Việt Nam Thời Báo

TPP huyền bí và ma mị *

VNTB: Một năm rưỡi đã giấu mặt trôi qua kể từ ngày Bộ chính trị Việt Nam hạ quyết tâm “sẽ kết thúc đàm phán TPP trong năm 2013”. 
Năm mới 2015 lại đến, lại một năm “cơ hội và thách thức” nữa cho những nhà chính trị chưa từng là kỹ trị của Việt Nam. Bài viết dưới đây đăng trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn phảng phất một nỗi buồn sâu sắc: cứ với cái đà này, không biết đến bao giờ Việt Nam mới vào được TPP. 
Lần đầu tiên một tờ báo nhà nước phải biểu lộ từ “huyền bí”. Một tựa đề đủ nghĩa và sâu xa.
Nhưng những cản ngại về doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ… mà bài báo nêu ra vẫn chưa dủ. Dân chủ, nhân quyền và công đoàn độc lập mới đang là những chốt chặn kiên định nhất đối với Nhà nước Việt Nam. 
Có đến 2/3 quốc hội Mỹ đã xác quyết: không công đoàn độc lập, không TPP !
Dường như không khí mệt mỏi và thất vọng đang bao trùm lên không chỉ đoàn đàm phán VN, mà với cả những người đang loay hoay không biết phải cải cách nền chính trị VN như thế nào và bắt đầu từ đâu… 



———————————————

TPP huyền bí


Hoàng Thục Minh

(TBKTSG) – Bất chấp các nỗ lực, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không thể về đích trong năm 2014, và mốc thời gian được thiết lập cho năm nay 2015. Các thông tin mới nhất cho thấy các thành viên đang có dự định bắt đầu xem xét lại khía cạnh pháp lý của các chương đã được hoàn tất đàm phán trước khi đạt đến được một thỏa thuận cuối cùng cho một hiệp định chung.

Vẫn… “chưa có bản nào cả”

Vòng đàm phán mới sẽ tiếp tục trong đầu năm nay vào cuối tháng 1 tại Mỹ, cho một vòng không chính thức để sau đó vào tháng 2 hoặc tháng 3 là cuộc gặp của các bộ trưởng để biểu thị quyết tâm chính trị và giải quyết những khúc mắc còn lại. Gần 30 vấn đề đàm phán trong TPP phần lớn đã được giải quyết.

TPP là từ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong năm 2014. Doanh nghiệp tỏ ra nóng lòng, chuyên gia lo lắng. Giới luật sư thì sốt ruột: “TPP đâu, cho tôi một bản để nghiên cứu” trong cuộc gặp gỡ với trưởng đoàn đàm phán TPP Trần Quốc Khánh cách đây chừng một năm. Ông Khánh đã phải liên tục giải thích: “TPP vẫn đang đàm phán và chưa có bản nào cả”. Rất nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về chuyện các doanh nghiệp Việt Nam rồi sẽ mất hút trên thị trường.

Ông Khánh nhẹ nhàng: “Tôi không bình luận mà chỉ xin đưa ra một yêu cầu là hãy cho tôi một ví dụ về một quốc gia nào đó sau khi ký một hiệp định FTA và có quan hệ thương mại tự do với Hoa Kỳ, Canada, với Úc, New Zealand và nền kinh tế ngay lập tức lâm vào tình trạng khó khăn, bất ổn hay đổ vỡ? Tôi cũng xin đưa thêm một thông tin khác về chuyện sức ép cạnh tranh của chúng ta còn yếu. Ngay từ thời chúng tôi đàm phán hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 1997 đã nghe nói đến chuyện này. Nhưng sau đó không có gì xảy ra. Và sau đó khi đàm phán gia nhập WTO, lại một lần nữa chúng tôi nghe nền kinh tế sẽ không chịu nổi, các doanh nghiệp sẽ đổ vỡ hàng loạt. Chuyện đó cũng không xảy ra. Đúng là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian qua, nhưng theo tôi không phải như nhiều chuyên gia đã nêu”.

Tháng 7-2014, ông Trương Đình Tuyển, cố vấn đoàn đàm phán, đăng đàn trước các doanh nghiệp ở TPHCM. Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi trốn viện đến với câu hỏi: “Với bảy năm WTO, chúng ta đã rơi vào những chiếc bẫy tự chúng ta giăng ra. Vậy nay bước qua TPP, vốn khắt khe hơn nhiều, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp tư nhân cần phải chuẩn bị gì cho thời gian sắp đến?”.

Cơ hội từ TPP rất lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Thông điệp từ phía Việt Nam rất rõ ràng: TPP là áp lực cải cách thể chế.




Ông Tuyển thừa nhận: “WTO không phải là cây gậy thần, cũng không phải hoàn toàn cạm bẫy, mà chỉ tạo ra những cơ hội, đặt ra những thách thức, và tận dụng được cơ hội hay không là do chủ thể của chúng ta quyết định. Chủ thể đây chính là Nhà nước và bản thân doanh nghiệp. Còn có vượt qua thách thức hay không, thì cũng do chủ thể…”.

Phần sau của câu trả lời ông nhắc đến việc các doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, chưa vượt qua được các thách thức vì hai lý do: gặp phải thời khủng hoảng và hệ thống tài chính yếu kém. “Doanh nghiệp thì có một truyền thống xấu: kinh doanh theo cơ hội không có chiến lược bài bản, có cơ hội là lợi dụng sự thay đổi chính sách để trục lợi. Khi thể chế minh bạch thì doanh nghiệp buộc phải có chiến lược bài bản, dài hạn. Ban đầu, mọi việc có thể khó, nhưng đó là con đường phải đi. Không còn con đường nào khác”.

Được nhắc tới nhiều, nhưng TPP cụ thể như thế nào thì chẳng một ai mảy may biết được. Một không khí huyền bí đang bao phủ lấy bản hiệp định được coi là mẫu mực của thế kỷ 21 này. Đám mây huyền bí không chỉ trùm lấy giới doanh nghiệp mà còn lẩn khuất ngay cả với chính giới đầy quyền lực ở các quốc gia thành viên, không loại trừ ngay cả trên bàn đàm phán.

Hiệp định FTA thế hệ mới này được cho là sẽ cắt giảm ngay lập tức 90% các dòng thuế. 10% còn lại sẽ được cắt giảm trong những năm kế tiếp, lần lượt theo các mốc thời gian 3-5-7 và 10 năm, chưa biết sẽ giảm theo kiểu bậc thang hay tuyến tính.

Giằng co… bí mật
Bề ngoài thì như thế, đằng sau là những cuộc giằng co không khoan nhượng. Không phải cả 12 thành viên ngồi chung mà đây là cuộc chơi của các thỏa thuận song phương với các bản chào thuế bí mật, bên thứ ba không hề được biết. Thịt bò chẳng hạn, một trong năm “đền thiêng” của ngành nông nghiệp Nhật Bản, đang là cuộc dền dứ giữa hai thành viên lớn nhất: Mỹ – Nhật.

Nhật thì đã có một FTA với Úc, cũng là một thành viên đàm phán, với mức thuế được công bố là 19,5%, nay họ đã “nhượng bộ” đưa về mức này với Mỹ, tức đã giảm đi một nửa. Úc và Mỹ là hai cường quốc về thịt bò nên người Nhật có lý do để lo. Trong khi đó, với Việt Nam chẳng hạn, mức thuế này có thể được chào về 0% và yên tâm vì chẳng thể đe dọa được nền nông nghiệp của đất nước hoa anh đào này. Hay mức thuế dệt may từ Việt Nam vào Mỹ sẽ giảm 95%, nhưng người Mỹ có thể chào ở những dòng thuế mà kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam chẳng đáng là bao, và giữ lại 5% những dòng thuế lớn nhất, để có thể mặc cả ở những vấn đề khác. Các cuộc giằng co cứ thế đi từ vòng đàm phán này đến cuộc gặp gỡ khác, kéo dài chưa biết khi nào kết thúc.

Các thỏa thuận còn bí mật đến nỗi các nghị sĩ đầy quyền lực cũng chẳng hề mảy may được biết. Điều này khiến cho Quốc hội Mỹ nổi giận, cho rằng sự bí mật đang giết chết nền dân chủ. Giới đàm phán thì tiến thoái lưỡng nan: đưa cho các nghị sĩ coi thì sẽ bị lộ, lỡ họ không đồng ý thì dở, mà không đưa coi thì bị làm khó dễ, dọa sẽ không thông qua. Phe Dân chủ thua trong kỳ bầu cử vừa qua lại là tín hiệu tốt cho TPP. Người sẽ nắm giữ chiếc ghế Chủ tịch Ủy ban Tài chính thượng viện Mỹ trong nhiệm kỳ mới là Orrin Hatch cho biết việc trao TPA – quyền đàm phán nhanh – sẽ là một trong những vấn đề ưu tiên của ông khi quốc hội mới nhóm họp.

Không khí huyền bí cứ thế bao trùm lấy TPP, thảng hoặc mới có một vài thông tin rò rỉ, một vài tin đồn hay vài tuyên bố mang tính chính trị. Nhưng có những người biết khá rõ những điều khoản liên quan đến mình: các doanh nghiệp lớn đứng đằng sau vận động hành lang. Họ luôn có những thông tin cập nhật nhất. Điều đó cũng phải vì vận động hành lang trở thành một hoạt động hết sức phổ biến. Ở cuộc đàm phán vòng thứ 7 tại TPHCM, như quan sát của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, phái đoàn Mỹ có ngay một phòng riêng dành cho các quan chức doanh nghiệp vận động chuyên nghiệp. Mỗi khi bàn đến một vấn đề gì đó, thì các nhà đàm phán thường qua phòng kế bên đó để tham vấn. Dĩ nhiên, các cuộc tham vấn chỉ giới hạn ở một cấp độ nhất định vì nếu lộ ra thì sẽ gặp sự chống đối từ bên ngoài, và sức ép đó sẽ quay trở lại trên bàn đàm phán.

Càng về cuối, phần xương xẩu nhất của đàm phán càng lộ ra, và khó nhất: sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, tiếp cận thị trường, dệt may, môi trường… Trên bàn đàm phán đã là những cuộc đấu trí căng thẳng. Các trưởng đoàn đàm phán của TPP lại chỉ ở cấp thứ trưởng, vì thế, càng về cuối, theo sau các vòng đàm phán là các cuộc gặp gỡ cấp bộ trưởng để giải quyết những vấn đề hóc búa luôn phải nhờ đến các cuộc gặp gỡ cấp bộ trưởng, cũng như cấp nguyên thủ quốc gia tỏ rõ quyết tâm chính trị. Quyết tâm chính trị là một lẽ, trên bàn đàm phán là lẽ khác. Đồng ý với nhau trên nguyên tắc là một chuyện, đi sâu vào bàn kỹ thuật lại là chuyện khác.

Cơ hội từ TPP rất lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Thông điệp từ phía Việt Nam rất rõ ràng: TPP là áp lực cải cách thể chế. “Chiến thắng trên đàm phán chưa chắc có lợi cho đất nước, có thể kéo lùi bảo hộ. Cải cách thể chế mới quan trọng”, theo lời ông Tuyển.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn


—————————————-

* Tựa đề do VNTB đặt

Tin bài liên quan:

Quan hệ Việt – Mỹ sau chuyến đi của ông Phạm Quang Nghị

Phan Thanh Hung

Việt Nam kín đáo hiện đại hóa không lực để bớt lệ thuộc Nga

Phan Thanh Hung

Việt – Mỹ và nhân quyền: Nửa cuối 2013 và nửa cuối 2015

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo