Trên Dân Luận cũng đăng lại bài viết “Cánh cò – Khoảng cách của sự ngạo mạn” đề cập đến tượng đài này. Xin trích: “Hình thức chính của tượng là chân dung của bà Nguyễn Thị Thứ, bà mẹ Anh hùng của 11 con cháu đã hy sinh..”. Chi tiết hơn về bà Nguyễn Thị Thứ, Wikipedia cho biết:”Bà có chồng, 9 người con trai, 1 con rể[1] và 2 cháu ngoại[2] là liệt sĩ…”. Bài viết sau là sự chia sẻ cảm nghĩ của tôi về tượng đài nói trên.
Với tâm tình của một người Việt Nam có gia đình, con cháu, tôi thấy bà Nguyễn Thị Thứ là một bà mẹ Việt Nam vô cùng đáng thương. Tôi kính trọng niềm đau và sự mất mát của bà và tôi thấy danh hiệu “anh hùng” mà người ta gán ghép cho bà chẳng những không thích hợp mà còn là một sự xúc phạm nặng nề đến phẩm cách và niềm đau của bà.
Thật vậy, bất kỳ ai trong chúng ta nếu có gia đình, con cái, đều biết một cách rõ ràng và thâm sâu về tình yêu vô bờ mà người cha, người mẹ dành cho con của họ. Đặc biệt trong hoàn cảnh góa bụa của bà Thứ khi một mình phải bương trải để nuôi dưỡng, bao bọc 9 đứa con không có sự giúp đỡ của người chồng.
Bất cứ bà mẹ nào trên thế giới lại không cuống quít lo âu khi thấy con mình lỡ bị dao cắt tay, chảy máu. Bất cứ người mẹ nào không thức thâu đêm suốt tháng khi con đau đớn nằm rên siết trong cơn bệnh. Có bà mẹ nào có thể ngủ ngon khi biết con mình đang trên đường đi đến chiến trường, mà phần sống thì ít mà phần chết thì nhiều! Chỉ những tai nạn tầm thường xẩy ra cho con, là trái tim người mẹ đã quặn đau, tấm lòng đã âu lo, kinh sợ… Nói chi khi những người con đi vào cõi chết!
Nỗi đau sẽ lớn đến thế nào nếu ta có một người con bị chết trong tuổi thanh xuân. Càng khủng khiếp hơn khi con mình chết trong đau đớn. Và kinh sợ nhường nào khi con mình bị giết chết bởi những viên đạn thù, những mũi lưỡi lê thấu tim hoặc những đòn tra tấn man rợ!
Bà Nguyễn Thị Thứ cũng như muôn vàn bà mẹ khác trên thế giới. Tôi chắc chắn rằng không bao giờ bà muốn bất cứ người con nào của bà bị đứt tay chảy máu vì một con dao nhỏ chứ đừng nói đến đứa con ấy bị người ta giết chết bằng súng, bằng lựu đạn, bằng bom!
Nhưng việc ấy đã xẩy ra. Không phải với một đứa mà với cả một đàn con 9 đứa. Tôi dám chắc rằng nếu điều ấy xẩy ra cho bất kỳ ai trong chúng ta, chúng ta sẽ phát điên, hoặc ít nhất sẽ bị tâm thần, không thể bất nhân đến mức thấy một đứa con bị giết, lại tiếp tục đẩy đứa thứ hai ra đi, để rồi lại bị giết! Cứ như vậy lập đi lập lại đến 8 lần trong cuộc đời khốn khổ.
Tôi hoàn toàn không tin bà muốn như vậy. Rõ ràng là bà phải chịu như vậy. Phải ngậm đắng nuốt cay mà chịu như vậy. Phải tan nát con tim mà chịu như vậy!
Câu hỏi đặt ra là: Chính những đứa con đã tự ý hay có bộ máy nào đã xúi bẩy những đứa con quay mặt với nỗi đau của bà? Quyền lực nào đã cướp trên tay bà những đứa con bà yêu dấu hơn chính bản thân? Đây không chỉ là sự mất mát mà còn là nỗi kinh hoàng, là sự tuyệt vọng và sau đó sẽ là sự thống hối, kể từ khi đứa con đầu tiên vừa kêu hai tiếng “Mẹ Ơi” vừa ôm ngực gục xuống, cùng giòng máu phọt ra từ trái tim luôn thổn thức vì muốn về với mẹ!
Khi cuộc chiến tàn. Khi người ta chiến thắng. Khi người ta nghênh ngang. Người ta hãnh tiến. Thì người ta đồng hóa lòng chơn chất với sự hãnh tiến. Đồng hóa sự khổ đau với khoái cảm. Người ta phong cho bà danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh Hùng”. Đây là một sự biển lận. Người ta đánh tráo từ ngữ “thương yêu” bằng từ ngữ “anh hùng”. Thật sự trên thế giới này chẳng có bà mẹ nào là anh hùng. Cái có của người Mẹ là trái tim. Là tình yêu bao la. Anh hùng không bao giờ nằm trong trái tim người mẹ. Anh hùng gì khi con mình bị giết? Anh hùng gì khi không thể cứu được 9 đứa con do mình đứt ruột đẻ ra? Đáng lý ra người ta phải biết cúi đầu kính trọng niềm đau của bà. Người ta phải biết xấu hổ vì đã gây cho bà những mất mát quá sức chịu đựng của một người mẹ. Người ta phải quỳ gối để cầu xin bà một sự tha thứ vì đã lạm dụng quá mức sự cam chịu của những bà mẹ và của toàn dân tộc.
Nhưng người ta không làm thế, mà làm ngược lại. Người ta muốn tiếp tục khai thác sự khổ đau của bà để được thêm phần hãnh tiến. Người ta dựng tượng bà lên để cả thế giới thấy được cái chiến thắng huy hoàng của họ (thực ra thế giới chỉ thấy được sự hiếu sát ghê rợn nơi họ). Người ta dựng tượng bà lên để cơn thống khoái của sự chiến thắng được lên tột đỉnh của thống khoái!
Thật không còn gì dã man và vô luân hơn việc dùng niềm đau và sự mất mát của những người mẹ làm bậc thang để leo lên cao, cho người đời biết mặt nhớ tên ta là kẻ anh hùng! Đó là lý do tại sao người ta lại phong tặng cho bà danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh Hùng”. Đó là lý do người ta xây tượng đài to đùng cho mẹ. Ừ, từ nay, những người dư tiền thừa của có thể cưỡi ngựa xem hoa để trầm trồ trước cái tượng đài đồ sộ. Mà trầm trồ cái gì chứ? Trầm trồ nỗi mất mát, sự đau khổ, lòng hối tiếc của một bà mẹ chăng? Ôi, đổi mạng 9 người con để lấy cái tiếng trầm trồ đó? Đây rõ ràng là một trò biển lận. Một trò chơi chữ của những tay làm bạc giả. Tượng đài này cổ võ cho lòng hiếu sát, tính anh hùng (rởm) – Nó còn man rợ hơn những tiếng reo hò cổ vũ trong các cuộc hội chọi trâu, hay các cuộc cá độ đá gà vì những bà mẹ và những người con bị giết là những con người. Nó đã làm nhục các bà mẹ của hơn 3 triệu thanh niên hai miền Nam Bắc đã gục xuống trong cuộc nội chiến tương tàn bằng võ khí Tầu, Nga, Mỹ…
Tôi xin thành kính thắp nén hương lòng dâng lên anh linh bà Nguyễn Thị Thứ và tất cả những bà mẹ của các chiến sĩ Nam – Bắc đã hy sinh trong cuộc chiến tương tàn này. Tất cả chúng ta là nạn nhân của cộng sản – chính đảng CSVN đã châm ngòi phát động và giành chiến thắng bằng mọi giá trong cuộc nội chiến tang thương mà dân tộc Việt Nam chúng ta phải chịu đựng.
Bây giờ thì bà Nguyễn Thị Thứ đã gặp 9 người con của bà bên kia thế giới. Tôi chắc là bà và các con đang thảnh thơi nơi chốn vĩnh hằng. Không thù hận. không tiếc nuối, mà cũng không hãnh diện không tự hào vì đã góp phần trong cuộc chém giết kinh hoàng đã xẩy ra.
Cầu mong sao cho những người đã gây ra những trầm luân cho bà Nguyễn Thị thứ, cho tất cả những bà mẹ Việt Nam mất con, và cho cả dân tộc, biết quì xuống để xin sự tha thứ.
(Theo Dân Luận)