Việt Nam Thời Báo

TPP và chính sách đu dây mài mòn giá trị Việt Nam

Thiên Điểu
* Tác giả gửi bài cho VNTB

đu dây, Đắk Lắk, làm nương, qua sông, tử thần, cáp treo

“Thứ duy nhất của nhà nước”

Vòng đàm phán gia nhập TPP của Việt Nam đã đi đến hồi kết, khi các vấn đề cuối cùng cũng đã được đặt ra với hai đối tác then chốt là Mỹ và Nhật Bản.

Trước đây, vấn đề cơ chế kinh tế thị trường từng là nút chặn công trình đàm phán ròng rã suốt sáu bảy năm trời, qua hai đời bộ trưởng ngoại giao không xong, đã được chính quyền “phù phép” bằng cách đồng loạt cổ phần hóa các doanh nghiệp của nhà nước, cổ phần hóa cả một số ngân hàng – loại hình kinh tế mà mà dân gian thường mai mỉa “thứ duy nhất của nhà nước” – cho ra đời Luật Doanh nghiệp sửa đổi v.v. nhằm chứng minh Việt Nam chấp nhận chuyển sang mô hình phát triển kinh tế thị trường.

Kết quả việc “phù phép” của chính quyền Việt Nam là sự hình thành một loạt các Tập đoàn, các Tổng công ty dạng Chaebol kiểu Hàn Quốc. Nhưng cũng chính vì chỉ là chiêu trò nên việc cổ phần hóa thực chất là bán danh nghĩa “doanh nghiệp nhà nước” để gom vốn đầu tư bên ngoài nhằm thu lợi. Sau đó vẽ ra hàng loạt các dự án với qui mô vốn khủng để vay nợ. Do đó thay vì là các siêu doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp. Hoạch toán độc lập, cạnh tranh một cách tự do, công bằng đúng theo cơ chế kinh tế thị trường thì các Tập đoàn, Tổng Công ty ở Việt Nam vẫn nằm trong vòng tay của nhà nước. Trở thành những “nhà thầu” với đủ loại ngành nghề khác nhau. là sân sau cho các phe nhóm lợi ích với kiểu biến tướng làm đầu mối cho các chiêu trò tham nhũng, hối lộ. Tẩy rửa các khoản tiền không địa chỉ của giới quan chức.

Các tập đoàn, tổng công ty trong kinh doanh, mô hình “kinh tế thị trường” mà chính quyền nặn ra này đã đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân trở thành B’, Bn’.. trên hầu hết các hợp đồng trong hoạt động kinh doanh. Chỉ trong thời gian hơn 10 năm, không tính số tiền thất thoát do thua lỗ, tham nhũng ở nhóm doanh nghiệp này thì các khoản nợ do nó mang lại nếu chia cho đầu người dân thì ít nhất phải gấp 3-4 lần nợ công! Thành công duy nhất là nó đã giúp chính quyền “qua mặt” nội dung “kinh tế thị trường” với các đối tác để tiến đến vòng cuối gia nhập WTO và tiến tới TPP hiện nay.

Đu dây, cá cược và các trò thế chấp

Có nhiều người nói: Chính quyền Việt Nam luôn thực thi chính sách đối ngoại kiểu đu dây, lúc bên này, lúc bên kia. Trước đây là đu dây giữa Liên Xô và Trung Quốc. Ngày nay là giữa Mỹ, các nước dân chủ và Trung Quốc. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Đúng vì đó là bề nổi của sự thật nhìn thấy được. Chưa đủ vì bản chất các trò đu dây mà chính quyền Việt Nam thực hiện từ 1945 tới nay phải nói thẳng về bản chất là trò chính trị láu cá.

Trong quan hệ chính trị, kinh doanh, việc bỏ cái lợi ít để theo cái lợi nhiều hơn là chuyện bình thường. Nhưng vì cái lợi mà bỏ cả tín nghĩa thì không còn trong giới hạn đạo đức tối thiểu của con người. Điều đáng nói hơn: Các chiêu trò đu dây của chính quyền Việt Nam lại luôn làm mòn đi các giá trị, quyền lợi quốc gia chứ không mang về cho đất nước điều gì có lợi cả.

Ngay trong phe XHCN, chính sách đu dây giữa Liên Xô (sau này là Nga) với Trung Quốc chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến đẫm máu năm 1979. Khi mà nhà cầm quyền Trung Quốc ngoài tham vọng bá quyền cố hữu, bị chuốc thêm cái cay cú khi thấy Việt Nam chấp nhận cho Liên Xô sử dụng cảng Cam Ranh làm căn cứ hậu cần, ký với Liên Xô thành lập Liên doanh Vietsopetro để khai thác dầu khí để trả nợ viện trợ chiến tranh. Nhưng không trả nợ cho Trung Quốc theo đúng chiêu bài độc mình đưa ra: Trả nợ bằng lương thực! Đẩy chính quyền Việt Nam vào thế “không phản cũng chết”. Hậu quả là người dân Việt Nam lãnh nhận cuộc chiến bi thương mà đến nay chính quyền Việt Nam không dám thẳng thắn nhìn nhận!

Trong khi một phần Liên Xô cũng đang rơi vào khủng khoảng dưới sự lãnh đạo của Brêgiơnép, có thể cũng chính trò đu dây là một phần dẫn tới thái độ lừng khừng của Liên Xô trong cuộc chiến Việt – Trung 1979, sau đó là lạnh nhạt tới mức bỏ mặc hoàn toàn Việt Nam trong cuộc chiến 1988 ở Trường Sa với Trung Quốc.

Chắc chắn trong những động cơ của chính quyền Việt Nam khi thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt – Trung , kết thúc tại Hội nghị Thành Đô 1990 không thể không có lý do bởi các toan tính, mặc cả không thành trước thái độ của Nga lúc đó. Một phần phải lo đối nội thời kỳ “hậu Liên Xô” và một phần vì đã chán trò mèo vờn chuột với chính quyền Việt Nam, Nga không còn “mặn mà” chia sẻ với danh nghĩa “phe XHCN”. Từ đó Nga đánh giá quá thấp mức độ yếu hèn, quỳ lụy của Việt Nam nên đành phải chấp nhận rời Cam Ranh chỉ mấy năm sau khi Việt – Trung bình thường hóa quan hệ, dọn đường cho Trung Quốc bắt đầu thực thi âm mưu bành trướng Biển Đông.

Hiểu rõ giá trị chiến lược của Cảng Cam Ranh, chính quyền Việt Nam những muốn lấy nó làm cái giá để mặc cả với Mỹ trong đám phán gia nhập WTO và TTP. Nhưng Trung Quốc sớm “bắt bài”, một mặt cản trở bằng nhiều cách khiến tiến trình vào WTO của Việt Nam bị chậm lại, chặn đứng cơ hội hoàn thành TPP năm 2006. Cái bẫy viện trợ chính thức trói chặt Việt Nam khi được Trung Quốc tung ra đúng thời điểm xảy ra khủng khoảng kinh tế toàn cầu, cho phép Trung Quốc ép chính quyền Việt Nam phải lờ đi cuộc tranh chấp trên biển, im lặng trước việc Trung Quốc xây dựng sân bay quân sự ở Trường Sa, khiến “con bài tẩy” là Vịnh Cam Ranh trở nên mất giá khi sân bay của Trung Quốc ở Trường Sa hoàn thành, đủ điều kiện giúp Trung Quốc có thể khống chế toàn bộ Vịnh Bắc Bộ và phần lớn tầm ảnh hưởng của Cam Ranh.

Chính quyền Mỹ sau nhiều nỗ lực đàm phán về Cam Ranh không thành, mục tiếp thuê dài hạn Phú Quốc và xây dựng kênh hàng hải qua eo biển Thái Lan cũng thất bại, đành đẩy vấn đề nhân quyền và tôn giáo vào vị trí cao hơn, hòng “dạy dỗ” Việt Nam trong cuộc chơi cạnh tranh vai trò địa chính trị ở Đông Nam Á nói riêng và Biển Đông nói chung.

Sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ thấy rất rõ ở phản ứng liên quan biến cố gần nhất là qua vụ giàn khoan HY 981. Từ việc Mỹ và các đồng minh liên tục phát đi các tín hiệu ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế nhưng không đạt kết quả.

Trò đu dây của chính quyền Việt Nam một lần nữa được áp dụng khi biết rõ Mỹ và một số nước khác chắc chắn không thể để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Tranh chấp liên quan giàn khoan HY 981 cuối cùng chỉ giúp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “vớt lại” một chút uy tín đã gần như không còn khi phát đi các thông điệp cứng rắn với Trung Quốc lúc đầu. Ngay sau đó là các thông điệp khiến cả thế giới ngỡ ngàng, lúng túng đã khiến Mỹ giảm sức ép về nhân quyền và tôn giáo lên Việt Nam, tiến tới dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Đây thực chất là động thái “vớt vát” nhằm tránh lún sâu như vết xe của Nga trước đây, đánh giá thấp các chiêu trò của chính quyền Việt Nam.

Những chuyến đi kiểu con thoi của các lãnh đạo chóp bu Việt Nam hết qua Mỹ lại Trung Quốc, hé lộ một cuộc “làm giá” sôi nổi hòng hưởng lợi. Đẩy Việt Nam vào một khả năng nguy hiểm hơn bao giờ hết, khi không ít các chuyên gia tầm cỡ đã đưa ra các khả năng về một tình huống đụng độ giới hạn giữa Mỹ-Trung trên Biển Đông, kịch bản mà chắc chắn Việt Nam sẽ lãnh chịu hậu quả thảm khốc nhất khi nó xảy ra.

Nhân quyền và vũ khí sát thương – đâu là sự thật?

Việc chính quyền Việt Nam gần đây thả một số tù chính trị gây ra khá nhiều ý kiến, nhận định khác nhau. Trong đó phần lớn đều nghiêng về nhận định cho rằng do áp lực về nhân quyền của Mỹ để đạt thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Trên góc độ chủ quan, tôi cho rằng chưa hẳn là như vậy.

Nếu nhìn lại cách hành xử của Mỹ đối với các phong trào dân chủ, nhân quyền ở các nước khác, việc Mỹ gây áp lực để chính quyền nước khác thả tù thì rất nhiều nhưng tiếp nhận tù chính trị được thả tới định cư tại Mỹ thì chỉ có với Việt Nam. Tại sao có sự khác biệt này? Ý nghĩa thật sự của nó là gì?

Trước hết, trên bình diện quan hệ quốc tế, việc thả tù vì áp lực đối ngoại chỉ xảy ra khi ít nhất chính quyền thấy đạt được 3 điều kiện: Không quá nguy hiểm cho chế độ; Không gây hại lớn hơn ảnh hưởng của đối tượng được thả; Khai thông được giá trị trao đổi đã thỏa thuận.

Việc tha tù, đưa tù từ Việt Nam qua Mỹ thì sao? Chắc chắn sức ảnh hưởng của tù nhân đối với chính quyền chỉ còn dưới mức 30% nếu so với vẫn ở trong nước. Phong trào dân chủ, nhân quyền Việt Nam còn quá yếu, với đặc thù văn hóa của người Việt. Còn rất lâu tiến trình dân chủ mới có đủ sức ảnh hưởng, chưa có gì đáng ngại. Đạt được thỏa thuận mua vũ khí, sẽ giúp chính quyền Việt Nam mạnh hơn trong cả đối ngoại lẫn đối nội. Chính quyền Mỹ thừa hiểu các khía cạnh này.

Đối với Mỹ, rõ ràng việc chấp nhận nhận về các tù nhân chính trị Việt Nam chỉ đem lại chút danh dự, không có lợi ích nào khác. Điều hiếm thấy ở phong cách Mỹ.

Mặt khác, mặc dù chính quyền Việt Nam “muối mặt” chấp nhận mang tiếng bị ép để thả tù chính trị, nhưng rõ ràng tình trạng trấn áp những người trong phong trào dân chủ, nhân quyền trong nước gia tăng rất rõ từng ngày. Nhất là nó trùng hợp với chuyến đi khá bất thường của nhân vật Dương Khiết Trì từ Trung Quốc qua Việt Nam. Cho thấy nó chắc chắn là một phần trong kế hoạch đã được tính toán, dự kiến trước từng bị rò rỉ cách đây mấy tháng. Một phần là nước đi mới dưới bàn tay chính quyền Trung Quốc.

Phải chăng phía sau đó còn một lý do khác? Liệu có phải là một kiểu đánh lạc hướng tương tự giàn khoan HY 981 để xây sân bay của Trung Quốc, bật đèn biểu tình để dọn đường cho Trung Quốc trở lại mạnh hơn, hợp lý hơn sau bạo loạn của chính quyền Việt Nam?

Đến đây, thật khó loại trừ một khả năng: Chính quyền Việt Nam sau khi đạt được vài hợp đồng mua bán vũ khí để tăng cường sức mạnh, một thời kỳ “quay lưng” mới sẽ tiếp diễn nhằm tập trung dập tắt phong trào dân chủ, nhân quyền để bảo vệ chế độ. Một toan tính quen thuộc, không khó nhận ra khi đặt nó bên cạnh các phát ngôn của các quan chức cao cấp liên quan chính sách trước thềm kỳ họp Quốc hội và cơ cấu nhân sự TW đang tới gần.

Một bản chất không bao giờ thay đổi!


Tin bài liên quan:

VNTB- Vụ TBT báo Người cao tuổi bị cách chức phát tín hiệu gì?

Phan Thanh Hung

Cảnh báo: Giàn khoan Hải Dương 981 đang đi gần vùng biển Việt Nam

Phan Thanh Hung

Ai cản trở quan hệ Việt – Mỹ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo