VOA
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống radar, và hỏa tiễn địa đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
23.02.2016
Các ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang lắp đặt một hệ thống radar tần số cao ở quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó Việt Nam là một bên tuyên bố chủ quyền. Hệ thống radar này có thể tăng đáng kể năng lực của Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, theo một phúc trình do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Washington, đưa ra hôm thứ Hai.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS nói các bức ảnh cho thấy việc xây dựng các trạm radar tại đá Châu Viên dường như đã gần hoàn tất và đảo nhân tạo này có diện tích khoảng 21 hecta.
Phúc trình cho biết 2 cột radar cơ động được dựng ở phía bắc của thực thể này, và một số cột 20 mét đã được dựng trên một phần đất lớn ở phía nam.
Phúc trình nói thêm, “Đây có thể là một cụm radar tần số cao, có thể tăng đáng kể năng lực của Trung Quốc theo dõi việc đi lại trên biển và trên không ở phía nam Biển Đông”.
Hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, khi được hỏi về bản phúc trình, đã trả lời bà không biết chi tiết nào nhưng Trung Quốc có quyền xây dựng trên lãnh thổ của mình cũng như triển khai các biện pháp phòng thủ “hạn chế” ở đó. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không trả lời khi được đề nghị bình luận.
Việt Nam chưa thể hiện phản ứng gì về thông tin Trung Quốc triển khai radar ở Châu Viên. Việt Nam thường đưa ra phản ứng chậm chạp về những diễn biến ở Biển Đông.
Trước đây Trung Quốc đã vận hành trạm radar ở đá Chữ Thập, nhưng cụm radar mới lắp đặt sẽ có tầm theo dõi rộng hơn nhiều, các nhà phân tích quân sự trong khu vực nhận xét.
Quân đội Trung Quốc đã sử dụng các đảo ở Biển Đông để giám sát điện tử việc đi lại dân sự cũng như quân sự, nhưng các cụm radar mới “sẽ cải thiện năng lực đó theo cấp số nhân”, theo ông Euan Graham, giám đốc Chương trinh An ninh Quốc tế thuộc Viện Lowy ở Australia.
Theo ông, các đơn vị đó có thể dễ bị tấn công khi có xung đột nhưng sẽ mang lại cho Trung Quốc “một lợi thế đáng kể về mặt tình báo – và làm cho hải quân Mỹ cũng như của các nước khác rất khó di chuyển xuyên qua Biển Đông mà không bị phát hiện”. Ông lưu ý rằng radar có tầm theo dõi vượt quá đường chân trời rất cần thiết cho việc nhằm mục tiêu vào các hỏa tiễn.
Hình ảnh về các bãi đá nhỏ quanh đó, cũng đã được Trung Quốc biến thành các đảo nhân tạo, như Ga Ven, Tư Nghĩa và Gạc Ma, cho thấy có thể có các cột radar, ụ súng, lô cốt, bãi đáp trực thăng và cầu cảng, theo nhận định của CSIS.
Các bức ảnh xuất hiện chỉ sau một tuần các quan chức Mỹ nói Trung Quốc đã triển khai hỏa tiễn địa đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa, ở phía bắc, cùng lúc căng thẳng gia tăng ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược.
CSIS nói việc triển khai HQ-9 tuy đáng chú ý song không làm thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông. Mặc dầu vậy, trung tâm này nói thêm rằng các đơn vị radar mới đang được triển khai ở Trường Sa có thể làm thay đổi đáng kể cuộc diện của những hoạt động tác chiến.
Trung Quốc có yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, nơi có lưu lượng thương mại quốc tế trị giá 5 nghìn tỷ đôla đi qua hàng năm. Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền.
Trong những tháng gần đây, Mỹ đã đưa tàu chiến đi vào vùng 12 hải lý quanh một đảo có tranh chấp và một đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây.
Washington nói những hoạt động đó có mục đích khẳng định quyền tự do hàng hải.
Theo Wall Street Journal, Reuters