Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-09-25
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ công bố việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, ảnh chụp hôm 21/9/2016.
Courtesy vnn
Bộ Chính trị vừa công bố việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 16 uỷ viên, trong đó Ban thường vụ Đảng ủy gồm 7 uỷ viên, có 3 lãnh đạo là: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần đầu tiên Tổng bí thư tham gia Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Quyền lực tập trung tuyệt đối?
Xét trên mặt chữ nghĩa có vẻ như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngang hàng với Chủ tịch nước và Thủ tướng trong vị trí Ban thường vụ của Đảng ủy Công an Trung ương, nhưng người ta đều biết với chức vụ Tổng bí thư của mình, ông Nguyễn Phú Trong không thể nghe chỉ đạo mà là người chỉ đạo trong bất cứ quyết định quan trọng nào, và việc ông có tên trong Đảng ủy Công an Trung ương là một bước ngoặc quan trọng đối với hệ thống tổ chức của Đảng và chính phủ Việt Nam.
Về mặt Đảng, ông Trọng đương nhiên nắm giữ chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương xem như Tổng tư lệnh quân đội, bây giờ kiêm nhiệm thêm chức vụ Đảng ủy Công an Trung ương thì xem như quyền lực tập trung vào tay là tuyệt đối.
Có khả năng ông ta nhìn thấy đây là một vấn đề xung yếu vừa cần cho ông hiện nay nó đang lộ ra mặt yếu, nó đang có mâu thuẫn nên ông xông vào.
-Nguyễn Khắc Mai
Quyền lực khi tập trung tuyệt đối và không bị chi phối bởi các nhánh khác như lập pháp hay tư pháp sẽ dẫn tới những quyết định độc đoán, chuyên quyền và độc tài không thể tránh khỏi.
Việc một Tổng bí thư kiêm nhiệm luôn vai trò công an được ông Nguyễn Khắc Mai nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết nhận xét:
“Chắc là ông ta muốn tham gia vào đấy để mà lãnh đạo chỉ đạo công an cho nó sát, ý kiến chỉ đạo nó trực tiếp, nó không bị quanh co. Hai nữa ở trong Đảng ủy mà nhất là Thường vụ nữa thì lãnh đạo cái đám Ban cán sự, lãnh đạo của Bộ trực tiếp thì đấy có thể là một cách.
Cách thứ hai có khả năng ông ta nhìn thấy đây là một vấn đề xung yếu vừa cần cho ông hiện nay nó đang lộ ra mặt yếu, nó đang có mâu thuẫn nên ông xông vào. Những dù với động cơ gì, mục đích gì thì sự xông vào ấy là lú lẫn dở hơi chứ không hay ho gì.
Muốn củng cố công an thì không nhất thiết phải xông vào đấy. Cách làm này của Trọng là cách làm rất cũ thời Xô viết cũ bây giờ không ai lại làm như thế trong khi thời đại tin học phát triển như hiện nay. Ông ta muốn tuyệt đối nhất nguyên hóa quyền lực và rõ ràng nó mâu thuẫn với tinh thần thời đại và mâu thuẫn ấy sẽ không cho làm được việc gì.
Giống như tổ chức chống tham nhũng, quy về cho Đảng, cho Ban Nội chính để trực tiếp làm. Nó chồng chéo với cái mà gọi là pháp quyền, mọi chuyện lại phải tâu sang bọn chính phủ, quốc hội rồi các Bộ ngành không có được kết quả gì tử tế. Nó là tinh thần cũ rích của tư duy toàn trị Xô viết, tập quyền độc tài của Mao tiếp diễn.”
Với TS Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến thì cho rằng việc làm của ông Trọng cho thấy sự tham lam quyền lực đã lên tới đỉnh và từ đó không khó để thấy rằng người tham nhũng quyền lực lớn nhất hiện nay là ai:
“Đây là một chuyện chưa từng có ở trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả các Tổng bí thư trước không có ai ngồi vào vị trí đảng ủy công an, bây giờ ông Nguyễn Phú Trong không những là Bí thư Quân ủy Trung ương, nắm quân đội, còn nhảy ra nắm công an sát sườn như vậy thì ông ấy là người tham quyền cố vị.
Người ta có những người lầm tưởng rằng Nguyễn Phú Trọng là người trong sạch không tham ô nhưng tôi cho rằng Nguyễn Phú Trọng là trùm tham nhũng tại Việt Nam. Tham nhũng tiền bạc chỉ là một cái tham nhũng thông thường nhưng tham nhũng quyền lực mới là tham nhũng tệ hại nhất vì quyền đẻ ra tiền, quyền đẻ ra thao túng một cách phi đạo đức.
Nguyễn Phú Trọng tham nhũng quyền lực trong khi ông ấy đã quá tuổi về hưu rồi nhưng vẫn dùng mọi thủ đoạn để được kéo dài cái ghế Tổng bí thư của ông ấy. Lúc bấy giờ khi lên Tổng bí thư đã hứa chỉ ngồi nửa nhiệm kỳ nhưng bây giờ thì không biết ổng ngồi đến bao giờ trong khi tuổi ổng đã cao.
Khi còn trẻ đã mang tiếng là “Trọng lú” thì bây giờ tuổi cao rất hết sức nguy hiểm cho đất nước cho dân tộc này và kể cả cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Bây giờ nhảy ra khống chế cả lực lượng công an thì tôi cho rằng là sự tham lam vô độ, một tội ác đối với đất nước con người Việt Nam.”
Theo chân Tập Cận Bình?
TS kinh tế, nhà báo Phạm Chí Dũng nhìn sự kiện này qua lăng kính kinh nghiệm của Tập Cận Bình mà ông Trọng đang theo:
“Khả năng là ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay là đang rất muốn thực thực hiện nước cờ và bước đi của Tập Cận Bình từ hồi năm 2013- 2014 Tập Cận Bình đã mở ra chiến dịch lớn đầu tiên triệt Bạc Hy Lai và sau đó là diệt Chu Vĩnh Khang Bộ trưởng Bộ công an.
Tôi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng ham muốn vai trò và quyền lực của Tập Cận Bình nhưng vấn đề là ông Trọng có thể hiện rằng ông có thể làm được chuyện đó hay không, vì đó là bản lĩnh của lãnh đạo.
-Phạm Chí Dũng
Sau khi diệt Chu Vĩnh Khang thì Tập Cận Bình nắm luôn Bộ công an và xử dụng Ủy ban Kỷ luật Trung ương của Vương Kỳ Sơn như là một vụ then chốt, từ đó vai trò của Bộ công an trở nên yếu hẳn đi và vai trò của Ủy ban Kỷ luật Trung ương nâng hẳn lên. Sau khi diệt xong Chu Vĩnh Khang thì Tập Cận Bình xoay sang quân đội và chính thức trở thành tư lệnh và nắm tất cả quân đội Trung Quốc. Hiện nay Tập là người quyết định tất cả vận mạng của lực lượng vũ trang, công an và quân đội.
Tôi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng ham muốn vai trò và quyền lực của Tập Cận Bình nhưng vấn đề là ông Trọng có thể hiện rằng ông có thể làm được chuyện đó hay không, vì đó là bản lĩnh của lãnh đạo.”
Bên cạnh đó, khi vụ Trịnh Xuân Thanh nổ ra dư luận cho rằng ông Tổng bí thư đang quyết tâm triệt hạ tham nhũng nhưng tầng nấc của nó nhiều đến nỗi một mình Ủy ban Kiểm tra Trung ương không thể làm nổi trong khi công an thì ông Trọng không nắm được. Nhận định về ý kiến này TS Phạm Chí Dũng cho biết:
“Cho tới nay đã hơn ba tháng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương của ông Trần Quốc Vượng chưa tìm ra bất kỳ bằng chứng tham nhũng nào của Trịnh Xuân Thanh trong khi toàn bộ hồ sơ nằm tại T46 của Bộ công an. Như vậy khi không tận dụng, không phát huy được vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì có lẽ ông Trong phải tính tới ván bài vào Đảng ủy Công an Trung ương để quyết định, thậm chí thay cho ông Tô Lâm là Bộ trưởng công an.
Ông Tô Lâm mới được “phong chức” trở thành Bí thư Đảng Ủy công an Trung ương vào tháng 5 năm 2016. Thế bây giờ nếu ông Trọng trở thành Bí thư Công an Trung ương có quyền quyết định mọi thứ thì ông Tô Lâm coi như sẽ bị ra rìa.
Nếu ông Trọng trở thành Bí thư Công an Trung ương thì đã đi theo con đường Tập Cận Bình rồi, tức là vừa nắm công an vừa nắm quân đội và thực chất đấy là người trong lực lượng vũ trang chứ không phải ông Trần Đại Quang. Như vậy vai trò Chủ tịch nước của ông Trần Đại Quang sẽ rất là mờ nhạt và có thể nói chẳng biết làm gì nữa.”
Chỉ một ngày sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào Đảng ủy Công an Trung ương, Tuần Việt Nam của VietnamNet đăng ngay bài báo có tựa: “Có những người bán rẻ tổ quốc vì quyền lợi cá nhân” của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, trong đó có đoạn:
“Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi.
Có những suy nghĩ rất ấu trĩ sai lầm khi cho rằng nắm cho chắc lực lượng vũ trang là có thể đẩy lùi sự sụp đổ. Không đâu! Liên Xô ngày trước cả quân đội và lực lượng an ninh Caribê còn rất mạnh, bậc nhất thế giới, vậy mà đến một lúc, khi sự tha hóa đã đến ngưỡng, thì cả một chế độ được cho là thành trì ấy bỗng chốc đổ ào, đến mức không tưởng tượng được, không hiểu nổi.”
Xin mượn nhận xét này làm kết luận cho tiêu đề “tham nhũng quyền lực” và cũng xin cám ơn ba vị Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Thanh Giang và Phạm Chí Dũng đã cho nhận xét về một vấn đề rất quan trọng của đất nước hiện nay.