Khánh An
VOA
Cư dân mạng xã hội cho biết dân làng Đồng Tâm thay nhau canh gác và chặn tất cả các lối ra vào làng, trong lúc vẫn giam giữ nhiều cảnh sát cơ động.
Ngày 18/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã không xuất hiện tại “điểm nóng” Đồng Tâm như mong đợi, sau khi dân làng tại đây thả 18 công an, khiến tình hình càng thêm “bùng nhùng” và “rối”, theo nhận xét của một nhà quan sát thời sự tại Việt Nam. Nhà báo-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cảnh báo nếu cứ theo đà này, người nông dân ở các nơi sẽ kéo về Hà Nội và đồng thời “phản ứng” tại địa phương.
Như thông tin các luật sư giữ vai trò trung gian giữa dân làng Đồng Tâm-Mỹ Đức và chính quyền Hà Nội đưa ra ngày 17/4, ông Nguyễn Đức Chung hứa sẽ đến gặp và thương thuyết với người dân vào ngày hôm sau (tức 18/4) sau khi nói chuyện với họ qua điện thoại của các luật sư.
Giải thích về sự vắng mặt của ông Chung ở Đồng Tâm, Luật sư Trần Vũ Hải viết trên Facebook vào ngày 18/4:
“Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà nội vừa gọi điện thoại cho tôi, nói rằng ông không hứa hẹn khi trao đổi điên thoại với một người dân xã Đồng Tâm, sẽ đến làm việc và đối thoại với dân Đồng Tâm trong ngày hôm nay và đề nghị tôi đính chính.
Tôn trọng ông Chung, tôi rút bỏ một stt [status] loan báo điều đó, mặc dù nhiều người dân và chính luật sư Luân Lê (việc trao đổi qua điện thoại di động của luật sư này) cũng nghe rõ câu chuyện trao đổi qua điện thoại, được bật loa”.
Trong khi báo chí Việt Nam hoàn toàn không đề cập tới “lời hứa” đến Đồng Tâm của ông Chung, một số người dân bày tỏ trên mạng xã hội rằng có lẽ sự việc đã “vượt ngoài tầm của ông Chung”.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng phân tích với VOA:
“Lý do đầu tiên, có thể trước đó ông Nguyễn Đức Chung có trao đổi với một người phụ nữ mà thường xuyên tiếp cơm cho số cảnh sát cơ động đã bị người dân Đồng Tâm bắt giam. Ông Chung có hỏi rằng ‘nếu tôi đến xã Đồng Tâm thì người dân liệu có bắt tôi không?’. Từ đó có thể thấy là bản thân ông Chung cũng sợ”.
“Thứ hai, tính không chính nghĩa của ông Chung thể hiện một cách hết sức lươn lẹo và lắt léo. Ban đầu thì muốn đến xã Đồng Tâm để đàm phán, nhưng sau đó ông Chung lại ra điều kiện, trả treo với nhân dân Đồng Tâm là nếu thả hết số cảnh sát cơ động đang bị giam, thì ông Chung với cho người dân Đồng Tâm thăm ông Kình. Còn nếu không thả thì không cho thăm ông Kình. Tôi thấy điều đó là bất nhẫn quá”.
“Còn một lý do nữa mà tôi nghĩ làm cho Nguyễn Đức Chung không dám đến xã Đồng Tâm thương thuyết, là vì ông ta thấy phía sau ông ta không ai dám chịu trách nhiệm cả. Việc này chắc chắn là đã báo cáo cho Bộ Chính trị, Nguyễn Phú Trọng và nhiều nhân vật rồi”.
VOA đã nhiều lần liên lạc để xác nhận thông tin với ông Nguyễn Đức Chung nhưng không nhận được hồi đáp.
Một số nhà quan sát tình hình thời sự Việt Nam nói sự vắng mặt của ông Chung ở Đồng Tâm không những không làm giảm nhiệt căng thẳng, mà còn khiến người dân càng thêm mất niềm tin vào chính quyền.
Giáo sư Tương Lai, một nhà nghiên cứu xã hội và cựu thành viên của nhóm tư vấn cho thủ tướng Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn với VOA ngày 17/4 đã dự báo sẽ có nhiều “lươn lẹo”, “mưu mẹo” xuất hiện tại Đồng Tâm. Nhưng ông cũng nhận định rằng người dân Đồng Tâm có “thừa kinh nghiệm” và “thừa cảnh giác” để đối phó.
Tiết lộ với VOA tối 18/4, LS. Trần Vũ Hải cho biết “Bà con chính thức có một cái đơn mời ông Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm làm việc”. LS. Trần Vũ Hải cũng xác nhận với VOA rằng người dân Đồng Tâm đã thả 18 cảnh sát cơ động ra và còn giam giữ 20 người.
Hình ảnh ‘con tin’ công an được cho là bị người dân Đồng Tâm giam giữ.
Vụ Đồng Tâm đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Nhiều người bày tỏ lo ngại về tình trạng sức khỏe của ông Lê Đình Kình (cụ Kình), 83 tuổi, người đại diện cho dân làng Đồng Tâm sau khi có tin ông phải nhập viện sau khi bị chính quyền “bắt cóc”.
Cập nhật tình trạng của cụ Kình, LS. Trần Vũ Hải cho VOA biết: “Cụ Kình hiện nay, theo như ông Chung nói, đang cần phải tiểu phẫu. Mà theo luật, việc này cần phải có sự đồng ý của gia đình để đảm bảo. Nhưng gia đình hiện nay có nói rằng chúng tôi hiện nay chưa ký được. Bởi vì khi ông ra khỏi nhà thì người lành lặn, nhưng khi bị bắt, mà theo họ là bị bắt cóc, thì cơ quan, đơn vị bắt cóc ông phải chịu trách nhiệm bởi vì chưa có lệnh [bắt]”.
Trên mạng xã hội, nhiều trí thức Việt Nam lên tiếng kêu gọi chính quyền Hà Nội hãy chấm dứt dùng bạo lực, bắt bớ hay truy ép người dân để tránh những “đổ vỡ khủng khiếp”.
TS. Phạm Chí Dũng nói: “Tôi e rằng nếu cứ tình hình như thế này thì mọi chuyện sẽ còn kéo dài lâu và sẽ giống như vết dầu loang lan ra các vùng, các tỉnh miền Bắc. Ngày hôm nay (18/4), đã có 200 người dân Bắc Giang kéo về Hà Nội để phản đối nạn trưng thu đất đai rồi. Tôi nghĩ trong những ngày tới sẽ có cả một làn sóng lớn người nông dân từ các tỉnh kéo về Hà Nội và đồng thời phản ứng ở tại địa phương của họ”.
Tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm đã kéo dài khoảng 10 năm nay. Người dân tố cáo lãnh đạo địa phương tham nhũng đất đai cũng như “nhập nhèm” trong việc đo đạc ranh giới giữa đất nông nghiệp và đất quốc phòng. Người dân đã khiếu kiện nhiều năm nhưng các cơ quan có trách nhiệm không đưa ra một kết luận rõ ràng.
Xô xát bắt đầu nổ ra ngày 15/4 khi chính quyền muốn giao 47 ha đất cho Viettel. Người dân Đồng Tâm đã bắt 38 cảnh sát cơ động nhốt vào nhà văn hóa địa phương sau khi chính quyền bắt những người đại diện dân làng. Ngày 18/4, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Thiếu tướng Bạch Thành Định nói đây là những hành vi “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và “cần phải xử lý nghiêm minh”.