Chính quyền Mỹ vừa quyết định ngừng tham gia thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, và đây là cơ hội để Trung Quốc khẳng định vai trò của mình.
Gần như tất cả các quốc gia đều phải thừa nhận rằng biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa thực sự với loài người. Vậy nên để xử lý nó đòi hỏi phải có những nỗ lực tập thể nhằm cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, và làm chậm lại sự ấm lên của Trái Đất.
Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump không cho rằng điều này là phù hợp với lợi ích của nước Mỹ nên hôm 1/6 đã quyết định ngừng tham gia thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Greenpeace chiếu hình ảnh tổng thống Donald Trump lên tường sứ quán Mỹ ở Berlin, Đức, để phản đối việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, ngày 02/06/2017 |
Như vậy, nền kinh tế phát thải nhiều nhất thế giới đã rời khỏi cuộc chơi đòi hỏi nhiều công sức bất chấp việc các đồng minh, đối tác và cả đối thủ của nước Mỹ vẫn giữ cam kết đến cùng.
Việc rút lui khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu không chỉ là chuyện nền kinh tế Mỹ sẽ được và mất gì với những ràng buộc quốc tế. Đó còn là việc Washington đã để lại khoảng trống về vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu, mà trước hết nó ảnh hưởng tới sinh mệnh tương lai của nhân loại.
Trật tự thế giới rất có thể sẽ được viết lại với việc Trung Quốc nắm lấy cơ hội này để xác lập các tiêu chuẩn thương mại và môi trường, cấp vốn cho các dự án hạ tầng. Cuối cùng là việc áp đặt ảnh hưởng lên toàn thế giới.
“Mỉa mai ở đây là mọi người lo lắng rằng Tổng thống Trump sẽ giúp sức cho người Nga. Nhưng thực tế ông ấy đã dọn đường cho Trung Quốc bước tới” – Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ quốc tế Mỹ, người từng được cân nhắc vào một vị trí cấp cao trong chính quyền Trump nhận xét.
Tuyên bố tại Vườn Hồng hôm 1/6 được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Trump từ chối khẳng định cam kết với các đồng minh NATO tại Brussels. Vài tháng trước, Mỹ cũng rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – thỏa thuận đa phương giúp Mỹ ở trung tâm của một cuộc canh tranh với nền kinh tế đang lên của Trung Quốc.
Bảo vệ quan điểm của mình, Tổng thống Trump cho rằng những người ủng hộ Hiệp định Paris đã nhìn nhận sai về nền tảng cơ bản về sức mạnh Mỹ: tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa: thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đã “tái phân bổ của cải của nước Mỹ cho các quốc gia khác”. Và Quỹ Khí hậu Xanh của Liên Hợp Quốc, trong đó có các khoản đóng góp của Mỹ, sẽ làm nghèo nước Mỹ.
“Sự rút lui của chúng ta khỏi thỏa thuận này sẽ tái khẳng định chủ quyền của nước Mỹ”, Tổng thống Donald Trump tuyên bố.
Nói ngắn gọn, quan điểm của Tổng thống Trump về bảo vệ quyền lực Mỹ khác xa với những người tiền nhiệm. Ví dụ: đề xuất cắt giảm đóng góp của Mỹ cho Liên Hợp Quốc và viện trợ nước ngoài dựa trên suy luận rằng lợi ích của nước Mỹ nằm ở sức mạnh kinh tế và quân sự.
Trong tầm nhìn chính sách của Trump, “quyền lực mềm” cụ thể là các khoản đầu tư cho đồng minh và các dự án toàn cầu chỉ làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ chứ không thêm vào. Và vì thế, bộ Ngoại giao bị Tổng thống Trump loại ra khỏi danh sách các cơ quan có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Trung Quốc đã sẵn sàng
Sẽ phải mất nhiều năm nữa mới thấy được tác động từ quyết định rút khỏi Hiệp định Paris của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cả về môi trường lẫn trật tự thế giới. Nó sẽ không thể khiến quan hệ với các đồng minh đổ vỡ: châu Âu khó có thể cắt đứt với Mỹ. Chỉ có điều, Trung Quốc – nhà sản xuất khí thải nhà kính lớn thứ hai thế giới sẽ có thể dễ dàng triển khai tham vọng của mình.
Hồi đầu năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho thấy ý định của mình khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ. Trong đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc ngụ ý chỉ có mình Trung Quốc là sẵn sàng để đảm nhận vai trò người thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu mà Washington đã làm kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
“Thỏa thuận Paris hiện thân cho điều gì ư? Trong một thế giới đứt gãy, cuối cùng cũng chỉ là những sự thỏa hiệp quốc tế, do hai nhà phát thải lớn nhất dẫn dắt. Trung Quốc và Mỹ phải cùng chung tay hành động”, Graham Allison, tác giả cuốn sách “Cuộc chiến định mệnh: Mỹ Trung có thoát khỏi cái bẫy Thucydides?” nói.
“Người ta trông đợi ở bạn điều gì? Đó là duy trì quan hệ với thế giới và giải quyết các vấn đề của các nước đồng minh: tăng trưởng kinh tế và môi trường, thay vì biến mất khỏi diễn đàn,” Allison phân tích.
Bằng chứng là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có mặt tại Brussels hôm thứ Năm để nói chuyện với các nhà lãnh đạo châu Âu về sự ấm lên của Trái Đất và các cam kết, bất chấp việc người đóng góp nhiều nhất vào tài khoản ô nhiễm đã rời đi.
Trung Quốc nhiều năm qua đã xem khả năng siết chặt hợp tác với châu Âu như một chiến lược cân bằng để đối đầu với Mỹ. Và vào lúc mà Tổng thống Trump đặt dấu hỏi vào nền tảng của NATO, Bắc Kinh đã có thể hy vọng kế hoạch của mình đạt được thành quả sớm hơn đã định.
Đó là đại dự án “Vành đai và Con đường” nơi mà Trung Quốc có thể áp đặt ảnh hưởng rộng khắp lục địa Á – Âu và sang cả châu Phi. Khi đó, Trung Quốc có thể thiết kế lại trật tự kinh tế, chiến lược toàn cầu./.
Theo VOV
2 comments
…Trước tiên nền kinh tế phát thải nhiều nhất thế giới là Trung Quốc không phải Mỹ ..Tổng thống Donald Trump đă nhiều lần bác bỏ sự thay đổi khí hậu do con người gây ra và gọi đó là trò "lừa đảo", "chơi khăm" của Trung Quốc nghĩ ra để buộc Mỹ cắt giảm sản xuất của Mỹ,..cho dù cả Thế Giới có ký kết vào thoả ước Paris bảo về khí hậu đi nữa thì thằng Tàu vẫn tiếp tục xả thán khí nhiều nhất Thế giới …phải tiết kiệm ngân quỹ để lo cho nước Mỹ trước đã , hàng xóm tính sau …
Những người ủng hộ việc rút khỏi Hiệp định Paris khác bao gồm nhà chiến lược gia Steve Bannon của Nhà Trắng, một nhóm nhỏ các công ty năng lượng nhỏ và các nhóm bảo thủ như Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh và Liên mình Năng lượng Hoa Kỳ. Có 56% đảng viên Cộng hòa muốn ông Trump rút khỏi thỏa thuận, theo một cuộc thăm dò hồi tháng trước của tờ Politico (Mỹ).
Trong thông cáo về quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, Tổng thống Trump giải thích những lý do chính như sau:
Bất công với Mỹ, có lợi cho Trung Quốc
Trong khi Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về bảo vệ môi trường nhưng các điều kiện đặt ra với nước này lại khắt khe nhất, còn nhiều nước gây ô nhiễm lớn khác được thả lỏng theo lộ trình.
Tổng thống Trump đưa ví dụ: “Trung Quốc sẽ có thể tăng khí thải trong 13 năm. Họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn trong 13 năm. Không phải Mỹ. Còn Ấn Độ đang nhận được hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài từ các nước phát triển. Có rất nhiều ví dụ khác. Nhưng từ bản chất, Hiệp định Paris rất bất công, ở mức cao nhất, là đối với Mỹ”.
Tổng thống Trump cho biết trong khi Mỹ phát triển các loại than sạch nhưng nếu tuân thủ hiệp định Paris thì sẽ không được mở thêm nhà máy than. Trong khi Trung Quốc được phép xây dựng thêm hàng trăm nhà máy than, và Ấn Độ được phép tăng gấp đôi sản lượng than vào năm 2020.
Ông nói: “Phần còn lại của thế giới vỗ tay khi chúng ta ký Hiệp định Paris. Họ vui mừng đơn giản vì họ được lợi còn Mỹ thì bất lợi”. Theo Hiệp hội Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, hiệp định Paris khiến Mỹ mất 2,7 triệu việc làm đến năm 2025…
Tổng thống Trump nhấn mạnh Hiệp định Paris giúp chuyển công việc từ Mỹ sang các nước khác. Về thực chất, ông Trump cho rằng đó không phải là hiệp định về khí hậu mà là giúp các nước khác có được lợi thế hơn Mỹ…
Ông Trump còn cho biết: “ Thật ra, Trung Quốc chỉ cần thải khí CO2 trong 14 ngày là xóa hết những nỗ lực của Mỹ”.
Vào năm 2013, Trung Quốc đã thải 9,2 ngàn tấn CO2 trong một năm.
Cuối cùng, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Công việc tổng thống của tôi là làm mọi cách trong phạm vi quyền lực của mình để giúp nước Mỹ có được một sân chơi công bằng và tạo ra các cấu trúc kinh tế, giúp Mỹ trở thành một quốc gia năng suất và thịnh vượng nhất trên Trái Đất, với tiêu chuẩn cuộc sống cao nhất và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cao nhất”. Ông nói thêm: “Tôi được bầu để đại diện cho người dân Mỹ, chứ không phải đại diện cho Paris”…
( Thanh Long )