Cái bắt tay của tổng thống Mỹ Obama và chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 10-4 và cuộc hội kiến giữa hai ông sau đó đã được đánh giá là có tầm quan trọng lịch sử. Nó không phải chỉ báo hiệu sự bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau hơn một nửa thế kỷ thù địch.
Dân chúng hai nước đã không nhìn “biến cố lịch sử” này như nhau. Trong khi tại La Havana dân chúng xuống đường reo mừng một thời đại mới sắp bắt đầu và ca tụng sự sáng suốt của Raul Castro thì tại Mỹ dân chúng dửng dưng, trong chính giới Obama bị đả kích nhiều hơn là được tán thành. Những người đả kích tổng thống Obama không thiếu lý do. Họ nhắc lại rằng Raul Castro là người bảo thủ và giáo điều hắc ám nhất trong số các lãnh tụ lịch sử của Đảng Cộng Sản Cuba và một tội phạm theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là đã tổ chức và chỉ huy những cuộc hành quyết sơ sài những người bất đồng chính kiến. Đối với họ Raul Castro chỉ đã sáp lại với Mỹ trong tình trạng tuyệt vọng và nếu có bản lĩnh Obama có thể đòi được những nhượng bộ quan trọng hơn nhiều về nhân quyền. Nếu Obama hy vọng phục hồi phần nào uy tín đã xuống rất thấp của ông vì đã tranh thủ được Cuba thì ông đã thất bại.
Điều đặc sắc chính là ở chỗ ngay cả một người bảo thủ như Raul Castro cũng không còn chọn lựa nào khác. Trước hết nó có nghĩa là tiến trình đào thải của chế độ cộng sản Cuba không thể đảo ngược được và từ nay sẽ rất nhanh chóng vì đê đã vỡ. Đúng như thế. Chế độ Cuba sống chủ yếu nhờ viện trợ kinh tế của Nga và, trong những năm gần đây, Venezuela. Nhưng cả hai chế độ này đều đang suy sụp một cách bi đát. Mức sống của người Nga đã sút giảm quá một nửa vì cuộc phiêu lưu Ukraine trong khi chế độ dân túy Venezuela đang phá sản. Cả Nga lẫn Venezuela đều không có hy vọng hồi phục, cả hai đều là những chế độ thô bạo sống nhờ xuất khẩu dầu lửa nhưng giá dầu đã giảm quá 50% và sẽ còn giảm trong một thời gian rất dài với vai trò ngày càng quan trọng hơn của dầu đá phiến và sự trở lại thị trường dầu của Iran.
Sự cáo chung rất gần của chế độ cộng sản Cuba có nghĩa là chủ nghĩa cộng sản sẽ bị xóa bỏ khỏi châu Mỹ và trong bốn nước cộng sản sẽ chỉ còn lại ba: Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên. Trung Quốc lần này quả là trung tâm thế giới, nhưng của một thế giới nhỏ và ảm đạm: thế giới tàn dư cộng sản.
Tuy nhiên Trung Quốc chẳng bao lâu nữa, có thể trong một tương lai rất gần, cũng sẽ là trung tâm của một cơn bão lớn. Tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng Trung Quốc đang đứng bên bờ một cuộc khủng hoảng lớn, tất cả mọi chỉ số kinh tế đều đỏ rực. Nhưng kinh tế không phải là mối nguy lớn nhất của Trung Quốc. Sự tàn phá của môi trường còn kinh khủng hơn nhiều. Không khí không còn thở được nữa, các tỉnh có thể giao chiến, và trên thực tế đã nhiều lần giao chiến, để tranh giành những dòng sông khô cạn và ô nhiễm. Chênh lệch giầu nghèo lộ liễu một cách thách đố, các vùng không nhìn nhau như là thành phần của một quốc gia và đảng cộng sản không còn một lý tưởng chung nào, thậm chí ngay cả một ảo tưởng chung nào, để tồn tại.
Tình trạng Trung Quốc hiện nay còn bi đát hơn tình trạng của Liên Xô trong thập niên 1980. Lịch sử và làn sóng dân chủ thứ tư đang gia tốc. Chế độ cộng sản Việt Nam đang sống những ngày cuối của giai đoạn cuối. Những người cộng sản có đủ sáng suốt để tự cứu không?
(Tổ quốc)