Việt Nam Thời Báo

Sài Gòn: Nước cờ quy hoạch một đi không trở lại

thuongxatax

Việc phá hủy thương xá Tax dường như báo hiệu một chuỗi phá hủy tiếp nối để hình thành chuỗi cao ốc mới thay thế cho những tòa nhà thấp tầng ở khu trung tâm.
Khu vực trung tâm Sài Gòn đang đánh mất dần danh tính của mình. Nếu không lên tiếng, một ngày không xa Sài Gòn gốc tích không tồn tại. 300 năm hình thành cuối cùng chỉ còn lịch sử vài chục năm.
Lúc đó chúng ta sẽ được gì? Một Times Square như New York? Một Shinjuku như Tokyo? Một UB City như Bangalore? Chắc chắn cho dù có là gì đi nữa, nó cũng sẽ không còn là Sài Gòn vang bóng.
Không gian âm của những quảng trường
Xuất phát từ hội họa, không gian âm (negative space) là khái niệm không mới nhưng không phải kiến trúc sư nào cũng hiểu đúng giá trị của nó.
Trong kiến trúc có thể hiểu “không gian dương” là phần được xây, được quy hoạch, được trồng (nhà cửa, đường sá, cây cối…), còn “không gian âm” là những thứ chưa được tác động, là khoảng không, là vùng nền trời đằng xa. Một TP sầm uất nhiều cao ốc như New York chắc chắn sẽ khan hiếm không gian âm hơn một ngôi làng miền Bavaria.
Quảng trường (piazza, plaza, town square…) là chi tiết không thể thiếu của một đô thị ngay từ những ngày đầu của văn minh nhân loại. Khi bàn về quảng trường, chúng ta có thể chia ra hai dạng:
– Dạng truyền thống: Để tôn lên vị thế của không gian đô thị ngoài trời này, các tòa nhà xung quanh ngoài việc được xây dưới một giới hạn chiều cao nhất định còn phải tuân thủ thêm nhiều điều luật hơn bình thường (công năng, phong cách kiến trúc, chất liệu công trình…). Ở đây, không gian dương phải nhường chỗ cho không gian âm. Tỉ lệ không gian âm càng lớn, giá trị công cộng của quảng trường càng tăng. Để tạo điểm nhấn, những quảng trường thế này thường có một dinh thự hay một ngọn tháp là thứ duy nhất được xây cao có nhiệm vụ đánh dấu nơi chốn, có thể quan sát dễ dàng từ xa.
  
– Dạng hiện đại: Với những mô hình đô thị mang tính hiện đại, được phát triển khá muộn, việc có một khoảng không rộng lớn ngay trung tâm là điều không dễ. Tầm quan trọng của việc có một quảng trường làm nơi tụ họp cũng như đánh dấu tâm điểm của đô thị vẫn rất lớn, tuy nhiên vì mật độ xây cất cao, tỉ lệ không gian âm ở những nơi này tương đối thấp. Để giải quyết vấn đề này, những đô thị đó tận dụng khái niệm “vista”.
Vista có thể hiểu là tầm nhìn, là quan trục, là một đường thẳng định hình bởi những công trình xây dựng để hướng ánh mắt tới phần chân trời rộng mở phía xa. Vista được dùng để giải phóng tầm mắt khỏi không gian âm bị bó hẹp ở khuôn viên quảng trường và nối kết nó tới không gian âm rộng hơn bên ngoài quảng trường đó. Vista không phải là yếu tố mới, nó được tìm thấy ở hầu hết những quảng trường cổ điển ở dạng truyền thống nêu trên như Piazza San Pietro, Piazza del Campidoglio, Praça do Comércio, Red Square, Naqsh-e Jahan Maidan (maidan là một dạng quảng trường Hồi giáo)… Tuy nhiên, khi bước sang dạng đô thị hiện đại, vai trò của vista càng nổi bật.
Sài Gòn – TP của những quảng trường
Chúng ta dễ dàng nhận thấy Sài Gòn đã được quy hoạch để trở thành một đô thị của những hoạt động sầm uất và sôi động ngay từ thời Pháp thuộc. Đây có thể được coi là TP của những quảng trường. Chỉ xét riêng về khu vực trung tâm, dinh Norodom (đã bị phá hủy, nay là dinh Độc Lập do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế lại thời Việt Nam Cộng hòa) và con đường trước nó có thể coi là một quảng trường với vista khá rõ.
Nhà thờ Đức Bà và khu vực tượng Đức Mẹ tạo nên một quảng trường khác với một vista khác vuông góc với vista của Norodom và hướng thẳng đến sông Sài Gòn qua đường Đồng Khởi. Tòa Đô chính cùng khu công viên và vòng xoay trước nó tạo nên một quảng trường và một vista nằm trên trục đường Nguyễn Huệ và cũng tiến đến sông Sài Gòn.
Như vậy thì những quảng trường của trung tâm Sài Gòn là dạng truyền thống hay dạng hiện đại? Không gian âm lớn với tạo hình rõ rệt, vista mạnh, các tòa nhà xung quanh được xây với kích thước và độ cao xác định, tạo vị thế cho một công trình kiến trúc nổi bật làm điểm nhấn cho từng quảng trường, đây đích thị là phong cách quảng trường dạng truyền thống. Cùng với kiến trúc cổ điển đặc trưng đa phong cách (Gothic, Colonial, Beaux-Arts, Neoclassical…), quy hoạch của khu trung tâm này đã giúp tạo nên nét quyến rũ của TP trong lòng bất kỳ du khách nào.
  
Tuy nhiên, như đã đề cập, phong cách quảng trường dạng truyền thống sẽ bị vẩn đục và thất bại nếu có sự xuất hiện của cao ốc làm hỏng tạo hình không gian âm. Chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề hóc búa nếu cho phép nhà cao tầng xuất hiện gần những quảng trường này: Chỉ cần một cao ốc mọc lên, bố cục không gian âm kiểu truyền thống sẽ bị phá hủy, chúng ta chỉ còn có thể dựa vào vista làm giải pháp, mà như vậy có nghĩa là phải có thêm một loạt cao ốc khác mọc lên để định hình vista đó. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở một vài cao ốc lưa thưa thì khu vực đó chẳng phải kiểu truyền thống, cũng chẳng phải kiểu hiện đại mà sẽ lai tạp và như thế thì còn tệ hơn. Đây rõ ràng là nước cờ một đi không trở lại.
Ngay thời điểm này, dự án xây dựng cao ốc 40 tầng đang được rục rịch khởi công và nó sẽ thay thế vị trí thương xá Tax án ngữ trước quảng trường tòa Đô chính, nằm trên trục vista Nguyễn Huệ. Tòa nhà này chắc chắn sẽ góp phần phá hỏng không gian âm của cả khu vực và như đã nói ở trên, sẽ buộc phải khởi đầu cho một chuỗi những cao ốc khác sắp thay thế những tòa nhà thấp tầng gần đó. Trục Nguyễn Huệ từ lâu đã bắt đầu có những tòa cao ốc như Saigon Times Square, Palace Hotel, Sunwah Tower nhưng với vị trí nhạy cảm bên rìa quảng trường ngay giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ như của Tax thì rõ ràng khu vực này đang trên đà tiến tới một quảng trường kiểu hiện đại. Nghe có vẻ hay đấy nhưng có phải là điều nên làm?
Những khu vực quảng trường kiểu hiện đại đã nhắc đến có khuyết điểm chung là chúng thiếu giá trị cổ điển, do đó sự phát triển của cao ốc được dùng để bù đắp cho khiếm khuyết này (vista bù đắp cho không gian âm) Sài Gòn thì không như thế. Đây là nơi may mắn thừa hưởng rất nhiều yếu tố cổ điển, vốn là linh hồn của TP này. Việc thay thế những giá trị xưa quý báu bằng những hoạch định hiện đại mơ hồ khác nào thả mồi bắt bóng.
Chúng ta nên thật sự nghiêm túc khi cân nhắc giữa bảo tồn và phát triển để làm sao cho cả hai không xung đột lẫn nhau. Nhiều TP lớn của thế giới mặc dù phát triển chóng mặt nhưng kiến trúc cổ của họ vẫn được giữ gìn, là nhờ họ dịch chuyển trung tâm thương mại mới ra khỏi đô thị cũ, biến khu vực này thành “historic district” vừa tiện bảo tồn mà lại vừa thu hút du khách.
Điều này thì hiện nay Sài Gòn vẫn chưa làm được, cho dù lâu lâu lại có một dự án “đô thị mới” mọc lên. Những thiết kế cổ điển có giá trị cần được bảo tồn vẫn đang bị xâm hại một cách thiếu ý thức bởi những công trình mới, được dựng lên đơn giản vì nguồn lợi nhuận trước mắt mà không có sự suy xét lâu dài.
KTS VŨ QUANG DUY
Theo Pháp luật TP

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.