Việt Nam Thời Báo

Tại sao Bắc Kinh tuyên bố nhà đầu tư tỷ phú George Soros là “kẻ thù của nhân dân Trung Quốc”

He Qinglian

George Soros tại Viện Tư Duy Kinh Tế Mới (New Economic Thinking - INET) ở Paris ngày 9 tháng 4, 2015. (Eric Piermont/AFP/Getty Images)
George Soros tại Viện Tư Duy Kinh Tế Mới (New Economic Thinking – INET) ở Paris ngày 9 tháng 4, 2015. (Eric Piermont/AFP/Getty Images)

Gần đây, nhà đầu tư tỷ phú và nhà từ thiện George Soros, Chủ tịch điều hành Quỹ Soros, một lần nữa trở thành mục tiêu phỉ báng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc, với những lời bình luận công bố chính thức tấn công ông trên các phương tiện truyền thông của nhà nước bằng cả tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Tờ Nhân dân Nhật báo đăng một bài viết trên trang nhất phiên bản hải ngoại với tựa đề “Tuyên bố chiến tranh với đồng tiền của Trung Quốc? Ha ha.” Bài báo tuyên bố rằng cuộc chiến của Soros với đồng nhân dân tệ và đồng đô la Hồng Kông không có khả năng thành công, cho rằng Soros đang thực hiện một âm mưu bán khống nước Trung Quốc. Rõ ràng Soros không phải là người duy nhất nói về sự hạ cánh khó khăn của nền kinh tế của Trung Quốc – nhưng vì sao chính quyền Trung Quốc chọn ông ta là “kẻ thù của nhân dân Trung Quốc?”

Hạ cánh cứng là không thể tránh khỏi

Soros đã nói gì tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos để khiến chính quyền Trung Quốc ghét ông như vậy? Soros đã đưa ra ba nhận xét chính:

Thứ nhất, ông nói rằng thế giới đang lặp lại cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, nhưng hiện nay nguyên nhân gốc rễ là Trung Quốc, chứ không phải là Hoa Kỳ, và do đó hai cuộc khủng hoảng này hoàn toàn không tương đồng.

Thứ hai, ông nói rằng lần này cuộc khủng hoảng bị gây ra bởi tình trạng giảm phát và khoản nợ quá hạn của nền kinh tế Trung Quốc, và rằng việc hạ cánh cứng (hard landing) là thực tế không thể tránh khỏi, mặc dù Trung Quốc chắc chắn có thể tiếp tục quá trình sai lầm này hai hoặc ba năm nữa trước khi nó xảy ra.

Thứ ba, Soros khẳng định rằng Trung Quốc có thể quản lý hạ cánh cứng vì họ có quyền hạn lớn hơn trong việc sử dụng các chính sách so với hầu hết các nước khác với hơn 3 nghìn tỷ đôla dự trữ.

Không có gì sai với điểm đầu tiên. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những vấn đề nghiêm trọng chủ yếu nằm trong nền kinh tế ảo; nền kinh tế thực vẫn còn nguyên vẹn, và Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu thế giới về nghiên cứu và công nghệ. Giáo dục vẫn là một ngành công nghiệp lớn tại Hoa Kỳ, và không có vấn đề nào với môi trường thể chế của nó. Những sự thật này làm cho tình hình hoàn toàn khác với những gì hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt, nơi có rất nhiều khó khăn trong nền kinh tế thực, chẳng hạn như một cơ cấu kinh tế kém, quá tải nghiêm trọng trong hàng chục ngành công nghiệp, những làn sóng phá sản, thiếu sự đổi mới công nghệ và v.v.. Những vấn đề này đã được các chuyên gia kinh tế và chính phủ Trung Quốc thừa nhận. Vì vậy, những gì Soros nói về cuộc khủng hoảng của Trung Quốc không thể được so sánh với cuộc khủng hoảng năm 2008 thực tế là một tuyên bố rất chính xác.

Điểm thứ hai về tỷ lệ nợ và nợ quá hạn của Trung Quốc là sự nhận thức chung của cộng đồng đầu tư quốc tế và lĩnh vực ngân hàng. Ban tham mưu chính thức của Trung Quốc, Học viện Khoa học Xã hội (CASS), cũng giữ quan điểm tương tự, và sự khác biệt duy nhất là mức tỷ lệ nợ. Trong tháng 7 năm 2015 CASS ban hành báo cáo cân đối quốc gia 2015. Bản báo cáo nói rằng tổng số nợ của nền kinh tế của Trung Quốc (bao gồm cả các tổ chức tài chính) vào cuối năm 2014 là 150,03 tỷ nhân dân tệ, hay 235,7 phần trăm của GDP, tăng từ 170 phần trăm của năm 2008.

Việc dự đoán liệu sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc có gây ra tình trạng giảm phát hay lạm phát toàn cầu hay không giống như tung một đồng xu. Một vài năm trước, các nhà kinh tế Trung Quốc dự báo giảm phát, nhưng hóa ra là lạm phát. Soros hiện đang bị buộc tội “bán khống Trung Quốc” chỉ đơn giản với dự đoán “giảm phát”, điều chắc chắn là không công bằng.

Điểm thứ ba, “hạ cánh cứng”, không phù hợp với kế hoạch tuyên truyền của Bắc Kinh. Tuy nhiên phần còn lại của nhận xét đó gần như hoàn toàn tích cực. Trong ba năm qua, cộng đồng tài chính và kinh doanh quốc tế đã từng bước thống nhất ý kiến rằng suy thoái kinh tế của Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Sự bất đồng nằm ở chỗ nó sẽ hạ cánh mềm hay hạ cánh cứng. Chính phủ Trung Quốc chắc chắn thích nghe cái trước. Sau tất cả, ai là người thích nghe một dự báo đáng ngại về sự hạ cánh cứng tai hại? Chưa kể đến việc kể từ kỷ nguyên của Mao, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không khi nào có truyền thống cho việc chấp nhận những ý kiến ​​khác biệt với nó. Thay vào đó, nó thường tự hào là “trừ khử những người mang đến tin tức xấu.”

Bán đứng Trung Quốc

Rất nhiều tin tốt và tin xấu về nền kinh tế của Trung Quốc đã được đưa ra. Nhưng tại thời điểm này, rất ít điều được làm để tăng cường một cách hiệu quả thị trường chứng khoán Trung Quốc, và cờ hiệu đỏ liên tục xuất hiện trên thị trường tiền tệ. Dòng vốn chảy ra đang gia tốc mặc dù Bắc Kinh có thừa nỗ lực để kiềm chế chúng. Năm ngoái, việc giải cứu thị trường chứng khoán đã không thành công và do hậu quả đó, hàng chục nhân viên chứng khoán đã bị bắt vì “bán khống Trung Quốc.” Về lâu dài, chắc chắn việc đổ lỗi cho một người như Soros dễ hơn là bắt giữ thêm các chuyên gia chứng khoán Trung Quốc.

Hơn nữa, nếu Soros là người Anh hoặc người Pháp, Bắc Kinh sẽ không chọn ông vì nước Anh và nướcPháp không phải là một phần của “những lực lượng thù địch nước ngoài” mà Bắc Kinh thường ám chỉ. Soros là một ông trùm đầu tư tại Hoa Kỳ. Do đó ông hoàn toàn phù hợp với mô tả của Bắc Kinh về một “lực lượng thù địch nước ngoài.”

Cuối cùng, trong những tuyên truyền của đảng cộng sản Trung Quốc, Soros đã liên tục được dán nhãn là một con cá sấu tài chính quốc tế luôn bán khống các nước khác. Soros đã một lần bán khống cổ phiếu Hồng Kông vào năm 1998, buộc Hồng Kông phải khẩn cầu Bắc Kinh giúp đỡ. Nhờ Thủ tướng Chu Dung Cơ cho vay hàng chục tỷ đô la (có tin đồn nói rằng số tiền vào khoảng 28 tỷ đôla), sử dụng một phần trong 120 tỷ đôla dự trữ ngoại hối, và đã giúp chính phủ Hồng Kông buộc Soros phải lùi bước.

Bắc Kinh biết rất rõ rằng việc tránh nền kinh tế hạ cánh cứng là một nhiệm vụ khó khăn. Bằng cách coi Soros như một vật tế thần, đảng cộng sản Trung Quốc ít nhất có thể nói: “Việc hạ cánh cứng không phải là do sự quản lý kinh tế yếu kém của Đảng. Soros đã làm việc đó, và ông ta là một đối thủ quá mạnh. Nhiều chính phủ đã thua thiệt vì ông ta, do đó đối với Trung Quốc việc bị cú đánh này là không có gì đáng xấu hổ cả.”

Đây là bản dịch bài báo tiếng Trung của Hà Thanh Liên được Đài tiếng nói Hoa Kỳ đăng vào ngày 30 tháng 1, 2016. Hà Thanh Liên (He Qinglian) là một nhà văn và nhà kinh tế Trung Quốc xuất sắc. Hiện nay đặt trụ sở tại Hoa Kỳ, bà là tác giả cuốn “Những cạm bẫy của Trung Quốc”, liên quan đến nạn tham nhũng trong cải cách kinh tế của Trung Quốc trong những năm 1990, và cuốn “Làn sương mù kiểm duyệt: Việc kiểm soát thông tin đại chúng ở Trung Quốc”, trong đó đề cập đến việc thao túng và hạn chế đối với báo chí. Bà thường xuyên viết về những vấn đề kinh tế và xã hội đương đại của Trung Quốc

Tác giả: He Qinglian | Dịch giả: Xuân Dung

(Việt Đại Kỷ Nguyên)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo