“Các dự án cần phải được thẩm định và đánh giá một cách khách quan, khoa học và độc lập, nếu dự án có hiệu quả kinh tế thì ủng hộ”.
Phải được đánh giá và thẩm định một cách khách quan, độc lập
PV: – Mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xem xét tài trợ vốn nếu ngành giao thông Việt Nam có chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn – Hà Nội. Trước đó, VN cũng đã đồng ý tiếp nhận 10 triệu nhân dân tệ do Trung Quốc tài trợ để nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Lào Cai.
Ông nhìn nhận và đánh giá ra sao về việc Trung Quốc muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng hàng loạt các tuyến đường sắt? Đây có phải là một cơ hội tốt cho Việt Nam hay không khi ngành đường sắt đang được đánh giá có tốc độ phát triển chậm và lạc hậu?
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: – Nói đến quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhiều người thường sẽ rất e ngại. Điều này cũng có cơ sở của nó chứ không phải tự nhiên mà như vậy. Đặc biệt khi vấn đề căng thẳng Biển Đông đang trở thành tâm điểm thử thách quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thì những vấn đề hợp tác về kinh tế như vậy luôn cần được dè chừng.
Việc một số đơn vị, tổ chức của Trung Quốc đề xuất xây dựng các tuyến đường sắt ở Việt Nam cần được nhìn nhận trên nhiều phương diện và góc độ khác nhau. Trước hết là nhìn ở góc độ Trung Quốc, trên cả phương diện chính trị lẫn kinh tế.
Về phương diện chính trị, Trung Quốc muốn tăng tầm ảnh hưởng của họ đối với các nước trên thế giới, trong đó không thể không bao gồm các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam.
Nếu nhìn vào lịch sử hàng trăm năm trước đây, các nước tư bản như Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, v.v… sau thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh, họ cũng bắt đầu gia tăng tầm ảnh hưởng về phương diện chính trị đối với nhiều nước khác.
Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ khi quốc gia này cũng đạt được những kỳ tích tăng trưởng cao trong hơn 3 thập niên liền vừa qua.
Trên phương diện kinh tế, là một nước thặng dư tiết kiệm lớn, trong khi nhu cầu đầu tư của Trung Quốc đã đạt đến mức bảo hòa, thậm chí trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc bắt đầu chững lại và thậm chí đi xuống thì làn sóng đầu tư ra bên ngoài bắt đầu nổi lên như một cứu cánh của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng hệ thống đường sắt, phải hết sức tỉnh táo |
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là nước khởi xướng cho sự ra đời của ngân hàng AIIB nhằm giảm sự ảnh hưởng của các định chế tài chính quốc tế lớn mà từ trước đến nay do các nước phương Tây (đối với Ngân hàng Thế giới – WB) và Nhật Bản (Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB) chi phối.
Việc các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của họ trong các dự án cơ sở hạ tầng nói chung, dự án đường sắt nói riêng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước đang phát triển khác chắc chắn không nằm ngoài kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, là một nước đang phát triển, có nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, trong khi tỷ lệ tiết kiệm thấp không đủ tài trợ thì việc tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài là điều đương nhiên. Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam cũng cần phải được nhìn nhận trên cả hai phương diện chính trị và kinh tế, đặc biệt đối với Trung Quốc.
Thứ nhất, trên phương diện kinh tế, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung hay đường sắt nói riêng có thể mang đến lợi ích chung cho cả Việt Nam lẫn các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này chỉ có được nếu chỉ nhìn nhận thuần túy trên quan điểm kinh tế.
Trong khi, Việt Nam đang có nhu cầu lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án này không chỉ giúp bổ sung nguồn vốn đầu tư xã hội mà còn tạo ra tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhờ đó sẽ giúp cải thiện được hiệu quả của dự án đáng kể.
Tuy nhiên, điều này cần phải được đánh giá và thẩm định một cách khách quan và độc lập dựa trên hiệu quả kinh tế của dự án.
Nguyên tắc thẩm định đối với một dự án đầu tư công là phải dựa trên hiệu quả kinh tế chứ không phải hiệu quả tài chính. Tức là dự án chỉ được thực hiện khi có hiệu quả kinh tế. Nếu dự án có hiệu quả kinh tế đồng thời cũng có hiệu quả tài chính thì tư nhân sẽ tự có động cơ để đề xuất thực hiện.
Ngược lại nếu dự án có hiệu quả kinh tế mà không có hiệu quả tài chính thì tư nhân sẽ không thực hiện, khi đó nhà nước có thể sử dụng các biện pháp khuyến khích để tư nhân thực hiện như ưu đãi thuế, ban hành một số hình thức trợ cấp khác.
Tuy nhiên, nếu dự án có hiệu quả tài chính mà không có hiệu quả kinh tế, thậm chí hiệu quả kinh tế âm, chẳng hạn như gây ra các tác động về mặt môi trường, tình trạng kém hiệu quả trong phân bổ nguồn lực của xã hội… thì ngay cả tư nhân có lợi ích để làm thì nhà nước cũng không khuyến khích.
Khi đó, nhà nước có thể tăng thuế để hạn chế hành vi đầu tư và tái phân phối lại nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong thực tế, hiếm khi các nguyên lý này được tuân thủ.
Thứ hai, trên phương diện chính trị, Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ chính trị rất gần gũi mang tính truyền thống, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề ý thức hệ. Trong khi đó, các dự án đầu tư công thường chịu ảnh hưởng bởi vấn đề chính trị nhiều hơn là vấn đề kinh tế.
Do nhu cầu có dự án quá nhiều, xin nhấn mạnh là nhu cầu có dự án chứ không phải là nhu cầu đầu tư, mà không nhất thiết là dự án đó có hiệu quả hay không. Đặc biệt trong bối cảnh ngành đường sắt Việt Nam đang khá lạc hậu nên đang rất cần một nguồn vốn lớn để nâng cấp thì điểm yếu của chúng ta bắt đầu lộ ra.
Chính nhu cầu cấp bách đẩy sự thèm muốn lên đến cao độ thường khiến cho nhiều người không còn đủ tỉnh táo để nhận ra đúng sai nữa. Những lời đề nghị của các nhà đầu tư Trung Quốc trong bối cảnh này trở nên quá hấp dẫn, cộng với văn hóa đút lót, lại quả vốn quá quen thuộc và nhuần nhuyễn của các nhà thầu Trung Quốc, khiến chúng ta có cơ sở để nghi ngờ lòng tốt của họ.
Xem xét hiệu quả kinh tế
PV: – Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2015, kim ngạch hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 12,44 tỷ USD trong khi nhập khẩu lên tới 36,72 tỷ USD. Như vậy, nếu xây dựng những tuyến đường sắt này, thì sẽ có lợi cho ai? Chúng ta có nên vay vốn xây đường sắt rồi để cho đối tác được hưởng lợi hơn hay không?
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Như tôi đã nói, các dự án cần phải được thẩm định và đánh giá một cách khách quan, khoa học và độc lập. Nếu dự án có hiệu quả kinh tế thì ủng hộ, nếu không thì không chấp nhận.
Nếu nói nhu cầu vận tải hàng hóa lớn do kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn và đang tăng lên thì cũng cần phải được đưa nó vào trong các thông số mô hình của dự án để thẩm định chứ không ai đi thẩm định tính hiệu quả và khả thi của một dự án chỉ bằng vài số liệu đơn giản đi cùng với một vài lời lập luận sáo rỗng và giản đơn như vậy được.
Nếu dự án có hiệu quả kinh tế thì ủng hộ, bằng không thì không nên khuyến khích. Tương tự, nếu dự án có hiệu quả tài chính thì tư nhân ắt là họ sẽ tự có động cơ để làm không cần sự khuyến khích, trợ cấp hay bảo lãnh của nhà nước.
Việc các nhà đầu tư Trung Quốc gợi ý hỗ trợ Việt Nam vay vốn ưu đãi của Trung Quốc để làm có hàm ý quan trọng là dự án này có tiềm năng không hiệu quả hoặc quá rủi ro và các nhà đầu tư Trung Quốc muốn đẩy rủi ro đó cho Việt Nam thông qua con đường mà tôi gọi là chính trị hóa nguồn vốn tư nhân.
Chúng ta phải thật tỉnh táo về vấn đề này. Cần phải phát huy vai trò phản biện của xã hội và có những đối trọng giám sát bởi thường những người có lợi ích bên trong dự án thường không đủ tính táo hoặc không có động cơ nhìn nhận vấn đề trên lợi ích quốc gia, nền kinh tế.
PV:- Thời gian qua, các chuyên gia cũng đã nói nhiều đến bài toán làm sao để kinh tế thoát Trung, nếu như Trung Quốc hỗ trợ xây dựng các tuyến đường sắt thì có làm tăng nguy cơ phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc hay không? Vì sao ạ?
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Mục tiêu thoái Trung rất dễ nói nhưng làm thì không dễ. Tôi nghĩ thay vì cứ cố chấp tìm giải pháp thoát Trung, chúng ta nên tìm giải pháp để làm sao đất nước chúng ta, nền kinh tế chúng ta ngày một mạnh lên nhanh chóng.
Là một quốc gia giàu mạnh, chúng ta sẽ không lo ngại trước bất kỳ sự o ép của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Quan điểm đối với các tuyến đường sắt theo đề xuất của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng vậy.
Tất cả đều phải được thậm định một cách khách quan, khoa học và độc lập; cần phải nâng cao vai trò phản biện xã hội; cơ chế giải trình trách nhiệm độc lập; phát huy tiếng nói của những bên có quyền và lợi ích liên quan; phải có đối trọng để giám sát độc lập; phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân trong các dự án đầu tư công của quốc gia.
Theo Đất Việt