Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
2016-05-21
Tranh cổ động bầu cử Quốc Hội XIV tại Việt Nam, ảnh chụp hôm 20/5/2016.
Citizen photo
Cứ 5 năm một lần, kỳ bầu cử đại biểu Quốc Hội XIV và hội đồng Nhân Dân các cấp cấp lại diễn ra. Trong kỳ bầu cử nhiệm kỳ 2016 – 2021 phía chính quyền Việt Nam đã làm gì và phản ứng của người dân ra sao?
Ngày 22/5/2016 chính quyền Việt Nam sẽ tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Cử tri trên cả nước sẽ đi bỏ phiếu để chọn ra 500 Đại biểu Quốc hội và nhân sự cho Hội đồng Nhân dân các cấp.
Trước kỳ bầu cử có rất nhiều ứng cử viên độc lập đã nộp đơn xin ứng cử Đại biểu Quốc hội, điển hình như ứng cử viên Nguyễn Quang A, ứng cử viên Trần Đăng Tuấn, ứng cử viên Nguyễn Trang Nhung… Nhưng những ứng cử viên độc lập này đã bị loại khỏi danh sách ứng cử khi họ đến với hội nghị Hiệp thương lần thứ ba. Kết quả này không gây bất ngờ cho những người đấu tranh tại Việt Nam cũng như những nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam.
Trên cổng thông tin điện tử Vnexpress sáng ngày 18/5/2016 đăng tải thông tin về phiên họp thứ 5 do hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức, và văn phòng hội đồng bầu cử đã đề nghị tăng cường an ninh, trật tự nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử sắp tới, đề nghị đó nêu rõ:
“Kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử, bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong dịp bầu cử.”
Kiểm duyệt thông tin về bầu cử
Tôi đã test thử và đã thấy rằng, ở Việt Nam hiện nay các nhà mạng Vinaphone, Viettel… mà tôi đang dùng thì những tin nhắn có từ ngữ liên quan đến chữ ‘bầu cử’ đều bị chặn, không gửi được tin nhắn.
-Trần Minh Nhật
Trước ngày bầu cử 22/5/2016, phía chính quyền Việt Nam đã kiểm soát thông tin cách gắt gao, đặc biệt là kiểm duyệt những người sử dụng dịch vụ viễn thông như dịch vụ gửi tin nhắn sms thông qua các nhà mạng như Viettel, Mobifone, Vinaphone… Bất kỳ tin nhắn nào có liên quan đến chữ “bầu cử” đều bị chặn, và sẽ không gửi được tin nhắn sms.
Từ Lâm Đồng, cựu tù nhân Trần Minh Nhật cho đài Á Châu Tự Do biết về tình trạng kiểm duyệt thông tin liên quan đến bầu cử:
“Tôi đã test thử và đã thấy rằng, ở Việt Nam hiện nay các nhà mạng Vinaphone, Viettel… mà tôi đang dùng thì những tin nhắn có từ ngữ liên quan đến chữ ‘bầu cử’ đều bị chặn, không gửi được tin nhắn.”
Do tình trạng kiểm duyệt tin nhắn sms của chính quyền Việt Nam liên quan đến vấn đề ‘bầu cử’ cho nên trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện một cụm từ ‘thai cử’. Sỡ dĩ có cụm từ này, bởi tất cả những từ liên quan đến ‘bầu cử’ như quả bầu, bà bầu, mang bầu… đều bị chặn. Việc cư dân mạng xã hội Facebook dùng từ này được Cựu tù nhân Trần Minh Nhật diễn giải như sau:
“Đó là cách mỉa mai, người ta mỉa mai cuộc bầu cử này, đồng thời gửi thông điệp đến chính quyền rằng, ngay cả khi người ta chặn thì người dân vẫn sáng kiến để vượt qua sự kiểm duyệt, người ta không cho tôi có ‘bầu’ thì tôi có ‘thai’ không có cho ‘bầu cử’ thì chúng tôi sẽ ‘thai cử’ thôi.”
Tin nhắn có chữ bầu cử gởi qua điện thoại di động đều bị chặn. Citizen photo.
Ngoài việc kiểm soát tin nhắn trên điện thoại di động, chính quyền Việt Nam còn kiểm soát việc truy cập vào mạng xã hội Facebook trước ngày bầu cử. Rất nhiều người dân Việt Nam đã rất vất vả khi truy cập vào mạng xã hội Facebook.
Chị Trần Thị Nga, một người hoạt động đang sinh sống tại Hà Nam cho biết về tình trạng gặp khó trăn trong việc truy cập mạng xã hội Facebook, chị nói:
“Đó là tình trạng chung ở khu vực nhà tôi, ở những nhà xung quanh cũng vậy, việc truy cập vào mạng xã hội Facebook rất chập chờn và thường xuyên bị chặn.”
Kiểm soát, canh giữ người bất đồng chính kiến
Cựu tù nhân Trần Hữu Đức – một người bất đồng chính kiến sinh sống tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, anh Trần Hữu Đức từng tham gia cuộc ‘rải truyền đơn – tẩy chay bầu cử 2011’sau đó bị chính quyền Việt Nam bỏ tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống phá nhà nước Xã hội Chủ nghĩa’. Anh xác nhận về tình trạng kiểm duyệt thông tin, kiểm soát người dân trước ngày bầu cử:
“Chính quyền luôn luôn canh chừng người dân từ mọi khía cạnh, từ thông tin đại chúng, truyền thông, điện thoại… đều bị kiểm soát. Ngay giữa chợ chợ chúng tôi khi các bà đi bán, họ tụm năm, tụm bảy hay tụm ba để buôn bán cũng bị công an lại dẹp và cấm, họ nói rằng, tỉnh sắp về đây để tổ chức bầu cử nên không được ngồi đông ở giữa đường.
Và từ ngày 30/4/2016 đến nay, chính quyền cho người túc trực cả ngày cả đêm, ở khu vực địa phương tôi có sáu địa điểm như vậy, rồi đêm lại thì đi lại liên tục làm cho khu vực tôi sống luôn ồn ào, đến tận 12 giờ đêm vẫn còn có người đi.”
Anh Trần Hữu Đức còn cho biết, người anh họ là cựu tù nhân Đậu Văn Dương cũng trong tình trạng như vậy, gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại. Muốn rời khỏi địa phương thì phải vượt qua 6 trạm kiểm soát của công an, mặc dù đã hết án quản chế.
Mấy ngày gần kỳ bầu cử, lực lượng côn an mặc sắc phục và thường phục, họ đi khống chế những người bất đồng bất chính kiến. Như bản thân tôi khi đi ra đường thì bị công an bắt đưa về nhà, hay cả khi tôi đưa con đi chơi công viên, siệu thị, sở thú đều bị như vậy.
-Trần Thị Nga
Cũng chung tình trạng bị công anh canh giữ, kiểm soát, chị Trần Thị Nga nói:
“Mấy ngày gần kỳ bầu cử, lực lượng côn an mặc sắc phục và thường phục, họ đi khống chế những người bất đồng bất chính kiến. Như bản thân tôi khi đi ra đường thì bị công an bắt đưa về nhà, hay cả khi tôi đưa con đi chơi công viên, siệu thị, sở thú đều bị như vậy.”
Khi được hỏi về lý do tại sao chính quyền Việt Nam chặn tin nhắn sms trên điện thoại di động, gây khó khăn trong việc truy cập Facebook, kiểm soát và canh giữ những người bất đồng chính kiến, cựu tù nhân Trần Minh Nhật cho biết:
“Tôi nghĩ rằng chính quyền rất là sợ, họ sợ chính ở nơi họ có sự ‘khất tất’, họ sợ khi bị đưa những thông tin như thế này, thế kia lên truyền thông, họ sợ người dân bị kích động. Và họ coi người dân là những người rất ngu dốt, chính vì nghĩ người dân là ngu dốt nên họ nghĩ người dân biểu tình, người dân bầu cử là do có thể lực này, thế lực khác kích động, xúi giục người dân. Vậy nếu một chính quyền chỉ xem người dân là kẻ dốt nát, thứ yếu, là phương tiện phục vụ cho mục đích chính trị của mình thì chính quyền đó đã đánh giá mình quá cao, và chính quyền đó không còn phục vụ cho lợi ích của người dân nữa.”
Cựu tù nhân Trần Minh Nhật cũng nói thêm, chính quyền Việt Nam đang lo sợ những người đấu tranh, họ sợ những người đấu tranh sẽ nói lên sự thật về vấn nạn ‘bầu cử’ mang tính hình thức ‘đảng cử – dân bầu’, vấn nạn mua bán chức quyền thông qua các kỳ bầu cử… cho nhiều người dân biết.
Và cuộc bầu cử như vậy thì không cần thiết phải diễn ra, bởi nó tiêu tốn quá nhiều tiền thuế của người dân, thay vì tổ chức bầu cử, hãy lấy tiền đó để ‘giải quyết vấn nạn biển nhiễm độc tại các tỉnh miền Trung’.