sinh viên như những ngôi nhà khách nho nhỏ, riêng biệt. Ở đó các phòng ở và phòng khách, bếp, vệ sinh đầy đủ như những khách sạn mini làm tôi tò mò.
Đêm đó, ngay tại sân của ngôi nhà ký túc xá nhiều người lạ lẫm đang ngồi nói chuyện rôm rả. Tôi chú ý đến một ông già, nói chuyện sang sảng, những câu chuyện thâm cung bí sử của triều đại cộng sản cứ tuôn ra vanh vách rất chi tiết và tỉ mỉ khiến tôi ngạc nhiên.
Đó là anh Trần Quang Thành. Và tôi biết anh Thành từ đó.
Khuôn mặt anh bị biến dạng, bởi hành động trả thù hèn hạ những ngày anh làm phóng viên tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh kể lại rằng, khi làm một nhà báo chính trực, chống tham nhũng và phe nhóm đến cùng, anh chấp nhận nhiều gian nan và nguy hiểm. Cuộc sống liên tục bị đe dọa.
Những thế lực hắc ám đã dùng axit làm biến dạng khôn mặt anh và đường thở bị ngạt. Mới gặp ban đầu làm người ta ái ngại. Thế nhưng, khi đã nói chuyện với anh, người ta mới cảm nhận được đằng sau những câu chuyện, những việc anh đã làm và những dự định của anh là một tấm lòng yêu quê hương, đất nước và sự kiên trì vượt qua những giông tố, gian nan của cuộc sống để mong cho Việt Nam có một ngày tốt đẹp hơn.
Cũng trong cuộc gặp mặt đó, tôi được gặp những người mà trước đến khi đó, chỉ nghe qua mạng internet và những chương trình phát thanh từ BBC, RFA hoặc VOA… mà chưa bao giờ nghĩ rằng có thể gặp mặt.
Đó là ông Bùi Tín, một cựu đại tá quân đội, từng là Phó Tổng biên tập của báo Nhân dân. Một người đã một thời làm quan trong lòng cộng sản. Để rồi từ đó ra đi để kể lại cho đời những sự thật trần trụi, gớm ghiếc trong nội tình bộ máy mà bấy lâu nay, đảng luôn nhào nặn, vo tròn, tô son vẽ phấn nhằm lừa bịp những người dân Việt Nam vốn ít có thông tin để biết những điều “Tuyệt mật”được bao trùm, rào kỹ dưới bức màn sắt cộng sản.
Ông Bùi Tín đến cuộc gặp mặt này từ Paris, vẫn với phong thái điềm đạm và cẩn thận, ông đánh giá về tình hình trong nước, về những vấn đề mà mọi người quan tâm…
Ở đó, tôi cũng được gặp Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc đầu tiền của Ban Việt Ngữ Đài Á châu Tự do. Đã từng đi qua các chức vụ và công việc như giảng dạy tại các đại học George Mason, Trinity College và Georgetown University, ông cũng từng được Quyền Tổng giám đốc Giáo dục Song ngữ trên toàn quốc Hoa Kỳ, nhưng thái độ trân trọng, cởi mở của ông thật đáng ngưỡng mộ, dù với tôi chỉ là một đứa “trẻ con” so với những người như ông.
Cuộc gặp mặt cũng nhanh chóng kết thúc, tôi ở lại Washington D.C thêm mấy hôm nữa thăm thú chơi với những người bạn mới quen và lưu lại ở nhà ông Bích. Ở đó, tôi hiểu được nhưng suy tư và nỗi canh cánh bên lòng của ông khi nghĩ về đất nước và xã hội Việt Nam. Dù khi đó, ông đã xa quê hương để đi du học cách đó 57 năm về trước, đến năm 1972 ông về nước mới được 3 năm lại khăn gói bỏ quê hương trong cuộc “bỏ phiếu bằng chân” lần thứ 2 với cộng sản.
Những ngày ở đó, ông đưa chúng tôi đi thăm nghĩa trang Gettysburg và những nơi có ý nghĩa lịch sử, văn hóa ở Thủ đô Hoa Kỳ cho đến khi ông Nguyễn Khanh, Giám đốc Việt Ngữ RFA đến chở tôi về nhà anh, và đưa tôi đi một vòng quanh nhiều tiểu bang khác.
Những ngày tháng đó, cũng là những ngày tháng mà những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược rộ lên ở hai miền Nam, Bắc của đất nước. Khí thế và tinh thần yêu nước của người dân trước họa xâm lăng đã lan tỏa mọi con người, mọi khu vực. Tôi càng háo hức trở lại quê hương.
Thế rồi, chuyến thăm Hoa Kỳ của tôi cũng kết thúc sau hai tháng ngao du nhiều nơi trên đất nước Mỹ, hiểu về một đất nước xa xôi, lạ lùng mà trước đó, chẳng bao giờ tôi nghĩ là mình được đặt chân đến.
Trở về nước, qua mạng Internet, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau. Anh kể cho tôi nghe về cuộc sống của anh, những việc anh đã, đang làm kể từ ngày anh rời bỏ quê hương.
Anh buộc phải sang tỵ nạn tại Cộng hòa Czech.
Thế rồi, những tin tức về những người tôi quý mến lần lượt đến với tôi là những tin buồn.
Năm 2012, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện từ trần.
Năm 2015, luật sư Nguyễn Xuân Phước cũng ra đi.
Năm 2016, Giáo sư Trần Ngọc Bích đột ngột từ trần trên chuyến bay từ Hoa Kỳ về Philippine dự Họp mặt Dân Chủ.
Năm 2018, tin buồn từ Paris ông Bùi Tín ra đi.
Còn anh Trần Quang Thành, dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, nhưng anh buộc phải xin đi nơi đất khách quê người để sống những ngày cuối đời với cam đoan sẽ không xin bất cứ sự trợ giúp nào của chính phủ nơi anh đến.
Và anh bươn chải tự kiếm sống nơi đất khách, quê người với tuổi đời ngày càng cao trong sự cô đơn của tuổi già.
Năm ngoái,anh gọi cho tôi biết rằng anh không thể tham dự Họp mặt dân chủ năm vừa rồi vì tuổi cao, sức yếu và mắt mũi đã không còn tinh nhanh như trước.
Nhưng, anh vẫn luôn luôn quan tâm đến tình hình trong nước, đặc biệt anh chú ý đến những người anh em đấu tranh trong nước và hiểu rõ từng người, từ tính cách đến hoàn cảnh của mỗi người một.
Anh luôn đau đáu với sự suy đồi của đạo đức xã hội, của đường lối ngày càng lộ rõ sự phản động của nhà cầm quyền CSVN hiện nay. Anh lo lắng cho số phận người dân ngày đêm sống trong chất độc, trong sự ô nhiễm mọi mặt, mọi môi trường sống.
Anh bám sát các sự kiện đang diễn ra trong đời sống chính trị, xã hội Việt Nam và kịp thời đưa những tin tức trung thực, chính xác về hoàn cảnh xã hội Việt Nam những năm tháng qua.
Và anh có một mơ ước sẽ trở về Việt Nam một lần nữa.
Thế rồi năm ngoái, anh gọi cho tôi báo rằng mắt anh đã mờ, đã kém hơn trước nhiều và rất khó hy vọng hồi phục.
Rồi anh sang Vương Quốc Anh sống cho gần con cái và gia đình mình.
Tưởng rằng đến đó, cuộc sống anh đỡ hơn những năm tháng cô đơn vò võ một mình nơi đất khách quê người.
Vậy là anh lại đã ra đi, tiếp bước theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và ông Bùi Tín, những cây đại thụ trong những người đấu tranh cho nền dân chủ Việt Nam.
Nhưng, hôm nay nhận được tin anh đã lìa bỏ cõi đời với chứng suy thận và vướng vào nạn dịch do Covid-19. Quả là một sự bàng hoàng đối với anh chị em, những người đã chung sức, đồng lòng đấu tranh cùng với anh vì một ngày mai tươi sáng hơn, thoát khỏi con đường hầm tăm tối hiện nay.
Anh đã chiến đấu đến những ngày cuối đời với chủ nghĩa cộng sản, với chế độ vong nô và phản động, là gông cùm của cả dân tộc Việt Nam.
Xin viết lại đôi dòng này, để kính nhớ đến anh, đến ông Bùi Tín, đến Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích… những người đã vì niềm hy vọng cho một Việt Nam trường tồn, xán lạn hơn trong tương lai mà đã dành cả cuộc đời mình vì nghĩa lớn.
Nơi suối vàng, mong các vị được luôn ngậm cười và hộ phù cho con dân nước Việt.
Ngày 20/11/2020