VTV
Cùng với những diễn biến phức tạp của mưa lũ, vấn đề xả lũ của những công trình thủy điện cũng là đề tài khiến báo chí nóng lên trong tuần qua.
Hàng chục người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị nhấn chìm do lũ tại các tỉnh miền Trung, nhưng tại xã miền núi Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, người dân nơi đây lại trở thành nạn nhân của việc xả lũ của một nhà máy thủy điện trong vùng.
Báo Thanh niên đầu tuần gây chú ý với dòng tít “ Thủy điện xả lũxuống dân”. Chỉ 4 tiếng sau khi đại diện nhà máy thủy điện thông báo qua điện thoại cho lãnh đạo huyện, việc xả lũ đã được tiến hành với lưu lượng rất lớn, khiến mực nước lên nhanh. Sau 3 giờ xả lũ, đỉnh lũ chỉ thấp hơn so với đỉnh lũ lịch sử năm 2010 khoảng 50cm. Người dân không phản ứng kịp, tài sản, gia súc gia cầm của hàng trăm hộ dân bị nước cuốn hoặc nhấn chìm.
Theo lý giải của đại diện nhà máy, mưa quá lớn đã đe dọa nhà máy và thân đập, do đó, việc xả lũ là bất khả kháng và đúng theo quy trình. Trong khi đó, lãnh đạo huyện Hương Khê cho biết một thông tin đáng chú ý: “Nước ở hồ chưa ở mức báo động mà họ xả lũ mức tối đa vào ban đêm đã khiến người dân không kịp di tản tài sản, do đó, xả lũ là không phù hợp”.
Tờ Tiền phong trích dẫn phát biểu đầy bức xúc của Chủ tịch nhân dân huyện Hương Khê “Phải làm rõ việc nhà máy gửi văn bản thông báo xả lũ cho ai, thời gian nào, ai nhận được văn bản. Các ông nói đúng quy trình mà nhà dân chìm nghỉm trong vài giờ”.
Trong khi đó, báo Nông nghiệp Việt Nam khẳng định quy trình xả thải, xả lũ của nhà máy thủy điện mà gây hủy hoại nhiều tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, môi trường, thậm chí gây chết người, chắc chắn đó là quy trình có lỗi, có hại, nguy hiểm. Những quy trình gây lỗi rõ ràng như vậy cần phải lập tức loại bỏ. Việc khẳng định “đúng quy trình” thể hiện sự vô cảm, vô trách nhiệm, đầy tính chất đùn đẩy, đổ lỗi.
Thể hiện thái độ phản ứng gay gắt trước những phát ngôn “đúng quy trình” của lãnh đạo nhà máy thủy điện, nhiều báo thậm chí coi đây là sự ngang ngược đã tồn tại từ lâu.
Có thể khi dự án được phê duyệt, mọi phương án đều được thuyết trình rõ ràng, nhưng khi vận hành, các nhà máy thủy điện chỉ nghĩ đến việc bảo vệ tài sản của mình, cái lợi của mình. Bao nhiêu năm qua, người dân phía hạ lưu chịu đựng và chấp nhận như một sự bắt buộc, điều này càng ngày càng thấy sự vô lý. Từ đây nhìn lại việc xây dựng các thủy điện, báo Đại biểu Nhân dân đưa ra lời cảnh báo “Đừng để thủy điện thành nỗi sợ” cùng những câu hỏi còn bỏ ngỏ.