Việt Nam Thời Báo

Thực chất “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” trong văn học chiến tranh là gì?

Phùng Hoài Ngọc

 


(VNTB) – Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, đất nước thống nhất lại bị Trung Quốc phản bội, xúi giục và hậu thuẫn cho Khmer Đỏ tấn công biên giới Tây nam, trực tiếp xua hơn nửa vạn quân Trung Quốc điên cuồng tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979…, cựu TBT Lê Duẩn mới nổi giận nói huỵch toẹt “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho cả Liên Xô, Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia- mục từ Lê Duẩn), tức là ông công khai thừa nhận Cuộc chiến ý thức hệ bao trùm tất cả.
Nhân tháng 12 năm 2014 kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội NDVN và Ngày quốc phòng toàn dân, bộ máy tuyên truyền tập trung công suất quảng bá kỷ niệm sự kiện này cùng với các hoạt động phần nhiều là văn nghệ..
Trong tất cả các giáo trình văn học Việt Nam hiện đại xưa nay ở nước ta, giới nghiên cứu và giảng dạy văn học giai đoạn chiến tranh 1945- 1954- 1975 đều cho rằng “sợi chỉ đỏ” của văn học nghệ thuật là “chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”. Từ giáo trình văn học chính thống dẫn đến các bài tuyên truyền trên đài báo nhà nước suốt nhiều chục năm qua đều ca ngợi “lý tưởng anh hùng cách mạng”.
Thực chất nền văn học ấy là gì?
Văn học cần được xem xét trên cơ sở bối cảnh lịch sử của dân tộc. Thực tế lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 (1945 – 1954 – 1975) đã diễn ra ba cuộc chiến chồng chéo lên nhau.
Cuộc chiến 1: cuộc chiến tranh ý thức hệ trên phạm vi toàn cầu: chủ nghĩa cộng sản đối đầu chủ nghĩa tư bản đế quốc, đó là cuộc chiến tranh không tuyên bố.
Hầu như quân dân miền Bắc không hề biết có cuộc chiến “ý thức hệ” ngầm bên trong cho tới khoảng năm 1979 khi nó được tiết lộ.
Cuộc chiến 2: cuộc chiến tranh Mỹ – Việt Nam, thực chất là gì?
Chỗ này ý kiến còn chưa nhất trí ở Việt Nam và cả ở nước ngoài. Ngay các nhà sử học, nhà bình luận chính trị ở Hoa Kỳ từng tranh luận khá nhiều về tên gọi cuộc chiến này (tức là chỉ ra bản chất cuộc chiến) vẫn chưa đạt được sự nhất trí, họ đành tạm gọi là “Vietnam War” (chiến tranh Việt Nam). Họ không giải được hoặc không nỡ giải một phương trình đa ẩn số.
Luồng ý kiến thứ nhất, hiện nay được coi là chính thống. Người Mỹ đánh phá miền Bắc suốt từ 1964 đến 1972, khiến cho miền Bắc biến dạng, buộc phải chuyển từ cuộc sống hòa bình sang cuộc sống thời chiến với bao tổn thất- đó là một thực tế lịch sử không thể chối bỏ.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng: chính phủ Mỹ giúp đỡ chính phủ Sài Gòn (VNCH) như một đồng minh và giúp nhân dân miền Nam xây dựng một thế giới tự do dân chủ mô hình phương Tây. Đó cũng là một thực tế lịch sử.
Vậy là phải công nhận cả hai thực tế lịch sử, song song tồn tại.
(Về cách gọi chính quyền Sài Gòn nên dùng ngôn từ khoa học chính trị đúng đắn là Mỹ – Việt Nam cộng hòa kết đồng minh, không nên gọi là “bè lũ tay sai bán nước” mang tính thóa mạ).
Cuộc chiến 3: Nội chiến Bắc-Nam giành lãnh thổ và quyền lực.
Sau Hiệp định Geneva, Hà Nội nhắn tin cho Sài Gòn cùng bàn việc hiệp thương tổng tuyển cử, Sài Gòn từ chối (như ông Ngô Đình Diệm nói đại ý: không tin họ bầu cử đàng hoàng, không chơi được) (*[1]). Phương Tây bình luận cho rằng ông Diệm thiếu tự tin với tổng tuyển cử. Vậy là ông Hồ Chí Minh thắng một điểm chính trị, ông Diệm thua một điểm !
Vậy thì chỉ còn là… nội chiến thôi. Logic khách quan là thế (mấy ai biết được thực chất là cuộc đối đầu ý thức hệ !).
Đại đa số nhân dân miền Bắc, đương nhiên kể cả văn nghệ sĩ thời ấy, chỉ biết mình tham gia kháng chiến chống Pháp rồi lại chống Mỹ, không ngờ có “hai cuộc chiến khác” khéo chen vào.
Văn nghệ sĩ chỉ sáng tác về cuộc chiến 2, tức cuộc chiến chống Mỹ can thiệp. Không có tác phẩm nào viết về hai cuộc chiến kia.
Khái niệm “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng” từ đâu sinh ra?
Chúng tôi biết chắc rằng cái “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” ấy nhập khẩu từ Liên Xô, Trung Quốc, do các trí thức văn nghệ sĩ đi du học, cũng như đi buôn, mang hàng về. Khái niệm này được nghệ thuật hóa, chi phối phổ biến trong văn học, điện ảnh và sân khấu miền Bắc từ 1954 đến 1975.
Hóa ra, chúng ta chưa có một nền “văn học nghệ thuật cách mạng” đúng nghĩa, danh chính ngôn thuận. Chỉ có một cái gì đó na ná, trài trại, từa tựa, mượn màu son phấn. Chúng ta cần nghiêm túc thẳng thắn dù phải đau xót mà kết luận như vậy.
Có một mảng nhỏ “văn học cách mạng đích thực” nhưng rất yếu ớt và sớm lụi tàn
Mảng văn học cách mạng XHCN chính danh này được sáng tác vội vàng, nhem nhuốc và mau thất bại, gồm các tác phẩm về “tập thể hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa XHCN trên miền Bắc 1954-1975”.
Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu.
Như các tiểu thuyết Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm của Đào Vũ, Tầm nhìn xa của Nguyễn Kiên, Mùa lạc, Chủ tịch huyện của Nguyễn Khải, Đoàn thuyền đánh cáĐất nở hoa của Huy Cận, hai tập thơ Ngói mới, Riêng chung của Xuân Diệu,  Bài ca Xuân 61, Gió lộng của Tố Hữu, Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên. v.v…Ngay cả vở kịch nổi tiếng một thời mang tên “Cách mạng” của Nguyễn Khải  viết ngay sau 1975 cũng chỉ là cuộc cãi cọ của những người trong một gia đình vốn phân tán hai miền Bắc- Nam nay “đoàn tụ” nhưng không hòa hợp.  Những tác phẩm này có chút hơi hướng “cách mạng” nhìn từ bề ngoài ngôn từ và nội dung thể hiện, nhưng do thiếu máu, thiếu sức sống trí tuệ và hiện thực nên bỗng trở thành hài hước… Nguyễn Khải sau đó cũng chẳng dám nhắc đến “đứa con tinh thần” của mình nữa, trái lại ông viết tùy bút cuối đời mang tên “Đi tìm cái tôi đã mất”.
Khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc được vài năm thì các nhà soạn sách Văn đành cắn răng rút dần những tác phẩm “xây dựng CNXH” ra khỏi sách giáo khoa Văn, chỉ còn bớt lại một truyện ngắn nhỏ nhoi “Mùa lạc” của Nguyễn Khải. Và bây giờ trên mọi diễn đàn văn học nghiêm túc, chính thống, chẳng ai muốn nhắc tới các tác phẩm viết về đề tài XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở MIỀN BẮC nữa. Các nhà tuyên truyền và giáo dục theo “định hướng” cũng không đủ can đảm nhắc tới “con người mới xã hội chủ nghĩa” nữa.
Phần chủ yếu của văn học chiến tranh là tiếp nối chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là nguồn gốc phát sinh chủ nghĩa anh hùng truyền thống xưa nay đều được ghi dấu rõ nét nhất trong văn học. Trước khi người Pháp người Mỹ can thiệp vào nước ta, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam nổi lên xuyên suốt ngàn năm do hoàn cảnh nước ta phải thường xuyên chống lại sự xâm lược triền miên của giặc Tàu phong kiến. Cảm hứng anh hùng ấy được thể hiện rực rỡ trong những áng văn thiên cổ như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Bạch Đằng giang phú, Thơ văn Lý- Trần,…đến thời cận đại bi hùng với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Bài thơ trữ tình yêu nước tiêu biểu nhất có lẽ là bài bát cú “Cảm hoài” (còn gọi Thuật hoài) của Đặng Dung danh tướng thời Hậu Trần. Hai câu thơ kết rực rỡ suốt ngàn năm soi sáng một chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống: Thù nước chưa trả xong, đầu sớm bạc/ Bao phen mài gươm báu dưới ánh trăng.
Những tác phẩm truyền thống kể trên được tiếp nối đến thời hiện đại, liền một mạch với những Rừng xà nu (Nguyên Ngọc), Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu), Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), và đặc biệt với Đất quê ta mênh mông (Dương Hương Ly): hai câu thơ sau như sợi dây nối liền với lão tướng Đặng Dung, nối tiếp truyền thống với hiện đại: Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc.
Không thể tìm thấy yếu tố “cách mạng XHCN” trong những áng văn tiêu biểu nhất thời chiến tranh 1945-1975 !
Bản chất thứ nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam lộ rõ ra sau 1979
Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, đất nước thống nhất lại bị Trung Quốc phản bội, điên cuồng tấn công sáu tỉnh biên giới 1979, đợt sau 1984, cựu TBT Lê Duẩn mới nổi giận nói huỵch toẹt “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho cả Liên Xô, Trung Quốc” (sách Sự thật ba mươi năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Trung Quốc– Nxb Sự thật), tức là ông công khai thừa nhận Cuộc chiến ý thức hệ bao trùm tất cả.
Lời TBT Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định qua nhiều văn bản, rằng “chúng ta kiên định chủ nghĩa Mác- Lê nin” thì bản chất cuộc chiến ý thức hệ lộ ra rõ ràng hơn nữa.
Đó cũng là lúc các tài liệu lịch sử được bạch hóa và các tướng lĩnh, giới trí thức tinh hoa, văn nghệ sĩ chân chính rơi vào tình trạng tái nhận thức với bao nhiêu dằn vặt đau đớn. Họ phải tự thay đổi nhận thức là lẽ tất yếu đương nhiên. Mặt khác, đã ngấm sâu thuốc kích thích (doping) thì bây giờ phải “giải thuốc kích thích”. Đó là cố gắng của nhà văn chân chính.
Giải thuốc kích thích trong văn học nghệ thuật
Nếu đã có “thuốc kích thích”, dù sao cũng là thuốc độc, thì con người lại phải có “thuốc giải”. Một số tác phẩm “giải kích thích” tiêu biểu như:
Lời ai điếu cho một nền văn học minh họa”, tùy bút (nhà văn Nguyễn Minh Châu)
Đời cát”, kịch bản phim truyện của nhà văn Nguyễn Quang Lập chủ blog quê choa   (chuyển thể truyện ngắn“Ba người trên sân ga” của nhà văn Hữu Phương)
“Linh nghiệm”, truyện ngắn (Trần Huy Quang)
Đi tìm cái tôi đã mất”, tùy bút (nhà văn Nguyễn Khải)
Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”- hai bộ phim tài liệu đoạt giải thưởng quốc tế (đạo diễn Trần Văn Thủy)
Nỗi buồn chiến tranh”, tiểu thuyết (nhà văn Bảo Ninh)
Bước qua lời nguyền”, tiểu thuyết (nhà văn Tạ Duy Anh).
Đất quê ta mênh mông- phần 2” (nhà thơ Bùi Minh Quốc).v.v…
Hiện tượng mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học là: Luận văn thạc sỹ Đỗ Thị Thoan Nhã Thuyên. Đó cũng là một liều thuốc giải kích thích được chế tác bởi nữ thạc sỹ trẻ và những người hướng dẫn, chấm luận văn làm nên (chuyên gia văn học từ Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội và Viện Văn học nhất trí chấm điểm 10/10).
Tuy nhiên, để chống lại cố gắng tự giải kích thích, hệ thống truyền thông của Đảng từ năm 2005 nhân việc phát hiện hai Nhật ký liệt sĩ của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc đã huy động hàng ngàn bài báo (báo hình, báo nói, báo điện tử) và các diễn đàn sinh hoạt đoàn thanh niên, cố gắng phục hồi thuốc kích thích một lần nữa. Giới âm nhạc theo “định hướng” thì đầu tư vào các chương trình “Giai điệu tự hào”, “Những bài hát còn xanh” trên VTV3. VTV6 .v.v…quanh năm rỉ rả. Cố gắng này nằm trong định hướng “ăn mày dĩ vãng” để bù đắp khoảng trống lý tưởng ở Việt Nam hiện nay.
Lời kết
Chúng tôi không có tham vọng tập trung vào nghiên cứu bút pháp của mảng văn học chiến tranh (1954-1975). Vì thế bài này chỉ chú ý nghiên cứu cảm hứng nghệ thuật trên cơ sở bối cảnh lịch sử và truyền thống văn học chiến tranh thời phong kiến– đó là điều kiện tiên quyết của sáng tạo nghệ thuật giai đoạn này. Thời gian trôi qua đủ để giới văn học bác bỏ cái gọi là “phương pháp sáng tác hiện thực XHCN” vốn học tập từ văn học Liên Xô. Đó là nói về tổng thể, chứ thực ra mỗi nhà văn nhà thơ miền Bắc hồi ấy vẫn có bút pháp riêng. Văn nghệ sĩ cũng như tầng lớp trí thức đều được/bị học tập chính trị (không phải môn chính trị học, mà chỉ là đường lối chủ trương của Đảng)… Kết quả học chính trị chỉ là củng cố lập trường chính trị, mà không ảnh hưởng gì đến bút pháp sáng tác. Nhà thơ Xuân Sách cựu BTV tạp chí Văn nghệ quân đội hồi tưởng về việc học chính trị thời ấy “Học một ngày, hai ngày, có khi cả tuần cả tháng (…) Những buổi lên lớp tập trung tại hội trường gồm hàng ngàn sĩ quan, anh em văn nghệ. Các nhà văn, các họa sĩ, nhạc sĩ…thường ngồi tập trung với nhau ở những hàng ghế cuối hội trường, thành một “xóm” văn nghệ. Để chống lại sự mệt mỏi phải nghe giảng về “hai phe, bốn mâu thuẫn”, về “ba dòng thác cách mạng”, về “kiên trì, tăng cường, nỗ lực, quyết tâm…” mấy anh văn nghệ vốn quen thói tự do thường rì rầm với nhau những câu chuyện tào lao, hoặc che kín cho nhau để hút một hơi thuốc lá trộm, nuốt vội khói nhiều khi ho sặc sụa. Nhưng rồi những chuyện đó cũng bị phát hiện, bị nhắc nhở phê bình. Vậy phải thay đổi, chuyển sang “bút đàm”. (Xuân Sách- Lời nói  đầu sách Chân dung nhà văn – Nhà xuất bản Văn học 1992).
PHN


[1] . Wikipedia: Quốc gia Việt Nam (tức Việt Nam cộng hòa) từ chối tổng tuyển cử

Mỹ không công nhận kết quả Hiệp định Genève tuy nhiên vẫn tuyên bố ủng hộ nền hòa bình tại Việt Nam và thúc đẩy sự thống nhất hai miền Nam Bắc Việt Nam bằng các cuộc bầu cử tự do dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, những nguồn tin khác nhau chỉ ra cho Tổng thống Mỹ Eisenhower thấy khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu cuộc tổng tuyển cử được thi hành. do đó Mỹ thực tế lại ủng hộ việc Việt Nam Cộng Hòa từ chối tổ chức Tổng tuyển cử tự do thống nhất Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm tuyên bố: “Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ”, “thống nhất đất nước trong tự do chứ không phải trong nô lệ” nhưng đồng thời Ngô Đình Diệm còn nói thêm là ông “nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc”.
Nguồn: The Reunification of Vietnam, PRESIDENT NGO DINH DIEM’S BROADCAST DECLARATION ON THE GENEVA AGREEMENTS AND FREE ELECTIONS (July 16, 1955), page 24, Vietnam bulletin – a weekly publication of the Embassy of Vietnam in United States,
———————

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả

Tin bài liên quan:

VNTB- “Dân chủ đến thế là cùng” = đảng…đảng….đảng !

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhân cuộc trao đổi với trò cũ về vụ Đồng Tâm: bàn về thầy trò hiện nay

Phan Thanh Hung

Địa chủ xưa và Tài chủ nay làm giàu như thế nào?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo