Việt Nam Thời Báo

Thưa ông Vũ Ngọc Hoàng, vấn đề là phải “Tam quyền phân lập”

“Bị đảng tước đoạt mất quyền lập hội, mất quyền tự do ngôn luận, mất quyền tự do báo chí, mất quyền biểu tình, nhân dân không thể giám sát quyền lực của nhà nước, chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi tệ nạn đảng viên tha hóa quyền lực, lạm quyền, lộng quyền nhằm tìm kiếm và duy trì các đặc lợi, tham nhũng, suy đồi đạo đức, coi thường pháp luật như hiện nay”.
______
Lê Xuân Hòa
12-10-2016
Ông Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: internet
Ông Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: internet

Từ 9/6/2015 đến nay, ông Vũ Ngọc Hoàng đã có 3 bài báo, nói về tệ nạn tha hóa quyền lực, tham nhũng, suy đồi đạo đức trong đảng và nguy cơ dẫn đến chế độ tự sụp đổ, đảng tự sụp đổ. Trong bài báo thứ 3, bài mới nhất của ông, đăng ngày 12/10/2016 trên báo điện tử Tuần VN, ông đã tiến thêm một bước về mặt nhận thức lý luận, thừa nhận:
– Từ vài chục năm nay, ĐCSVN luôn luôn bị mang tiếng là lý luận bảo thủ, giáo điều và phương pháp tiếp cận chân lý chưa khoa học, không bám chắc vào thực tiễn, khoa học bị chính trị hóa.
– Năng lực lãnh đạo và quản lý của đảng ở mọi cấp vẫn yếu kém. (ông gọi các yếu kém đó là những bất cập), không giải quyết nổi các vấn đề của cuộc sống đặt ra.
– Cuối cùng, ông đã nhận ra rằng tha hóa quyền lực là sự tha hóa của những đảng viên của đảng được giao quyền lực, đã lộng quyền, dùng quyền lực làm phương tiện tìm kiếm đặc lợi cho cá nhân họ.
– Ông cũng đã nhận ra rằng trong cơ chế tranh cử hiện nay (bầu đại biểu Quốc hội, tuyển chọn cán bộ, công chức …) không phải là cơ chế chọn lọc tự nhiên, cạnh tranh chính trị lành mạnh, do vậy không thể tránh được tệ nạn tha hóa quyền lực, tha hóa đội ngũ cán bộ của đảng.
Ông cũng đã nhận thấy:
– Đạo đức là cái gốc của văn hóa, là nền tảng của xã hội, trong đó có chính trị. Nhưng đạo đức của cán bộ đảng viên của đảng đã bị hư hỏng, thậm chí thối nát. Như thế có nghĩa là chỉ đề cao “Đức trị” là không đủ để chống lại tệ nạn tha hóa quyền lực, dẫn đến suy đồi đạo đức xã hội và có thể làm cho đảng tự sụp đổ.
– “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” đã thua các loại chỉ thị như chỉ thị số 19 của Bộ chính trị, có nghĩa là chỉ đề cao vai trò “Pháp trị” cũng không đủ để chống tệ nạn tha hóa quyền lực, có thể làm đảng tự sụp đổ.
Trong bài báo ngày 12/10/2016, ông nói phải tìm ra và giải quyết từ gốc cái điều kiện và tác nhân sinh ra tệ nạn tha hóa quyền lực (ông gọi tệ nạn đó là các tiêu cực). Vậy mà ông vẫn “vòng vo tam quốc”, không chỉ ra được cái gốc đó chính là Điều 4 Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 hiện hành.
Hiện nay, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tha hóa quyền lực và đảng có thể tự sụp đổ là ở Điều 4 Hiến pháp đó. Chỉ có một khẩu hiệu có thể cứu đảng của ông khỏi tự sụp đổ là “Thay đổi hoặc tự sụp đổ”.
Phải thay đổi như thế nào?
Xin thưa: Phải “Tam quyền phân lập”.
Tại sao phải thế?
Xin kể sơ qua về “phép màu” của Tam quyền phân lập để trị các tệ nan tha hóa quyền lực của nhà nước.
Tam quyền phân lập còn được hiểu với nghĩa đen là phân chia quyền lực. Đó là 1 mô hình quản lý nhà nước với mục tiêu nhằm kiềm chế quyền lực, hạn chế lạm quyền, bảo vệ tự do và công bằng pháp luật.
Ngay từ năm 1748 thuộc thế kỷ thứ 18, John Locke, Charles de Secondat, Montesquieu đã nghiên cứu về Tam quyền phân lập, trong lý thuyết về “Tinh thần pháp luật”. Ngày nay, mô hình Tam quyền phân lập đã trở thành nền tảng cơ bản của mọi nền dân chủ trên thế giới, được thể chế hóa trong Hiến pháp hiện đại của nhiều quốc gia, thể hiện ở các đạo luật của Cách mạng Pháp, Hiến pháp Hoa Kỳ 1789, Hiến pháp CHLB Đức … nhưng không có trong Hiến pháp CHXHCNVN. Sau khi Liên Xô tan rã, Hiến pháp Liên bang Nga thời Boris Yeltsin có ghi: “Quyền lực nhà nước được thực hiện dựa trên cơ sở sự phân quyền thành các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các cơ quan thực thi các quyền này phải độc lập”.
Nội dung chủ yếu của mô hình nhà nước Tam quyền phân lập là gì?
Đó là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, được tách biệt, giao cho 3 cơ quan độc lập nhau thực hiện, qua đó tạo ra “thế kiềng 3 chân”, ràng buộc, kiểm tra và giám sát hoạt động lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Theo thể chế này, không có một cơ quan hay một cá nhân nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của quốc gia để có thể lạm quyền hoặc chuyên quyền.
Theo các nhà sáng lập học thuyết Tam quyền phân lập là John Locke và Montesquieu thì quyền lực nhà nước luôn luôn có xu hướng mở rộng, tăng cường vai trò của mình và bất kỳ ở đâu có quyền lực là xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực đó thuộc về ai. Pháp luật là thước đo của tự do. Tự do chính trị của công dân là quyền mà người ta có thể làm mọi cái mà pháp luật không cấm. Vì thế tư tưởng phân quyền theo Tam quyền phân lập là đối thủ của chủ nghĩa chuyên chế phong kiến và chủ nghĩa chuyên chế cộng sản.
Thể chế chính trị tự do là thể chế được thể hiện trong mô hình Tam quyền phân lập, ở đó:
– Lập pháp biểu hiện ý chí chung của quốc gia. Nó thuộc về toàn thể nhân dân, được trao cho Hội nghị đại biểu nhân dân là Quốc hội.
– Hành pháp là việc thực hiện luật pháp đã được thành lập.
Tư pháp là để trừng trị tội phạm và giải quyết những xung đột giữa các cá nhân. Các Thẩm phán được lựa chọn từ dân và xử án chỉ tuân theo pháp luật.
Hiện nay ở Việt Nam thì sao?
Ở nước CHXHCNVN, ĐCSVN không chia quyền lãnh đạo với bất cứ tổ chức chính trị-xã hội nào, đã tạo lập một bộ máy nhà nước được tập trung quyền lực tuyệt đối vào một đảng cầm quyền là ĐCSVN, lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối mọi hoạt động của nhà nước, bao trùm cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Quyền lực tuyệt đối này được khẳng định trong Điều 4 của Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 và được thiết lập trên thực tế thông qua quy định của đảng là: mọi chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, tòa án, quốc hội đều phải do đảng viên ĐCSVN đảm nhiệm. Trong Quốc hội, trên 90% thành viên là đảng viên của đảng. Các trưởng đoàn đại biểu quốc hội của các tỉnh, các thành phố trực thuộc trung ương thường là ủy viên trung ương đảng, kiêm bí thư tỉnh ủy hoặc bí thư thành ủy. Trong Chính phủ, 100% thành viên là đảng viên. Từ Thủ tướng đến Bộ trưởng thường là ủy viên trung ương đảng hoặc ủy viên bộ chính trị kiêm đại biểu quốc hội. Trong tòa án tối cao, 100% thành viên là đảng viên, chiếm giữ Hội đồng thẩm phán của tòa án tối cao và Chánh án tòa án tối cao.
Chính Điều 4 Hiến pháp đã cho phép chỉ thị 19 ra đời,vô hiệu hóa cả 3 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. ĐCSVN đã ban hành 19 điều cấm đảng viên, trong đó cấm không được nói và làm trái nghị quyết của đảng. Nếu có cơ chế kiểm soát quyền lực thì đảng chỉ cần ban hành một nghị quyết tương tự chỉ thị 19 là có thể vô hiệu hóa hiệu lực của cơ chế đó. Vì thế, không thay đổi, còn Điều 4 Hiến pháp thì không bao giờ có thể thực hiện việc kiểm soát, giám sát, kiềm chế giữa các nhánh quyền lực của nhà nước.
Bị đảng tước đoạt mất quyền lập hội, mất quyền tự do ngôn luận, mất quyền tự do báo chí, mất quyền biểu tình, nhân dân không thể giám sát quyền lực của nhà nước, chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi tệ nạn đảng viên tha hóa quyền lực, lạm quyền, lộng quyền nhằm tìm kiếm và duy trì các đặc lợi, tham nhũng, suy đồi đạo đức, coi thường pháp luật như hiện nay.
Thay đổi nghĩa là phải rút bỏ Điều 4 Hiến pháp, chấp nhận đa nguyên, đa đảng trong chính trị và trong sinh hoạt xã hội, thực hiện tam quyền phân lập, chấp nhận sự giám sát của nhân dân, chấp nhận sự cạnh tranh về phẩm chất và năng lực đảm đương sứ mệnh của người lãnh đạo, người cầm quyền.
Chắc ông Hoàng có biết đã đến lúc phải thay đổi, nhưng có lẽ vì “ăn cây nào phải rào cây đó” nên ông không dám chỉ rõ ra trên báo chí chính thống của nhà nước. Trong bài báo ngày 12/10/2016, ông chỉ dám đề xuất những khẩu hiệu và những giải pháp râu ria, như về tư tưởng thì “đảng không được thừa nhận bất lực?”, về tổ chức thì “giương cao ngọn cờ dân chủ xã hội chủ nghĩa?”, “phát huy vai trò của các xã hội dân sự” (xã hội dân sự của quốc doanh, dưới sự lãnh đạo của đảng, trong MTTQ?), làm tốt việc hiệp thương giới thiệu đại biểu quốc hội (do đảng cử dân bầu?), thực chất vẫn là duy trì quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi” và quyền “một mình một chợ” của đảng. Thử hỏi như vậy làm sao có thể tránh được tệ nạn tha hóa quyền lực và nguy cơ đảng tự sụp đổ?
Khi thưa với ông Hoàng những điều này, chúng tôi không dám hy vọng ông sẽ xoay chuyển được tình thế của đất nước tốt lên, vì ông đã nghỉ hưu, đã rời bỏ quyền lực, ông nói nhưng không làm được. Tuy vậy chúng tôi rất cảm ơn ông đã cho nhân dân biết phần nào sự thật và nguyên nhân của tệ nạn tha hóa quyền lực trong hàng ngũ của đảng, là chính đảng đang lãnh đạo đất nước này, để nhân dân là những người yêu nước đã giúp đảng chiếm được quyền lực nhà nước kể từ tháng 8 năm 1945, sẽ nhận ra vai trò của mình, vẫn phải là những người yêu nước, sẽ đảm nhận vai trò lịch sử, rửa sạch những vết nhơ do đảng gây ra và phục hưng đất nước, để đât nước này, dân tộc này, trong đó có mình, có gia đình mình, sẽ thật sự tự do, dân chủ, thịnh vượng, hạnh phúc, sánh ngang với các quốc gia dân chủ, văn minh trên thế giới.

(Ba Sàm)


Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.