Việt Nam Thời Báo

Thủ tướng Phúc ‘nêu quan ngại Biển Đông’ ở Bangkok?

BBC
phúcBản quyền hình ảnhREUTERS
Image captionThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng cạnh Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (trái) tại Hội nghị cấp cao Asean hồi tháng Tư
Truyền thông Thái Lan cho hay chuyến thăm Thái Lan ba ngày từ hôm 17/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tập trung chủ yếu vào giao thương nhưng ông cũng sẽ “nêu quan ngại về Biển Đông” tại Bangkok.
Đoàn tùy tùng của ông Phúc gồm các bộ trưởng Công thương, Kế hoạch và đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thông tin và truyền thông…
Hôm 17/8, ông Phúc hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại Toà nhà Chính phủ để trao đổi về hợp tác quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, kết nối và hợp tác khu vực, theo tờ Nation của Thái.
Sau phiên họp, hai thủ tướng chứng kiến lễ ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại, viễn thông, khoa học và công nghệ, và hợp tác “thành phố chị em” giữa Trat của Thái Lan và Cà Mau của Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam và người đồng cấp Thái Lan được cho là sẽ trao đổi quan điểm về sự phát triển, quản lý và tác động môi trường ở tiểu vùng sông Mekong. “Hai nhà lãnh đạo ưu tiên cách tiếp cận cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường trong khi vẫn đảm bảo sự thịnh vượng cho người dân”, The Nation tường thuật.
Báo này cũng cho hay, ông Phúc và ông Chan-o-cha cũng sẽ “nêu quan ngại nghiêm trọng của Việt Nam về tranh chấp tại Biển Đông”.
“Cả hai sẽ khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như tự do hàng hải. Hai thủ tướng cũng sẽ tập trung vào việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông 2002.”
“Hai bên cũng bày tỏ sự ủng hộ cho việc Asean và Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, sau cuộc họp cấp Bộ hồi đầu tháng này tại Manila, nơi thông qua khuôn khổ để thiết lập Bộ quy tắc này.”
‘Thận trọng’
Hôm 17/8, trả lời BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Trường Sơn, công tác tại Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tại Bangkok, nói: “Tôi không rõ chuyến thăm của ông Phúc đã được lên kế hoạch từ trước hay được quyết định mới đây, nhưng bối cảnh là Asean vừa hoàn thành dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, và theo như các nguồn tin quốc tế thì Việt Nam đã thất bại trong việc lồng ghép các từ ngữ trực diện và gay gắt nhắm đến Trung Quốc.”
“Thái Lan là một trong những nước dẫn đầu khối Asean, nên tất nhiên trong chuyến thăm lần này ông Phúc sẽ mang đề tài Biển Đông ra để đàm luận và cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ từ phía người Thái.”
“Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi, Thái Lan sẽ thận trọng trong việc đưa ra các tuyên bố liên quan đến vấn đề này, vì quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc là rất thân mật, thậm chí, ngoại trưởng Trung Quốc còn tới thăm Thái Lan trước khi tới dự hội nghị với Asean và tuyên bố hai nước này là “anh em”.
“Mặt khác, kim ngạch thương mại Thái -Trung cũng rất lớn, cho nên, Thái Lan sẽ không dễ gì mà lại đi thử thách mối quan hệ với Trung Quốc chỉ vì Việt Nam.”
“Ngoài ra, các vấn đề thương mại chắc chắn cũng sẽ được bàn luận, càng ngày càng có nhiều công ty Thái Lan đầu tư vào Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang ảm đạm, việc người Thái đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam là điều tích cực, và hết sức cần thiết đối với cả người dân và chính quyền Việt Nam.”
thượngBản quyền hình ảnhRADU DIACONU/AL JAZEERA
Image captionKhu nhà những người Thượng đến từ Việt Nam sống ở Bangkok
“Còn phía chính quyền Thái Lan, bản thân họ cũng cần sự ủng hộ từ phía Việt Nam, vì hiện họ đang ở trạng thái chính quyền quân sự, và thời gian tổ tức tổng tuyển cử vẫn chưa rõ ràng, bản thân chính quyền Thái hiện tại không phải là chính quyền dân cử cho nên họ cũng cần sự ủng hộ của các nước trong khu vực.”
“Tôi mong rằng các vấn đề liên quan tới lao động nhập cư cũng sẽ được đưa ra bàn thảo, bởi lượng người Việt Nam đang lao động tại Thái Lan cũng khá nhiều, và sắp tới sẽ chịu tác động mạnh mẽ bởi Luật Lao động mới.”
“Việt Nam cần phải có các tác động tới chính quyền Thái để đảm bảo quyền lợi cho công dân của mình đang làm việc tại nước này.”
Ông Sơn nói thêm: “Tôi không nghĩ là ông Phúc sẽ đem vấn đề người Việt Nam tỵ nạn đang ở Thái Lan ra để bàn luận, và tôi thực sự không mong là ông ta sẽ làm thế.”
“Vì số người tỵ nạn Việt Nam chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số người tỵ nạn ở Bangkok, so với cộng đồng Pakistan. Và bản thân người tỵ nạn bên này cũng không làm gì ảnh hưởng tới chính quyền Việt Nam cả.” “Nhưng nếu ông Phúc đề nghị chính quyền Thái hồi hương người tỵ nạn, thì đây sẽ là một vấn đề nhân đạo lớn.”

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo