Việt Nam Thời Báo

Trao đổi về “Bài học đầu về dân chủ”

BBT VNTBSau khi VNTB đăng bài “Dư luận viên Sài Gòn: Bài học đầu về dân chủ” của tác giả Lê Tuấn, bầu không khí trao đổi và đối thoại hai chiều của Xã hội dân sự đã được khơi mào bởi bài phản hồi của tác giảHoàng Thị Nhật Lệ gửi cho VNTB. Không khí này là khác biệt hoàn toàn với cách thức đăng bài định hướng một chiều và không chấp nhận phản hồi đa chiều hoặc trái chiều của các báo đảng như Nhân Dân. Quân Đội Nhân Dân…

Mời xem lại:


 ***

Hoàng Thị Nhật Lệ
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Trang Việt Nam thời báo của Hội nhà báo độc lập mới đây có đăng bài viết “Dư luận viên Sài Gòn: Bài học đầu về dân chủ” bình luận về sự ra đời của các nhóm “dư luận viên” 2 miền Bắc – Nam “có quan điểm thuộc về nhà nước một cách công khai, có tổ chức”, cho đây là “cơ hội để xây dựng được diễn đàn xã hội rộng lớn, nơi chia sẻ, trao đổi quan điểm về các chính sách, chủ trương của chính quyền từ hai phía”,“xóa bỏ sự vô cảm chính trị của người dân Việt Nam nói chung và thanh niên nói riêng” và “bạch hóa lượng thông tin vốn bị bưng bít, giật dây hay định hướng”. Đồng thời, nhắc nhở chúng tôi cần đối thoại, trao đổi dựa trên “nguyên tắc tối thiểu nêu trên trước khi tiến đến thực hiện quyền tự do căn bản của con người – quyền tự do ngôn luận” . Vì là bài viết sử dụng hình ảnh cá nhân tôi và bình luận về những diễn biến sự kiện mà tôi và bạn bè tham gia, nên thiết nghĩ không thể không nêu quan điểm cá nhân của mình.

Tác giả Lê Tuấn là người ẩn danh sau một bút danh, giống như Liên Sơn, bởi vậy xem như tôi đang trao đổi quan điểm với không chỉ tác giả mà cả nhóm điều hành Việt Nam Thời báo, cũng đồng thời là những người điều hành Hội nhà báo độc lập.
Trước hết, tôi đánh giá cao cách đặt vấn đề của tác giả bài báo về việc hướng tới môi trường bày tỏ chính kiến phải thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng danh dự, nhân phẩm của đối phương, tuy nhiên tôi thấy toàn bộ bài viết, tác giả đã áp đặt một định kiến lên chúng tôi, rằng chúng tôi “có tổ chức”, “quan điểm thuộc về nhà nước”, nói về những tuyên bố ra đời các nhóm “dư luận viên” xong dường như lại không biết đến lý do vì sao có sự “tự nhận là dư luận viên” đó cũng như phê phán “khẩu ngữ” của cộng đồng 3 củ nhưng lại không đề cập đến lý do nảy sinh ra nó. Nếu cho rằng, tác giả “thiếu thông tin”, “cắt gọt sự kiện” thì vô tình phê phán các vị là viết báo thiếu chuyên nghiệp, điều này ắt hẳn sẽ xúc phạm đến một cây bút chuyên nghiệp như ông Phạm Chí Dũng.
“Dư luận viên” không phải do chúng tôi tự nhận mà là do chính quý vị tự cho là “đấu tranh dân chủ” gán cho với đủ sự ly kỳ, khủng khiếp, như là một phương thức “đàn áp tư tưởng” trên không gian Internet của Đảng và được Đảng ưu ái cho lương bổng hậu hĩnh. Tính tổ chức của chúng tôi là một sự khôi hài cho bất cứ ai nhận nó bởi không có “người điều hành”, không có phân công trách nhiệm, không có ai là “thành viên” giống như Hội nhà báo độc lập cả. Bất cứ ai không chê, không bức xúc, đều có thể tự nhận là “dư luận viên”, hết thích thì từ chối, giống như mặc và cởi một cái áo vậy! Việc tác giả “chộp” lấy ngôn ngữ giễu cợt khiêu khích với những kẻ mạ lị chúng tôi là “dư luận viên”, rồi đón chào, bình phẩm và nêu tiêu chí “đối thoại” thì thực sự rất khôi hài. Nó cho thấy tác giả bài viết hoặc “thiếu thông tin” hoặc bị hoang tưởng về chúng tôi khá nặng nề.
Chúng tôi phần đông là sinh viên, thanh niên, công nhân ngoài Nhà nước, nên đây là lần đầu tiên chúng tôi được tác giả giải thích về sự tồn tại của chức danh “dư luận viên” là “các tổ cộng tác viên Dư luận xã hội thuộc Đảng bộ các cấp chính quyền, Đoàn thể, Mặt trận tại Việt Nam nhằm giúp cho các tổ chức, cá nhân trong Đảng nắm bắt thông tin, quan điểm một cách có hệ thống từ cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân trên địa bàn được giao về các sự kiện, hiện tượng kinh tế, văn hóa, chính trị trong và ngoài nước. Qua đó, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng, toàn xã hội”, nó hoàn toàn khác hẳn với bài “Tâm sự của một dư luận viên” của facebook Loan Nguyễn đăng tải trên blog Quê Choa vẽ lên chân dung kẻ được thuê “bút chiến” khát máu, khát tiền. Chứng tỏ “dư luận viên” là rất cần thiết cho Đảng nắm bắt tâm tư quần chúng, đáp ứng nguyện vọng hay tìm tiếng nói chung giữa quần chúng với Đảng. Nếu cơ cấu hoạt động của Đảng có bộ phận như vậy thì tôi tin rằng, Đảng luôn lắng nghe và gắn bó với quần chúng, chứng tỏ Đảng tồn tại được hơn 40 năm qua trước sự tấn công không ngừng nghỉ của các thế lực bị cho là “Diễn biến hòa bình” và “thế lực phản động” mà vẫn trụ vững, phát triển hoàn toàn không thể dựa trên sự lừa mị, “tẩy não” hay rời xa lợi ích dân tộc. Nếu thực vậy, tôi và các bạn của tôi hoàn toàn có thể thay đổi quan điểm về cụm từ “dư luận viên” và cũng rất mong ngày nào đó, sau khi tốt nghiệp đại học, trở thành “cộng tác viên dư luận xã hội” cho Đảng, đóng góp ý kiến phản biện của quần chúng giúp Đảng luôn “gần dân”.

Việc tác giả và những người điều hành Việt Nam Thời báo nhắn nhủ chúng tôi cần “ bày tỏ chính kiến, hay “phản bác sự xuyên tạc, sai lệch” của đối phương đối với một sự kiện, hiện tượng bất kỳ trong nền xã hội – chính trị nước nhà phải thực hiện trên các nguyên tắc của quyền tự do ngôn luận”, “tôn trọng nhân phẩm, danh dự của đối phương trước, trong và sau khi đối thoại” là điều rất đáng ghi nhận. Đồng thời phê phán khẩu ngữ “Ba củ su hào, lương chửa thấy/ Nhưng còn rận chấy thì vẫn chăn!” cùng ngôn ngữ đe nẹt “cho xuống hồ, mắm tôm” ở nhóm Hà Nội chưa dựa trên “nguyên tắc tối thiểu nêu trên trước khi tiến đến thực hiện quyền tự do căn bản của con người – quyền tự do ngôn luận” cho thấy các vị dường như không muốn tìm hiểu căn nguyên của nó hay chỉ muốn cắt gọt lấy cái ngọn của vấn đề để có cớ lên án chúng tôi. Một sự phiến diện, chụp giựt một vài dữ liệu để phán xét chúng tôi như vậy rất khó cho chúng tôi thấy được tương lai đối thoại cởi mở như “chủ trương” và “khẩu hiệu” quý vị hô hào.

Tôi không dám khuyên tác giả hay quý vị hãy lo đấu tranh cho “quyền tự do ngôn luận” trong cộng đồng “đấu tranh dân chủ” của mình trước khi khuyên bảo chúng tôi vì tôi thấu hiểu sự nguy hiểm của quý vị nào dám đi tiên phong. Chúng tôi dù đáng ghét, dù có bị định kiến xúc phạm nhân phẩm đến mấy, quy cho cùng cũng “vô hại” tới sinh mệnh thực thể của quý vị, cũng chỉ là chóp lưỡi, đầu môi chả động được đến cọng lông chân nào của quý vị được.
Lấy ví dụ từ chính quý vị “đấu tranh dân chủ” với nhau, tôi cũng muốn gửi gắm đến tác giả và nhóm điều hành trang web Việt Nam Thời báo, nếu quý vị từng đọc lời thách đố đối thoại của nhóm Mạng lưới blogger Việt Nam với Hội Những người Phản bác Tuyên bố 258 sẽ thấy những yêu sách, điều kiện mà chúng tôi không đủ khả năng đáp ứng để có cơ hội “được đối thoại”. Nếu quý vị đọc bài viết của cô Phạm Thanh Nghiên, Phạm Thị Đoan Trang mạ lị chúng tôi sau sự kiện đó, tôi e tác giả Lê Tuấn sẽ không dám trích dẫn. Rộng hơn nếu quý vị biết đến tác giả Nguyễn Ngọc Già, Cánh Cò của RFA cùng bài viết vu khống, phỉ báng, bịa đặt, xúc phạm cá nhân tôi và nhiều người bạn của chúng tôi, khi sự việc làm to chuyện, RFA mới chịu hạ bài phỉ báng ông Trần Nhật Quang và tất nhiên không kèn không trống, không xin lỗi hay đính chính gì sất. Đó mới chỉ là những gì thuộc về bề nổi với trải nghiệm ít ỏi của một sinh viên mới biết đến môi trường mạng Internet vài năm nay như tôi thôi.
Lời cuối cùng, tôi không biết có nên hy vọng bài viết này của tôi có được Việt Nam Thời báo đăng lên trang web khi tôi mạnh dạn “đối thoại” với tác giả Lê Tuấn cùng bài viết sử dụng hình ảnh, bình luận về chúng tôi hay không? Tôi cho đó là cơ hội tiếp cận “Bài học đầu tiên về dân chủ” nếu những chia sẻ của tôi được quý vị đăng tải và đối thoại trở lại!

Tin bài liên quan:

Đánh giá thành quả đạt được sau 39 năm xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở Việt nam

Phan Thanh Hung

Bọ Lập Đầu Hàng?

Phan Thanh Hung

‘Còn ai bị bắt sau Bọ Lập?’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo