Sớm sửa điều 60 Luật bảo hiểm xã hội hay lại bị biểu tình? |
Năm 2014 thật ra chưa nổ tung khi con sóng biểu tình thật ra vẫn lặng nín, cũng là khi không một quan chức có trách nhiệm nào đủ can đảm để công khai thừa nhận tính bất khả chấp nhận của cơ chế không cho nhận trợ cấp BHXH một lần trong Luật BHXH 2014.
Chỉ với tinh thần “nước đến chân mới nhảy” bất di bất dịch trong hệ thống chính trị VN, rất thường là chỉ đến lúc giới công nhân đồng loạt phản ứng dữ dội vào năm 2015, 500 đại biểu quốc hội và 200 ủy viên trung ương mới giật mình lo sợ “tình hình sẽ diễn biến phức tạp”.
Lại dối trá?
Cuộc đình công của gần 90.000 công nhân tại Công ty Pou Yuen, Sài Gòn vào cuối tháng 3/2015 phản đối điều 60 Luật BHXH là hình ảnh “phức tạp” chưa từng có, quy mô chưa từng thấy, cũng là lần đầu tiên không phải công nhân phản đối doanh nghiệp và phản ứng quyết liệt mang tính đối đầu với chính sách nhà nước.
Đó chính là nguồn cơn để chỉ ít ngày sau khi cuộc đình công trên nổ ra, Bộ Lao động, thương binh và Xã hội và chính quyền TP.HCM mới buộc phải có động tác thỏa hiệp tạm thời với công nhân bằng hứa hẹn “sẽ lắng nghe tất cả kiến nghị” và “sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có những chính sách sao cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi chính đáng, tốt nhất cho người lao động”.
Sau đó và như một “phép màu”, phía Chính phủ phát ra kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh điều 60 của Luật BHXH theo hướng trước mắt cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng như quy định của Luật BHXH năm 2006.
Thế nhưng vào sát thời điểm diễn ra kỳ họp quốc hội tháng 5/2015, hứa hẹn của Chính phủ bắt đầu phảng phất hương vị trốn nợ. Trên mặt báo chí nhà nước xuất hiện hàng loạt bài viết trấn an giới công nhân theo cách “Luật BHXH 2014 là tối ưu về chính sách an sinh” hay “lĩnh trợ cấp một lần rồi sau này sống bằng gì?”.
Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng LĐTBXH – là người nhiệt tình nhất trong việc cố thủ điều 60 Luật BHXH. Bà Chuyền cũng là nhân vật bị rất nhiều dư luận trong và ngoài nước xem là tiêu biểu cho “dối trá” khi liên tục báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp ở VN chỉ khoảng 2% trong những năm qua, trong lúc chính một quan chức có trách nhiệm của VN phải công khai thừa nhận “thêm số 0 sau 2% vẫn đúng”.
Tính ngụy biện cố hữu cho điều 60 Luật BHXH ngày càng lộ liễu: bất chấp công tác “vận động, giải thích cho công nhân” được triển khai mạnh mẽ và ồ ạt theo vết mòn tuyên giáo, giới quan chức thậm quan liêu và xa dân ở VN vẫn tuyệt đối né tránh hai kịch bản:
1. Liệu ngân sách và quỹ BHXH còn đủ tiền để trả lương hưu cho người lao động trong những năm tới?
2. Ai dám cam kết là đồng tiền VN sẽ không bị mất giá thảm hại trong tương lai gần?
Dấu hiệu kiệt quệ ngân sách
Trong lúc giới quan chức vẫn trượt dài trên cung đường trốn chạy những câu hỏi quá khó giải đáp về hậu chế độ an sinh công nhân, một khảo sát của những tổ chức xã hội dân sự độc lập ở VN đã dẫn đến lời sơ kết mang tính bác bỏ: nếu không được lãnh bảo hiểm xã hội một lần, nhiều khả năng công nhân sẽ phải tiếp nhận đồng tiền VN mất giá trong thời buổi kinh tế suy thoái tràn ngập.
Một nguyên do khác mà công nhân không thể bỏ qua là tình hình nguy ngập của ngân sách nhà nước đã dẫn đến nhiều dấu hiệu và tin đồn đoán về khả năng “quỹ bảo hiểm xã hội sẽ vỡ”, tức không còn tiền để chi trả trợ cấp BHXH cho người lao động nghỉ hưu. Theo nhiều chuyên gia, khả năng này là có thực và sẽ xảy ra không phải đến năm 2025 mà chỉ trong ít năm tới.
Vào đầu năm 2014, lần đầu tiên “người lèo lái con thuyền kinh tế” – như biệt danh mà Thủ tướng Úc Tony Abbott dành tặng cho ông Nguyễn Tấn Dũng – đã phải “xin” Quốc hội cho nâng trần bội chi ngân sách từ 4,7% lên 5,3%. Giai đoạn 8 năm ông Dũng nắm quyền lại là thời gian ngân sách bị chi xài lãng phí nhất và phát sinh đủ thứ tiêu cực, tham nhũng cùng các nhóm lợi ích hoành hành. Hoàn toàn không khó hiểu khi cho đến nay tình trạng ngân sách đã thâm thủng đến mức không còn đủ tiền để nâng lương cho cán bộ công chức.
Nếu trong ít nhất 2 năm qua, ngay cả 3 triệu cán bộ công chức nhà nước còn chưa được bổ túc lương trước đà leo thang chóng mặt của vật giá thị trường, không có gì chắc chắn 5 triệu công nhân VN sẽ được tôn trọng như “đội tiên phong của đảng”.
Cho dù Luật BHXH có được sửa lại như cũ, tức cho người lao động được lãnh trợ cấp BHXH một lần, ngân sách nhà nước cũng quá khó có đủ tiền trang trải cho khoản mục này.
Phải vay cả quỹ dự trữ ngoại hối
Vào tháng 4/2015, nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ VN đã đề ra một nhiệm vụ mang tính thống thiết: yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước để “bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia”.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên từ nhiều năm qua, đặc biệt là từ đầu năm 2011 khi chính sách tài chính tiền tệ bị co thắt đột ngột, cơ quan chính phủ phải cầu cứu tới biện pháp dùng quỹ dự trữ ngoại hối để bù đắp tình trạng thiếu hụt trầm trọng của ngân sách.
Dự trữ ngoại hối vẫn được Ngân hàng nhà nước và Chính phủ xem là một niềm tự hào của nền tài chính VN nhằm phục vụ cho mục tiêu chống lạm phát và khủng hoảng kinh tế, với con số đã đạt đến 34 tỷ USD trong thời buổi suy thoái kinh tế quá ư trầm trọng.
Tuy nhiên, nghịch lý quá lớn là trong khi Ngân hàng nhà nước quá thu vén việc tích lũy ngoại tệ, ngân sách lại cạn kiệt rất nhanh. Trong khi đó, quốc nạn tham nhũng và chi tiêu công ồ ạt vẫn không hề thuyên giảm. Ngay cả những tỉnh nghèo phải xin gạo cứu đói như Phú Yên, Khánh Hòa, Hà Giang… vẫn không ngớt mọc lên các công trình xây trụ sở công quyền ngàn tỷ….
Trước đề xuất “dùng ngoại hối bù ngân sách” của phía chính phủ, ngay lập tức hàng loạt dư luận và giới chuyên gia đã lên tiếng phản bác.
Răn đe và trấn áp thay cho sửa luật?
Một vụ việc khác – hầu như chưa có tiền lệ – đã xảy ra: trong Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ tháng 3-2015, cơ quan chịu trách nhiệm về hành pháp này đã bổ sung lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tham gia Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Việc bổ sung trên được tiết lộ “dựa theo đề nghị của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam”.
Có thể hiểu nguồn cơn nào đã dẫn đến bản nghị quyết kỳ lạ trên. Vào lúc 90.000 công nhân doanh nghiệp PouYuen biểu tình phản đối quyết liệt, hàng ngàn cảnh sát, an ninh, dân phòng cùng nhiều tổ chức chính trị được huy động đến hiện trường để “ngăn chặn”.
Ngay sau khi cuộc đình công từ Pou Yuen lan ra một số tỉnh, trên mạng đã xuất hiện một số tin tức cho rằng Sở LĐTBXH Tiền Giang đề nghị cơ quan công an địa phương này bắt giữ khoảng 100 công nhân “xách động” và lôi ra truy tố theo điều 245 về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Rõ ràng nỗi lo sợ khôn nguôi về “diễn biến hòa bình” trong công nhân đã kéo đến việc Chính phủ vội vàng bổ sung Bộ quốc phòng và Bộ công an vào Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nhưng lại quá khó để cho rằng hai bộ trên sẽ giúp cho Bảo hiểm xã hội VN bảo đảm chi trả trợ cấp cho công nhân, vì đó hoàn toàn không phải là chức năng nhiệm vụ của những bộ này. Lý do còn lại dễ hiểu hơn nhiều là vai trò của Bộ QP và Bộ CA trong tổ chức BHXH có hàm ý như một sự răn đe hoặc sẵn sàng trấn áp đối với bất kỳ một cuộc đình công, biểu thị hay biểu tình nào từ phía công nhân, thay vì theo tinh thần đối thoại mà các cơ quan tuyên giáo VN vẫn ra rả chỉ nói không làm.
Việc bổ sung trên cũng là một bằng chứng sống động cho thấy Chính phủ đã tự giảm bớt đáng kể “thành tâm” khi tuôn ra những hứa hẹn với công nhân về đề xuất sửa Luật BHXH.
Cho dù vào ngày 21/5, Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội đã “nhất trí tán thành với đề xuất của Chính phủ và trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia Bảo hiểm xã hội”, song với những thao tác ngược dòng của Bộ LĐTBXH cùng các cơ quan liên quan, chưa có gì chắc chắn là Luật BHXH sẽ sớm được sửa, hay sẽ không diễn ra tình trạng bắt bớ những công nhân tổ chức đình công.
Hậu quả đương nhiên là nếu Luật BHXH không được sớm sửa đổi và công nhân không thể nhận trợ cấp BHXH một lần, trong đó đương nhiên phải bỏ quy định phi lý về việc người đóng BHXH dưới 20 năm mới được nhận trợ cấp một lần, rất nhiều cuộc đình công và biểu tình của lớp người dưới đáy xã hội này sẽ tái bùng phát và còn ghê gớm hơn nhiều ở các địa phương VN trong những tháng còn lại của năm 2015.