Việt Nam Thời Báo

Rút thẻ Nhà báo Mai Phan Lợi: Ai mới là kền kền?

Hôm trước thấy một số cơ quan thông tấn nước ngoài đăng tải thông tin về việc Nhà báo Mai Phan Lợi (báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh; Admin của Diễn đàn Nhà báo trẻ) bị tịch thu thẻ Nhà báo vì lý do “ông Mai Phan Lợi đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam; gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sĩ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo”. Tôi không vào được Diễn đàn Nhà báo trẻ để xem cụ thể ông Mai Phan Lợi đã làm cái gì khiến người ta bức xúc dữ vậy. Tìm hiểu thông tin mới biết, ông Mai Phan Lợi tiến hành một cuộc thăm dò trên Facebook về việc máy bay CASA Việt Nam gặp nạn thời gian qua.

Hình minh họa – Phó tham mưu Quân chủng phòng không Đỗ Đức Minh (phải) đứng trước máy bay tìm kiếm cứu hộ CASA 212 trong cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia Airlines MH370 bị mất tích năm 2014. Chiếc máy bay CASA-212 vừa bị rơi thuộc về lực lượng cứu hộ cứu nạn quốc gia Việt Nam.

Không ngờ chỉ trong vài ba ngày, thông tin không dừng ở đó. Một số tờ báo đua nhau đăng các bài phân tích, nhận định, bình luận liên quan đến vụ việc này với nhiều lời lẽ rất khó có thể chấp nhận. Ấy thế mà nó vẫn được đăng tải đều đều. Ông nhà báo Mai Phan Lợi nào đó, có lẽ đau đớn vì lỡ dại mà bị tịch thu thẻ Nhà báo thì ít, mà khốn cùng vì bị những tờ báo mạng tấn công như thể chính ông là người làm vỡ máy bay CASA vậy.

Trước hết, tôi rất đồng tình với việc xử lý ông Lợi về việc thiếu sự nhạy bén, thiếu tính nhạy cảm trong việc khảo sát những vấn đề đang gây đau thương, mất mát của người dân và ngành quân đội. Đó liên quan đến tính nhân văn và đạo đức người cầm bút. Luật pháp tôi thấy không có gì sai liên quan đến hành động của ông, nhưng kỷ luật trong ngành thì nên có. Tuy nhiên tìm hiểu, tôi thấy khảo sát của ông Lợi có chút vấn đề. Ông để một phương án mở cho khảo sát, không ngoại trừ việc người khác có thể add (thêm) câu trả lời theo ý họ. Nên việc quy kết toàn bộ trách nhiệm với ông Lợi có lẽ cũng cần xem xét thêm, vì Facebook là một diễn đàn người ta có quyền được nói, được phát ngôn.
Thứ hai, tôi không đồng tình với việc nhiều người đã lên tiếng cho rằng ông Lợi làm báo kền kền. Tôi thấy có tờ báo Người đưa tin (do Hội luật gia Việt Nam quản lý), sau đó báo Đời sống Pháp luật dẫn đăng lại bài viết dưới tựa đề Lộ diện những kền kền song hành cùng Mai Phan Lợi nhờ cú poll ác ýtrong đó có câu kết luận “Ông Mai Phan Lợi – một nhà báo có tâm hồn kền kền”. Trong khi đó, tờ Petrotimes (do Hội Dầu Khí Việt Nam quản lý) cũng đăng tải hàng loạt bài viết, có phỏng vấn cả những người làm trong ngành công an, quân đội, giao thông vận tải… liên quan đến ông Lợi. Lời lẽ trong bài không hề nhẹ nhàng nếu không muốn nói mang tính công kích một cách thiếu thiện chí, điển hình như việc quy kết ông Lợi là nhà báo độc ác với những danh xưng thường chỉ dùng cho tội phạm.
Đọc qua có lẽ khó ai có thể hình dung đó là ngôn từ của một tờ báo vốn sống trong môi trường được kiểm duyệt thông tin gắt gao của Việt Nam. Thậm chí tờ Người đưa tin lại nằm trong sự quản lý của Hội luật gia – những người lẽ ra phải cầm cân nẩy mực bằng luật pháp, pháp lý chứ không phải bằng những nhận xét có tính cách hoàn toàn suy diễn và cảm tính, chạy theo vài ba dòng ý kiến vừa cố làm thỏa mãn dư luận, vừa tỏ ra cao thượng và có quyền phán xét. Phải chăng các tờ báo như Người đưa tin, hayĐời sống Pháp luật, hay thậm chí như báo Petrotimes đang dồn ông Lợi vào con đường thân bại danh liệt? Trong khi trên Facebook của nhiều người và trên một số tờ báo có cho biết ông Lợi đã lên tiếng xin lỗi, xóa ngay phần khảo sát và chấp nhận hình phạt rút thẻ nhà báo của mình.
Báo Người đưa tin và báo Đời sống Pháp luật có vẻ không sai khi nói “lộ diện những kền kền” sau vụ ông Lợi, trong đó có chính hai tờ báo này lẫn tờ báo Petrotimes, vốn danh thì ít mà tai tiếng về những cú giật tít gây sốc thì nhiều. Khái niệm kền kền, cá nhân tôi hiểu đó là những kẻ “dọn xác”, hay tận dụng thời khắc bất động của người khác để tấn công để thỏa mãn cá nhân (mở rộng ra không chỉ thỏa mãn vật chất và còn thỏa mãn hành vi, tinh thần). Những con kền kền đôi khi mượn áo của những con chim khác, những con thú khác, trông cao thượng và hiền lành, nhưng bản chất vẫn là những con kền kền.
Nếu như Người đưa tin và Đời sống Pháp luật mô tả hàm ý vụ tai nạn CASA là miếng mồi của ông Mai Phan Lợi (nhưng tôi không thấy là vậy sau khi ông hối lỗi, khắc phục hậu quả và chấp nhận hình phạt nặng) với mục đích có ác ý, thì chính ông Lợi lại trở thành miếng mồi cho một số kẻ cơ hội, nói cách khác chính là kền kền, đang ngày ngày lợi dụng danh nghĩa nhà báo trong nền báo chí Việt Nam. Tìm hiểu trên mạng thì thấy, search cái tên báo Người đưa tin, Đời sống Pháp luật, Petrotimes trên google mới thấy những tờ báo này cũng từng gây ra không ít bức xúc cho dư luận và bạn đọc, với những cái tít mà quan điểm cá nhân tôi là một bạn đọc, nó câu view trắng trợn đến lố bịch. Điển hình như trên có bài “Ông Chấn đang trở nên hẹp hòi” (có hướng công kích ông Chấn, người tù thế kỷ, bị tù oan suốt chục năm trời, thân tàn ma dại, gia đình tan nát). Trong bài gọi ông ấy bằng “người hùng” (trong ngoặc kép), gián tiếp ám chỉ số tiền vài tỷ đồng Việt Nam so với 10 năm tù oan là quá lớn,… cho thấy sự thiếu bản lĩnh và đánh giá sai bản chất vụ án và những thiệt hại mà ông Chấn gánh chịu. Đó là chưa kể đến bài viết về vụ chặt cây Hà Nội (đã bị xóa link gốc) khi lên tiếng đổ lỗi cho một nhóm người về việc xuống đường phản đối chính quyền Hà Nội đốn hạ hàng loạt cây xanh. Có những nhận định phải dùng đến cái danh “hiện tượng Petrotimes”, không phải nhấn mạnh hàm ý tốt, mà mỉa mai cho cách làm báo với quan điểm công kích không chuẩn của tờ này.
Một điểm nữa cá nhân tôi cho rằng là có vấn đề trong việc lập luận của cánh báo chí, cũng như quyền lên tiếng phát ngôn của những người không liên quan. Nhiều tờ báo của Việt Nam nói chung và tờ Petrotimes nói riêng trong vụ ông Mai Phan Lợi đang đánh lạc hướng dư luận bằng cách dẫn lời của một số người có uy tín, trong đó có cả những tiến sỹ (không cùng ngành báo chí), cấp hàm tướng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi cho rằng ông Lợi có quyền nói, dù cái ông nói khiến nhiều người bức xúc. Ở Mỹ hiện nay, ứng cử viên tổng thống Donald Trump vẫn đang gây sốc cho rất nhiều người bằng những phát ngôn mà dân chúng đánh giá là trịch thượng. Tuy nhiên điều ấy không có nghĩa là ai cũng có quyền phán xét ông ấy, ngay cả tòa án tối cao. Ông ấy có vi phạm điều gì làm mất lòng tin của người dân, thì người dân sẽ phán xét ông ấy bằng lá phiếu tín nhiệm.
Vụ ông Lợi cũng vậy, ông gây bức xúc và vi phạm quy định của ngành báo chí, thì chỉ có những người quản lý báo chí, bao gồm cơ quan quản lý của ông ấy và cơ quan báo chí cao hơn, mới có năng lực và quyền hạn định tội nặng nhẹ và phân xử. Những ông tiến sỹ A, ông tướng B nếu muốn cũng chỉ có thể thể hiện thái độ hay bức xúc cá nhân, không được nhân danh người dân, người nhà nạn nhân vụ CASA hay bất kỳ ai khác để phán xét tội của ông Lợi là nặng hay nhẹ. Cách dùng uy tín cá nhân một ai đó nhằm đạt được mục đích trong một cuộc tranh luận là hình thức ngụy biện rất phổ biến, và không nên đem ra sử dụng trong các diễn đàn tranh luận, đặc biệt là khi tranh luận xuất hiện trên các diễn đàn báo chí. Thời đại này sao lại có lắm người tự cho mình quyền phán xét người khác như vậy?
Theo VOA

Tin bài liên quan:

VNTB – Biểu tình “kéo lưới” ở Quốc lộ 1A Hà Tĩnh – Quảng Bình

Phan Thanh Hung

VNTB – Biếm họa cuối tuần: Đảng tài tình khiến Formosa thất thủ

Phan Thanh Hung

VNTB – Chernobyl, Silent Spring, và Formosa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.