Việt Hà
(RFA)
Sau vụ án Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, người bị cáo buộc tội làm trái quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng, chạy trốn khỏi Việt Nam từ nhiều tháng nay bất chấp lệnh truy nã quốc tế được Bộ Công An đưa ra, đã có thêm những quan chức khác có liên quan đến những cáo buộc tham nhũng tiếp tục chạy trốn ra nước ngoài. Có nhận định cho rằng sẽ còn nhiều quan chức khác tiếp tục chạy trốn và lý do một phần là ở quyết tâm chống tham nhũng của đảng không mạnh mẽ và những cơ chế, quy định sai pháp luật.
Ông Vũ Đình Duy (giữa) tại lễ ký bàn giao nhà máy xơ sợi Đình Vũ hôm 14/3/2014. |
Trong khoảng ba tháng qua đã có ít nhất ba đảng viên nắm giữ những chức vụ quan trọng trong đảng hoặc tổng công ty nhà nước chạy thoát ra nước ngoài bất chấp quá trình điều tra các cáo buộc tham nhũng đang được công an tiến hành. Những diến biến mới này đã làm dấy lên những lo ngại cho rằng sẽ có khả năng nhiều quan chức khác cũng sẽ chạy trốn trước khi có thể bị bắt để truy tố.
Nhà báo Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn nhận định:
Theo tôi trong thời gian tới sẽ còn nhiều người bỏ trốn nữa vì theo tin mới nhất thì trong tập đoàn dầu khí Việt Nam, những nhân vật cộm cán và nằm trong danh sách bị điều tra bởi công an lên đến 192 người. Như vậy là có ba người bị bắt, còn lại là 189 người. Vấn đề còn lại là ông Trọng phải xem là con số 189 người đó có bị hao hụt đi hay không và muốn không hao hụt thì ông phải làm cái gì?
Nuông chiều các doanh nghiệp nhà nước thì chuyện nó tham nhũng là hiển nhiên. Giờ ông lại bảo phải đánh bọn đó thì hiển nhiên là nó chạy.
– Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Liên quan đến tập đoàn dầu khí Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, cơ quan công an đã bắt giữ ba cựu quan chức thuộc tập đoàn này bao gồm cựu chủ tịch tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn, Trần Đức Chính, nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty điện lực dầu khí Việt Nam, và ông Trần Đức Minh, nguyên Giám đốc công ty cổ phần bọc ống dầu khi Việt Nam.
Ba quan chức bỏ trốn ra nước ngoài với lý do chữa bệnh hoặc đi học trong khi cơ quan điều tra bộ Công an đang tiến hành điều tra bao gồm ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu giang, người đã từng có thời làm Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam. Hai người còn lại là các ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí, Lê Chung Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty điện lực dầu khí Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn từ tháng 9 khi công an Việt Nam có lệnh bắt giam và truy tố ông này. Ngay sau khi phát hiện ông Thanh đã không còn ở trong nước, giới chức công an Việt Nam cho báo chí biết là đã có lệnh truy nã quốc tế đối với nhân vật này. Tuy nhiên đến giờ, cơ quan công an vẫn chưa có được thông tin về nơi lẩn trốn của ông Thanh trong khi ông Thanh vẫn tiếp tục gửi ra các hình ảnh và thông tin trên mạng cho thấy ông vẫn khỏe mạnh bình thường ở nước ngoài.
Không muốn làm chuột trong bình
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, những người bỏ trốn thành công đã trở thành những tiền lệ khiến những quan chức khác nằm trong diện bị điều tra sẽ tiếp tục chạy trốn:
Những nhân vật đã có tài sản ở miền đất hứa nào đó thì họ không muốn một chút nào là những con chuột bị nhốt trong vào bình của ông Nguyễn Phú Trọng. Thành thử họ phải tìm cách ra đi. Tôi nghĩ là họ ra đi giờ còn thuận lợi cho họ hơn trước đây vì có một lực lượng nào đó ngầm ẩn hậu thuẫn cho họ và rõ ràng trong suốt thời gian từ tháng 9 đến giờ, từ khi Trịnh Xuân Thanh ra đi mà ông Trọng không làm thế nào để lôi Trịnh Xuân Thanh về được. Đó cũng là bài học cho những nhân vật đang nằm trong tầm ngắm của công an.
Kể từ khi ông Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, giới chức Bộ Công An và cả Tổng Bí Thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần trấn an dân chúng rằng không sớm thì muộn ông Thanh cũng sẽ bị bắt vì đã có lệnh truy nã quốc tế.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở của đảng cộng sản tại Hà Nội ngày 06 tháng 10 năm 2016. AFP photo |
Tuy nhiên trong khi ông Thanh chưa bị bắt thì chỉ trong vòng khoảng 1 tháng qua đã có hai quan chức khác của Tập đoàn dầu khí cũng viện cớ xin ra nước ngoài chữa bệnh và ở lại luôn là ông Vũ Đình Duy và ông Lê Chung Dũng. Hai ông này đều bị nhận những cáo buộc tương tự như ông Thanh là đã cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm, gây thất thoát lãng phí vốn đầu tư. Ông Thanh bị cáo buộc là đã gây thất thoát đến khoảng ba,000 tỷ đồng từ thời ông còn làm ở Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên giám đốc Viện nghiên cứu phát triển đã giải thể và là thành viên của diễn đàn dân sự Việt Nam nhận định trách nhiệm chính phải thuộc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
Tôi nghĩ là ông Trọng lẽ ra phải tự trách ông. Ông là nguyên nhân của mọi nguyên nhân của những bọn tham nhũng như vậy mà nó phải chạy trốn ra nước ngoài. Ông là một người khăng khăng nhất ở trong đảng cộng sản Việt Nam nhất trong suốt mười mấy năm qua về chuyện phải giữ khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Mà giữ vai trò chủ đạo thì hiển nhiên ông phải nuông chiều các doanh nghiệp nhà nước. Nuông chiều các doanh nghiệp nhà nước thì chuyện nó tham nhũng là hiển nhiên. Giờ ông lại bảo phải đánh bọn đó thì hiển nhiên là nó chạy.
Chỉ thị 15 giúp đảng viên chạy trốn?
Kể từ sau tin ông Lê Chung Dũng bỏ trốn được báo chí loan rộng rãi vào hồi đầu tháng này, đã có những luồng ý kiến cho rằng những nhân vật chạy trốn, vốn là các đảng viên cộng sản đã thoát nhờ chỉ thị 15 của Bộ Chính trị. Đây là chỉ thị liên quan đến sự lãnh đạo của đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng.
Trong hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 diễn ra vào tháng ba năm nay, thiếu tướng công an Phan Anh Minh, PHó giám đốc Sở công an thành phố Hồ Chí Minh nói rằng lý do án tham nhũng được phát hiện ít là vì công an phải chấp hành chỉ thị 15. Ông nói ‘hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên’.
Với chỉ thị 15 là thực sự họ ngồi trên pháp luật… Dẫu là ông Trọng hay ông nào vi phạm pháp luật cũng phải bắt, chứ không phải là chỉ mấy ông đảng viên làng nhàng.
– Nhà báo Phạm Chí Dũng
Theo chỉ thị 15 được ban hành vào ngày 7 tháng 7 năm 2007 và được ký bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt… thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.
Chỉ thị này được cho là để thực hiện quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên theo tiến sĩ Nguyễn Quang A thì điều này cho thấy Đảng đã ở trên pháp luật:
Với chỉ thị 15 là thực sự họ ngồi trên pháp luật. Tôi nghĩ người dân Việt Nam phải lên tiếng phản đối chỉ thị đó. Dẫu là ông Trọng hay ông nào vi phạm pháp luật cũng phải bắt, chứ không phải là chỉ mấy ông đảng viên làng nhàng.
Nhà báo Phạm Chí Dũng thì cho rằng, việc công an đổ lỗi cho chỉ thị 15 chẳng qua chỉ là để trốn tránh trách nhiệm:
Nó là chỉ thị của đảng và nó cũng chẳng liên quan gì lắm tới chuyện tư pháp. Nó có lý do thế này. Tôi có cảm giác là một số cơ quan tư pháp, bên công an họ không muốn làm thành thử họ đẩy cho chỉ thị 15 mà thôi. Thực ra trước đây người dân cũng chẳng biết chỉ thị 15 là gì và chỉ từ khoảng tháng ba vừa qua thì người dân mới biết là có chỉ thị và nó ràng buộc phần nào đó tới các cơ quan đảng trong việc điều tra.
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng thì cơ quan công an vẫn có thể cấm một số nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ra nước ngoài vì lý do an ninh hết sức mù mờ thì cũng có thể ngăn cản những quan chức tham nhũng trốn đi nước ngoài với lý do tương tự.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, chỉ thị 15 giúp bảo vệ bộ mặt của đảng cộng sản cho nên việc bắt giữ nhiều đảng viên tham nhũng sẽ làm hỏng hình ảnh của đảng.