Thiếu minh bạch thông tin trong lĩnh vực đất đai ở cấp xã là nghiêm trọng.
76% cán bộ trong lĩnh vực đất đai cho biết điều mà họ thích nhất trong công việc của mình là vị trí công việc cho phép họ đặc quyền tiếp cận thông tin. Đó là con số đáng chú ý được đưa ra tại buổi công bố nghiên cứu công khai thông tin về quản lý đất đai ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 12-12. Nghiên cứu này thực hiện ở 63 tỉnh, thành, 126 quận, huyện, 321 phường, xã.
Tỉ lệ lấy tin qua quen biết quan chức còn cao
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận định: Thông tin là quyền lực và khi bị giữ kín, khi một người nào đó được trao độc quyền về thông tin, điều đó tạo ra lợi ích và mở ra cơ hội cho tham nhũng.
Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, khảo sát chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy tỉ lệ các công ty cho rằng họ cần phải có quan hệ với các quan chức địa phương để lấy được thông tin vẫn còn cao. Một cuộc nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới cho thấy quản lý đất đai là một trong những ngành có tham nhũng nhiều nhất ở Việt Nam. Và chính sự thiếu minh bạch là yếu tố căn bản nhất dẫn đến tham nhũng. “Một số đánh giá về tham nhũng ở cấp tỉnh có tương quan ngược với mức độ minh bạch thông tin về đất đai. Minh bạch được xem như là một biện pháp để kiểm soát tham nhũng” – bà Hương cho hay.
Người dân đang làm hồ sơ nhà, đất.
Về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nói: “Cái gì không quy định là mật thì người dân có quyền được biết. Như vậy mới là một xã hội mở, được lòng dân”. Theo ông Võ, tham nhũng chỉ xảy ra lúc tranh tối tranh sáng. Vì vậy, “một khi thông tin về đất đai được minh bạch thì mới hạn chế được tham nhũng trong lĩnh vực này” – ông Võ nói.
Tìm thông tin… ngoài quán cà phê
Theo Ngân hàng Thế giới, thực tiễn thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin trong lĩnh vực đất đai ở cấp xã là nghiêm trọng. Cụ thể, với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khoảng một nửa số xã qua khảo sát không cung cấp thông tin. Lý do được đưa ra là cán bộ không có ở cơ quan, nghỉ phép hoặc nói rằng không có các phương án này. Trong khi thực tế các xã này có thể có thông tin và cung cấp. “Có không ít người dân đến trụ sở cơ quan nhà nước để tìm kiếm thông tin cần thiết nhưng không thể lấy được thông tin mình cần, vì cơ quan đó đóng cửa trong giờ làm việc hay cán bộ phụ trách không có ở đó. Đây là một thực tiễn mà nhiều người dân gặp phải và khiến họ nản lòng” – bà Lan Hương cho hay.
Theo nghiên cứu này, ở nhiều xã, huyện, tỉnh các công chức thường nêu nhiều lý do để từ chối cung cấp thông tin. Chẳng hạn đó là “thông tin mật” hay cần phải có sự đồng ý của chủ tịch UBND, hoặc cần có công văn giải thích lý do cần thông tin, hay thậm chí là cần thì gặp riêng tại quán cà phê. Ở một số nơi, các nghiên cứu viên còn bị các lực lượng gây khó vì chụp ảnh hoạt động bình thường của cơ quan quản lý đất đai. Theo bà Lan Hương, điều này cho thấy rõ ràng công chức vẫn chưa hiểu rằng cung cấp thông tin là một nghĩa vụ của công chức theo luật định và công dân có quyền được tiếp cận thông tin. Điều đáng buồn là các đợt kiểm tra thực tế cho thấy văn hóa xin-cho vẫn tồn tại ở rất nhiều nơi.
“Tình trạng thực hiện không đầy đủ các quy định về minh bạch thông tin đất đai với người dân và doanh nghiệp vẫn đang tồn tại. Cung cấp thông tin liên quan đến đất đai trên thực tế vẫn còn thấp hơn so với yêu cầu của pháp luật và còn xa mới bảo đảm được việc tiếp cận đầy đủ thông tin” – bà Lan Hương nhận định.
Theo Pháp luật