Tinh Hoa
Làn sóng thoái đảng hiện đang là một vấn đề đáng lo ngại đối với chính quyền Trung Quốc. Mới đây, 50 công nhân thuộc một công ty tại tỉnh Thiểm Tây đã công khai biểu đạt thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên quan của nó.
Làn sóng thoái đảng tại Trung Quốc đang diễn ra ngày một rộng khắp. (Ảnh: Wikimedia) |
Theo một báo cáo trên trang website bảo vệ nhân quyền ngày 29/5, 50 công nhân viên của Công ty Kim Tử Dương thuộc Xí nghiệp Nông nghiệp Long Đầu huyện Đại Lệ, Thiểm Tây đã viết một bức thư chung.
Nội dung bức thư phản ánh về việc công ty này đang ở trong tình trạng “một cổ ba tròng”, vừa nợ ngân hàng, vừa bị xã hội đen đe dọa, cộng với việc bị chính quyền địa phương ép phá sản, thậm chí lượng sản phẩm có giá trị lên đến hàng tỷ USD bị chiếm đoạt đem bán với giá rẻ, khiến lợi ích của hơn 600 chủ nợ gần như mất trắng.
Họ đã liên tục tìm kiếm công lý nhưng đến nay vẫn không có kết quả gì. Trong quá trình đó, họ đã nhận thấy rõ bệ đỡ chống lưng cho những tổ chức phạm pháp chính là đảng bộ địa phương. Vì không muốn đứng cùng hàng ngũ với những đảng viên hủ bại này, 50 công nhân viên này đã biểu thị chính thức thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên quan như Đoàn, Đội, đồng thời vạch rõ ranh giới với các tổ chức này.
Trên thực tế, những năm gần đây tại Trung Quốc cũng đã tồn tại “phong trào tam thoái”, càng ngày càng có nhiều người dân đại lục thoái xuất khỏi các tổ chức nêu trên. Theo số liệu thống kê trên mạng lưới thoái đảng ở nước ngoài cho thấy, từ năm 2004 đến ngày 31/5/2017, tổng số người thoái xuất khỏi ĐCSTQ, Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên Trung Quốc lên đến hơn 274 triệu người. (Xem tại đây)
Kể từ khi có được quyền lực vào năm 1949, ĐCSTQ đã ép buộc hàng trăm triệu người dân Trung Quốc phải cam kết trung thành với Đảng. Để gia nhập vào Đảng và các tổ chức liên quan, người dân Trung Quốc phải tuyên thệ cống hiến cả sinh mạng của mình đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội.
Trẻ em bị dẫn dắt ngay từ những ngày đầu học tiểu học, dưới áp lực của thầy cô và bè bạn, chúng phải trở thành những “Đội viên”. Lớn hơn một chút thì chúng lại được vận động gia nhập vào tổ chức “Đoàn Thanh niên”.
Ít nhất đã có 60 triệu người Trung Quốc chết bất thường dưới sự cai trị của chế độ cộng sản, điều đó cho thấy ĐCSTQ rất coi trọng những lời tuyên thệ này. Khi Epoch Times xuất bản loạt bài xã luận “Cửu Bình Cộng sản Đảng” vào tháng 11/2004, người dân Trung Quốc đã bắt đầu liên hệ với bản báo để bày tỏ nguyện vọng được thoái xuất khỏi Đảng và từ đó phong trào Thoái Đảng ra đời. Thoái Đảng khuyến khích từng người dân Trung Quốc hãy thoát khỏi bóng ma của Đảng Cộng sản.
Công tố viên Thẩm Lương Khánh thuộc Viện Kiểm sát tỉnh An Huy nhận định, Trung Quốc có hơn 200 triệu người thoái xuất khỏi các tổ chức của Đảng, điều này chỉ ra rằng ý thức hệ của ĐCSTQ đã sụp đổ, chỉ còn lại một cái vỏ trống rỗng.
Trước sự việc đó, báo “Thanh Tra Kỷ Luật” đã phát hành một bài viết cảnh cáo đảng viên ĐCSTQ nhất định phải nghiêm túc với thân phận “đảng viên” của mình. Sau khi bài báo xuất bản đã gây ra một “cơn bão” dư luận trên mạng Internet.
Nhà báo Hạ Văn trong bài viết “Trương Quốc Đào bái lạy Lăng Hoàng đế và thoái đảng, đổi lấy một tương lai tươi sáng” đã nhận định, ông Trương Quốc Đào, một trong những người tham gia ĐCSTQ sớm nhất về sau này đã cật lực phản đối tổ chức này, từ đó công khai tuyên bố thoái khỏi nó. Lý do là vì ông đã sớm nhận ra rằng sau khi đoạt được chính quyền, ĐCSTQ ắt sẽ đi theo con đường độc tài.
Tại Trung Quốc dự tính có khoảng 20 triệu tình nguyện viên đang hỗ trợ cho Thoái Đảng. Mỗi người khi thực hiện Thoái Đảng hay các tổ chức liên đới đều phải được chứng minh bởi một tình nguyện viên trước khi được thêm vào danh sách.
Bằng cách sử dụng phần mềm đặc biệt được thiết kế để vượt qua “Vạn lý tường lửa”, người dân Trung Quốc có thể truy cập trực tiếp đến trang web của trung tâm Thoái Đảng, hay có thể tuyên bố bằng lời với người tình nguyện viên. Để làm Thoái Đảng thì họ cần điền tên (hoặc bí danh–được khuyến khích vì lý do an toàn), lời tuyên bố thoái xuất, và số lượng người thoái.