Thủ tướng Dũng thừa nhận không có ngân sách cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Mới đầu năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã phóng kế hoạch “sẽ đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2,000km đường cao tốc trong đó cơ bản nối thông cao tốc Bắc-Nam”, đồng thời “gợi ý” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người được mời dự hội nghị này – về chuyện tiền bạc làm dự án.
Tuy nhiên trong phần kết luận hội nghị, Thủ tướng Dũng đã phải nêu ra một thừa nhận khiến giới lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thất vọng: “Nếu chờ ngân sách thì không có cây số cao tốc nào”.
Vào năm 2006, đường sắt cao tốc Bắc – Nam đã khiến phản dội dư luận, không hẳn vì ‘tính cấp thiết’ bị thuyết minh quá sơ sài của nó, mà bởi con số tiêu tốn đến 33 tỷ USD và 55.8 tỷ USD năm 2010, tức chiếm đến 1/3 GDP của Việt Nam vào thời điểm đó. Còn nếu được ‘dự toán” vào thời điểm này, chắc chắn số tiền vay mượn chi cho dự án sẽ còn cao hơn.
Vào tháng 8/2015, Bộ Giao thông vận tải cũng đã tiến hành một chiến dịch tái PR cho dự án đường sắc cao tốc Bắc – Nam. Khi đó và như một hiệu lệnh, một số tờ báo nhà nước đồng loạt đưa tít: Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng ‘Chúng ta nợ nhân dân đường sắt cao tốc Bắc – Nam”.
Chi tiết đáng chú ý là Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam được Bộ trưởng Đinh La Thăng ‘mồi’ ngay sau khi dự án sân bay Long Thành với giá trị lên tới 15 tỷ USD đã được cả Bộ chính trị lẫn Quốc hội cúi đầu bấm nút, bất chấp sự phản ứng rộng  khắp của dư luận, đa số báo giới và đông đảo người dân.
Tinh thần “thừa thắng xông lên” của Bộ Giao thông vận tải và nhóm lợi ích ODA sẽ khiến nợ công quốc gia thêm một lần nữa khốn đốn. Mặc dù báo cáo của chính phủ luôn cố ép nợ công dưới ngưỡng nguy hiểm 65% GDP, nhưng nhiều chuyên gia độc lập đánh giá tỷ lệ nợ công quốc gia hiện thời phải gần 100% GDP.
Vào chiến dịch PR tháng 8/2015 của Bộ Giao thông vận tải, đã chưa xuất hiện đột biến về ngân sách. Nhưng đến tháng 11/2015, chính Bộ trưởng kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh phải tiết lộ chấn động rằng ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng.
Với tình trạng kiệt quệ ngân sách, dĩ nhiên Bộ Giao thông vận tải không thể trông chờ vào sự “hỗ trợ” của trung ương. Nguồn duy nhất mà giới quan lại “ăn không chừa của dân thứ gì” trông ngóng là vay mượn ODA từ quốc tế để làm “cú chót”.
Cùng với dự án sân bay Long Thành, không thể nói khác hơn dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam vay ODA là những tai họa đang lừng lững ập lên đầu lớp dân chúng đói nghèo Việt Nam.
Lê Dung / SBTN
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)