Việt Nam Thời Báo

Thắt lưng buộc bụng khẩn cấp đi là vừa

Người Việt có câu “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khi nước ta phát triển mạnh thì người ta quên đi mất câu này…

6 tháng đầu năm nay mặc dù tổng doanh thu từ nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, xuất khẩu gạo giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước, dầu mỏ cũng bị giảm do giá dầu thế giới giảm… nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng hết sức lạc quan.
Nếu tính xa ra một chút cho năm 2016 và 2017 thì liệu bức tranh sẽ là thế nào?
Về dầu mỏ, một mặt hàng chủ lực mang lại đóng góp to lớn cho ngân sách quốc gia thì khả năng sẽ phải chịu đựng nặng nề hơn nữa khi giá dầu mỏ có thể xuống tới 50USD/thùng, thậm chí dưới 40USD/thùng. Người ta phải nghĩ đến điều này, bởi vì nếu tới đây Iran xuất khẩu dầu sau khi được Mỹ dỡ bỏ cấm vận thì đó là điều không đùa được.
Văn Miếu ở Vĩnh Phúc
Mỹ từ một nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã trở thành một nước có thể xuất khẩu dầu.
Iran từ bị cấm vận, nay đã “sổ lồng tung cánh”.
Kinh tế Trung Quốc lao đao vì chứng khoán và cũng sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ dầu, vậy là cuối năm 2015 sang 2016 và 2017, sản lượng dầu của thế giới sẽ dư thừa rất nhiều và cái gì thừa thì giá rẻ là lẽ đương nhiên.
Vậy kịch bản nào cho nền kinh tế nước ta vào năm 2016-2017 đây khi mà nông nghiệp xuất khẩu gạo nhiều nhưng rẻ, tiền xuất khẩu gạo chỉ để nhập nguyên liệu về làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Xuất khẩu thủy sản cũng bị giảm sút. “Đỏ tươi” nhất hình như chỉ có mấy quả vải đang vươn được ra nước ngoài một chút, nhưng chắc cũng chỉ làm khá lên cho mấy hộ nông dân ở mấy vùng Lục Ngạn, Hải Dương… Vậy làm thế nào để đối phó với những kịch bản xấu mà tạm nêu ra như ở trên.
Chắc chắn Đảng, Chính phủ sẽ có nhiều quyết sách lớn và đã xây dựng kịch bản đối phó với tình hình này.
Nhưng thiết nghĩ có một cách mà từ mỗi gia đình, mỗi làng xóm đơn vị kinh tế, mỗi cấp chính quyền phải làm ngay đó là: “Thắt lưng buộc bụng” và tuyệt đối không được coi ngân sách Nhà nước như con bò sữa – Thằng nào vắt được cứ vắt! Đồng thời hãy bỏ ngay câu nói: “Đây là nguồn đóng góp xã hội hóa”. Trong lúc này chúng ta còn rất nhiều địa phương mà tỉ lệ đói nghèo còn cao, nhiều trường học, bệnh viện còn đang xập xệ, thiếu thốn trang bị, nhìn đâu cũng thấy khó khăn. Ấy vậy mà người ta vẫn đổ tiền ra xây chùa, xây tượng Phật cao ngất ngưởng; xây Văn Miếu để thờ Khổng Tử tận bên Tàu và rồi người ta đẻ ra không biết bao nhiêu thứ lễ hội và đủ các trò mua vui. Thật là phi lý.
Rồi thậm chí trong các lễ mừng công, mừng năm chẵn của tỉnh nọ tỉnh kia, tôn vinh doanh nhân… người ta cũng tổ chức tiệc tùng linh đình tốn kém. Hình như câu thơ “ngàn vàng mua lấy trận cười như không” của cụ Nguyễn Du từ cách đây hàng trăm năm đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự.
Từ bao lâu nay, người Việt có câu “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khi nước ta phát triển mạnh thì người ta quên đi mất câu này. Sự tiêu xài lãng phí trong đủ mọi lĩnh vực thực sự là rất đáng báo động. Một quốc gia nghèo như ở Việt Nam thì suốt ngày tự hào về sản lượng bia, rượu; rồi nhập khẩu đủ loại ôtô sang trọng về, vậy đó là cái gì, thử hỏi xem bao nhiêu đại gia đi xe sang vẫn đang trốn thuế, quỵt tiền bảo hiểm người lao động, vẫn đang nợ nần chồng chất… Cho nên nếu như chúng ta vẫn giữ mức độ ăn tiêu như hiện nay và theo kiểu “ném tiền qua cửa sổ” thì rõ ràng sẽ đến lúc phải trả giá đắt và nói một cách ngoa ngoắt rằng “không có tiền mà mua quan tài” đâu.
Đảng và Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp để buộc các doanh nghiệp Nhà nước phải tiết kiệm nhưng đã đến lúc phải nhìn lại phong trào tiết kiệm mà các nơi đang thực hiện có nặng về tính hình thức hay không? Căn bệnh lãng phí của chúng ta đang rất lớn, và không biết một năm lãng phí bao tiền đổ vào các công trình tâm linh, các công trình mang tính hình thức phù phiếm?
Cho nên xin các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách hãy nghĩ một kịch bản rất xấu cho nền kinh tế nước ta vào năm 2017 thậm chí sang cả 2018, làm gì hãy nghĩ đến rủi ro trước, nghĩ đến hậu quả của sự thất bại, chứ đừng nghĩ như kiểu “đếm cua trong lỗ” và chỉ tính một chiều lợi. Còn mong rằng từ mỗi gia đình hãy biết thắt lưng buộc bụng ngay từ bây giờ.
Theo Petrotimes

Tin bài liên quan:

Kinh tế ảo: 2 + 2 chưa chắc bằng 4! *

Phan Thanh Hung

Những “lỗ đen” ngân sách

Phan Thanh Hung

VNTB – Càng hoảng loạn càng dễ chết

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.