Việt Nam Thời Báo

TPP: ‘Tất cả những vấn đề còn tồn tại lại là những vấn đề khó nhất’

VNTB: Sắp vào đầu năm 2015, một lần nữa Hà Nội lại cố gắng gia cố hy vọng sẽ vào được TPP. Chỉ có điều, thay vì “quyết tâm kết thúc TPP” như vào cuối năm 2013 hay trong năm 2014, lần này giới chức VN thận trọng hơn nhiều: sớm nhất trong năm 2015.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh là thành viên chủ chốt của đoàn đàm phán TPP. ‘Tất cả những vấn đề còn tồn tại lại là những vấn đề khó nhất’ – vị quan chức chưa thành đạt này tiết lộ.
Vậy “những tồn tại” đó là gì?
Không kể đến hàng loạt yêu cầu cơ bản do các nước đóng vai trò quyết định trong TPP yêu cầu mà chưa được VN đáp ứng như xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, sở hữu trí tuệ, cải cách doanh nghiệp…, nguồn tin đáng tin cậy mà VNTB nắm được là Công đoàn độc lập – điều kiện tiên quyết được Phương Tây đặt lên hàng đầu trên bàn đàm phán. Chỉ cần VN “gật” để mở ra tiêu chí này, gần như chắc chắn sẽ lọt vào TPP chẳng mấy khó khăn.



——————————–

Nỗ lực kết thúc đàm phán TPP trong 2015


Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là hiệp định của thế kỷ 21 đang bước vào thời kỳ đàm phán “nước rút” để có thể đi đến ký kết trong thời gian sớm nhất.

Đã kết thúc đàm phán về DN nhỏ và vừa
Chính thức được khởi động vào tháng 9-2009 đến nay, TPP đã bước vào năm đàm phán thứ 5 với 20 phiên đàm phán chính thức và rất nhiều phiên đàm phán, trao đổi cấp kỹ thuật ở phạm vi hẹp. 
Các lĩnh vực được đưa ra đàm phán trong TPP bao gồm: Mở cửa thị trường; phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới; dịch vụ tài chính; di chuyển thể nhân; các biện pháp bảo lưu không tương thích trong dịch vụ và đầu tư; quy tắc xuất xứ; các vấn đề xuyên suốt, hợp tác và nâng cao năng lực; mua sắm Chính phủ; môi trường; chính sách cạnh tranh; lao động; sở hữu trí tuệ; pháp lý và thể chế; thương mại điện tử; viễn thông; rào cản kỹ thuật; kiểm dịch động thực vật; phòng vệ thương mại.
Khi bắt đầu đàm phán, các nước TPP cam kết hướng tới xóa bỏ 100% các dòng thuế NK nhằm đạt được một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao. Tuy nhiên, trải qua cả chục vòng đàm phán, thực tế cho thấy mục tiêu này rất khó đạt khi mà mỗi nước dường như vẫn muốn giữ lại một số dòng thuế cho riêng mình. Và nguy cơ này càng thể hiện rõ hơn sau khi TPP có sự tham gia của Nhật Bản – nước kiên quyết không xóa bỏ thuế quan đối với 5 mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm nhất.
Theo ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), sở hữu trí tuệ, môi trường, mua sắm Chính phủ là những lĩnh vực mới, Việt Nam chưa từng cam kết tạo ra thách thức lớn cho Chính phủ cũng như DN Việt Nam.
Theo đó, mua sắm Chính phủ của các công ty trong nước không còn độc quyền mà phải cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu nước ngoài. Khi đó, Chính phủ tiêu dùng minh bạch, hiệu quả hơn và nhà thầu trong nước phải chia sẻ “miếng bánh” này với nhà thầu nước ngoài. 
Đến nay, các nước đã kết thúc đàm phán các nội dung: Hợp tác và xây dựng năng lực; DN nhỏ và vừa, vì sự phát triển, gắn kết môi trường chính sách, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng; thống nhất lời văn của chương nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, chương viễn thông. Ngoài ra, các nước đã kết thúc cơ bản Chương chính sách cạnh tranh (không bao gồm các vấn đề DN Nhà nước).
Trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo TPP ngày 10-11 (sau Hội nghị Bộ trưởng các nước đàm phán TPP tại Australia) nêu rõ, đến nay chỉ còn một số ít các vấn đề còn tồn tại và tiến trình đàm phán đã đạt nhiều tiến bộ hơn trước. Khi đàm phán bước vào giai đoạn cuối như hiện nay, các Bộ trưởng cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục thúc đẩy để kết thúc đàm phán. Thách thức lớn nhất là xác định lộ trình kết thúc các gói cam kết tham vọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, dịch vụ tài chính, nhập cảnh tạm thời và mua sắm Chính phủ. Các nhà lãnh đạo đang tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đối với các vấn đề còn tồn tại trong lời văn của Hiệp định đối với các lĩnh vực mua sắm Chính phủ, DN Nhà nước, môi trường và đầu tư và đã đạt được tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các nước đối với các vấn đề này ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
TPP đang đến gần
Thông tin do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cung cấp trên Thời báo kinh tế Việt Nam, ngày 1-12 đoàn Việt Nam đã lên đường tham dự đàm phán TPP cấp trưởng đoàn tại Washington (Hoa Kỳ). Cuộc đàm phán lần này tập trung vào một số nội dung tương đối phức tạp: DN Nhà nước, vấn đề môi trường, mở cửa thị trường hàng hóa, đặc biệt là đàm phán về quy tắc xuất xứ. 
Hiện nay, thời gian chưa xác định cụ thể nhưng nhiều khả năng trong tháng 1-2015 sẽ có vòng đàm phán nữa, bàn tiếp các vấn đề khó còn lại như sở hữu trí tuệ… Một phương án cả gói dự kiến sẽ được hoàn tất để đưa lên các Bộ trưởng bàn thảo và có thể kết thúc đàm phán sớm nhất trong năm 2015.
Cũng theo Thứ trưởng Khánh, các nước liên quan đã thống nhất được với nhau về các gói để kết thúc đàm phán trong rất nhiều lĩnh vực, đồng thời xác định được những vấn đề còn lại để xây dựng các gói đánh đổi hướng đến kết thúc Hiệp định. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề còn tồn tại lại là những vấn đề khó nhất. Cho nên việc xây dựng các gói đánh đổi vào lúc này là vấn đề cực kỳ khó khăn. Các quốc gia tham gia đàm phán TPP đều đang cố gắng thu hẹp bất đồng và đưa các vấn đề khó khăn còn lại dưới hình thức các gói đánh đổi khác nhau để các Bộ trưởng có thể đưa ra quyết định ở phút cuối cùng.
Các nhà lãnh đạo TPP khẳng định rằng, họ tiếp tục làm việc với các quốc gia và các nền kinh tế bày tỏ mong muốn tham gia TPP sau khi Hiệp định này được ký kết. Các lãnh đạo đã cam kết xây dựng TPP thành một Hiệp định cho phép các nước và các nền kinh tế khác trong khu vực có thể tham gia khi sẵn sàng chấp nhận những cam kết tiêu chuẩn cao. 
“Để phản ánh cam kết này, chúng tôi sắp đi đến thống nhất các điều khoản về cơ cấu và quy trình để đảm bảo Hiệp định TPP là một hiệp định mở. Chúng tôi cũng đã xem xét toàn Hiệp định để đảm bảo TPP có thể tiếp tục phát triển và thích ứng với những thay đổi trong tương lai ở các lĩnh vực thương mại, đầu tư, công nghệ, những vấn đề mới nổi khác và các thách thức, hoặc các lĩnh vực mà các nước TPP cùng quan tâm”, tuyên bố của các nhà lãnh đạo TPP nêu rõ.
Với tiến trình đàm phán như hiện nay, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), cố vấn đoàn đàm phán TPP nhìn nhận, TPP đang đến rất gần. Đây là Hiệp định chất lượng cao, Hiệp định mậu dịch tự do thế hệ mới. 
Tuy nhiên ông Tuyển cho rằng TPP vẫn chưa phải là Hiệp định thế hệ cuối cùng. Có thể trong tương lai (10, 20 năm nữa) sẽ có Hiệp định mới – Hiệp định thế hệ cuối cùng hài hòa tiêu chuẩn sản phẩm giữa các nước trong Hiệp định. Khi đó sẽ không có rào cản nào nữa và hàng hóa tự do dịch chuyển.
PGS, TS. Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam:
DN lo lắng không cạnh tranh nổi với thịt NK
Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện khá manh mún, nhỏ lẻ, chi phí đầu vào còn cao nên giá thành sản phẩm bán ra kém cạnh tranh. Khi TTP ký kết, mức thuế suất giảm xuống, thậm chí về tới 0%, sẽ tác động không nhỏ tới các DN trong ngành cũng như số lượng lớn nông dân Việt Nam tham gia vào sản xuất chăn nuôi.

Qua sự tiếp cận với nhiều DN trong ngành cho thấy, đa phần DN chỉ nắm bắt thông tin chung chung về TPP mà DN nắm rõ nhất là khi ký kết TPP, thuế NK các mặt hàng có thể về 0% nên DN lo lắng sẽ không cạnh tranh nổi khi các sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài ồ ạt tràn vào. Từ góc độ là đơn vị đại diện các DN trong ngành, lãnh đạo Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng đã tới một số đơn vị trực tiếp tham gia đàm phán như Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tìm hiểu thông tin cụ thể nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời xác đáng.

Xét đến cùng, TPP tác động tới DN trong các ngành kinh tế nói chung, chăn nuôi nói riêng như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào nội dung mà Đoàn đàm phán đưa ra ở thời điểm hiện tại. Do đó, Đoàn đàm phán Việt Nam cần có những cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung trên cơ sở thu nhận những phản hồi, thông tin, vấn đề vướng mắc từ phía DN. Riêng trong vấn đề thịt lợn, để giảm áp lực cạnh tranh cho DN trong nước nếu thuế NK về 0%, việc đặt ra vấn đề xây dựng hạn ngạch thuế quan là điều rất quan trọng.

Ngoài lưu ý các vấn đề trên, điều mà cộng đồng DN rất mong là khi tiến trình đàm phán TPP có chuyển biến mới, những thông tin liên quan, đặc biệt là thông tin tác động tới từng ngành nghề cụ thể sẽ được truyền tải nhanh chóng, chính xác đến DN để DN nắm rõ và có sự chuẩn bị cho phù hợp.

Ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM:
TPP sẽ tác động vào ngành dệt may theo hai hướng rõ rệt
Đối với các DN dệt may lớn đủ tiềm lực, cơ sở vật chất cũng như tầm nhìn, đây sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy XK. Tuy nhiên, đa phần các DN quy mô vừa và nhỏ còn lại sẽ rất chật vật. Mặt hàng may mặc XK hiện không chủ động nhiều về mẫu mã, nên khi hội nhập TPP, cơ hội mở ra nhưng DN này không tận dụng được bằng các DN lớn trong nước cũng như các DN FDI. Điều mà các DN nhỏ cần làm là tìm ra mô hình phù hợp để tăng cường liên kết lẫn nhau nhằm giảm bớt khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Bách, Trưởng phòng Kinh doanh – Công ty CP May XK Việt Thái:
Chủ động đón TPP 
Dự kiến khi tham gia TPP, lượng đơn hàng và doanh thu của DN sẽ tăng lên. Riêng tại thị trường Mỹ, mức độ tăng lên khoảng 33%. Để chuẩn bị đón TPP, từ 3 năm nay, Công ty đã không ngừng mở rộng sản xuất. DN đầu tư về chiều rộng là nhà xưởng, nhân công, còn về chiều sâu là công nghệ. Hiện nay, Công ty vẫn đang dừng ở sản xuất theo FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), nên phải nâng cấp lên ODM (tự thiết kế, sản xuất). Dự tính khoảng 2 năm nữa, Công ty sẽ phát triển thành công theo hướng ODM.
T. Nguyễn-H.Dịu (thực hiện)


Theo Phan Thu
Hải quan

Tin bài liên quan:

Thủ Tướng VN thừa nhận không thể ngăn cấm thông tin trên mạng xã hội

Phan Thanh Hung

Vì tiền của Trung Quốc, Campuchia có thể bất chấp tất cả?

Phan Thanh Hung

Góp ý kiến vào quá trình tiến đến Đại hội lần thứ XII của Đảng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo