VIỆT NAM (NV) – Theo Phnom Penh Post, hôm 5 tháng 4, có tám người thiểu số từ Việt Nam trốn sang Cambodia thiệt mạng. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đang phối kiểm tin này.
Dựa trên các thông tin do những người J’rai sống tại tỉnh Ratanakiri, Cambodia, cung cấp, Phnom Penh Post cho biết, hôm Chủ Nhật, 5 tháng 4, có thêm 11 người J’rai cư trú tại khu vực Tây Nguyên, Việt Nam đã trốn sang Cambodia. Cũng vào thời điểm này, dân chúng địa phương vớt được tám thi thể khác đang trôi trên đoạn sông, thuộc khu vực mà chính quyền Cambodia thường xuyên tổ chức các cuộc bố ráp để bắt giữ những người thiểu số từ Việt Nam trốn sang Cambodia xin tị nạn.
Một nhóm người thiểu số chờ tiếp xúc với đại diện của UNHCR ở Bangkok, Thái Lan. (Hình: DR)
Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch – HRW) đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Cambodia thực hiện các bổn phận đã được xác định trong Hiến Chương Tị Nạn mà Cambodia đã ký và cam kết thi hành, đó là bảo vệ người xin tỵ nạn và ngưng tiếp tay cho chính quyền Việt Nam đàn áp người tị nạn.
Sự kiện vừa kể cho thấy, dẫu đói khát, bệnh tật, phải lẩn trốn trong rừng vì bị chính quyền Cambodia săn lùng-bắt giữ-giao trả cho chính quyền Việt Nam, song người thiểu số cư trú tại Tây Nguyên vẫn tiếp tục vượt biên sang Cambodia với hy vọng có thể tiếp xúc với đại diện của UNHCR, xin hưởng quy chế tị nạn.
Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, có hàng trăm người thiểu số trốn sang Cambodia vì bị chính quyền Việt Nam đàn áp do họ là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Cho đến nay chỉ có 13 người được hưởng quy chế tị nạn, 10 người đang chờ đợi UNHCR xem xét thỉnh nguyện xin hưởng quy chế tị nạn. Ða số bị chính quyền Cambodia bắt giữ rồi giao trả cho chính quyền Việt Nam.
Ðợt bắt giữ-giao trả lớn nhất vừa xảy ra hồi trung tuần tháng trước. Lúc đó, báo giới Cambodia cho biết, cảnh sát Cambodia đã phối hợp với công an Việt Nam bắt 36 người thiểu số tìm đường tị nạn rồi áp giải họ về Việt Nam.
Dựa trên các thông tin do UNHCR và báo chí Cambodia công bố, chỉ từ đầu năm đến nay, Cambodia đã bắt giữ rồi giao lại cho Việt Nam ít nhất là 47 người.
Vài ngày trước khi bắt giữ-giao trả 36 người thiểu số vừa kể, Cambodia đã trục xuất bốn người khác. Trước nữa, vào ngày 24 tháng 1, Cambodia từng giao lại cho Việt Nam 7 người.
Từ năm 2001 đến nay, Cambodia vẫn là nơi mà nhiều người thiểu số cư trú ở Tây Nguyên chạy sang lánh nạn do bị chính quyền Việt Nam đàn áp chỉ vì họ là tín đồ Thiên Chúa Giáo hoặc tham gia các cuộc tranh đấu đòi quyền sống.
Trong khi đó thì chính quyền Cambodia tìm đủ cách để ngăn chặn họ đến Phnom Penh tiếp xúc với đại diện của UNHCR. Cũng vì vậy, người thiểu số tìm đường tị nạn phải ẩn náu trong các khu rừng tại tỉnh Ratanakiri để chờ cơ hội song rất ít người gặp may.
Cuối tháng trước, đại diện UNHCR đã có một cuộc thảo luận với đại diện của chính quyền Việt Nam và chính quyền Cambodia về vấn đề này.
Bà Vivian Tan, phát ngôn viên văn phòng của UNHCR tại Cambodia, cho biết, cuộc thảo luận nhằm tìm giải pháp “phù hợp với chuẩn mực quốc tế và có thể được các bên có liên quan chấp nhận.”
Tuy nhiên theo bà Tan, các bên chưa xác định được giải pháp nào để giải quyết vấn đề người thiểu số từ Việt Nam trốn sang Cambodia tìm đường tị nạn. Bà Tan tiết lộ là “tự nguyện hồi hương” đã được nêu ra như một giải pháp.
Trong quá khứ, năm 2005, “tự nguyện hồi hương” từng được chọn làm giải pháp đối với làn sóng người thiểu số từ Việt Nam trốn sang Cambodia tìm đường tị nạn và giải pháp đó đã bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích kịch liệt vì thỏa thuận “tự nguyện hồi hương” bị lợi dụng để “cưỡng ép hồi hương” và không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người hồi hương.
Do vậy, sau những thông tin vừa kể, ông Phil Roberson, phó giám đốc đặc trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch, nhận định, nếu “tự nguyện hồi hương” đã được nêu ra để bàn thảo thì đó là một tiếng chuông báo động cho những người quan tâm đến việc bảo vệ người tị nạn. (G.Ð)
(Người Việt)